(LĐ online) - Sáng 1/7, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương do Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Hà Hùng Cường- UVTW Đảng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Lâm Đồng về việc thực hiện Nghị quyết số 49 ngày 2- 6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
(LĐ online) - Sáng 1/7, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - UVTW Đảng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Lâm Đồng về việc thực hiện Nghị quyết số 49 ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Huỳnh Đức Hòa - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Hoàng Sỹ Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết (NQ) số 49 của tỉnh Lâm Đồng tại buổi làm việc cho thấy ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành NQ 49, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã xây dựng Chương trình hành động số 10 triển khai thực hiện nghị quyết này. Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã kiện toàn, bổ sung nhân sự, xây dựng chương trình trọng tâm công tác tư pháp giai đoạn 2006 -2010, giai đoạn 2011 gắn việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp với kế hoạch công tác của từng ngành, Xây dựng chương trình trọng tâm công tác tư pháp hàng năm; Ban hành chỉ thị về lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Kết quả, các cơ quan tư pháp, cán bộ tư pháp đã từng bước đề cao trách nhiệm và thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, phối hợp chặt chẽ hơn trong việc triển khai nhiệm vụ cải cách tư pháp. Hàng năm, đã phát hiện, khởi tố để điều tra, xử lý hình sự từ 700 đến 900 vụ án các loại. Việc xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, chất lượng công tác điều tra, truy tố xét xử được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, với tỷ lệ giải quyết án đạt từ 95% trở lên; án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung kéo giảm từ 10% xuống còn 1%. Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về việc bắt, tạm giữ, tạm giam; phối hợp rà soát đội ngũ cán bộ tư pháp; tổng rà soát khiếu kiện về tư pháp; đấu tranh giải quyết các vụ án trọng điểm. Việc điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện đúng quy định pháp luật, đạt và vượt chỉ tiêu, bước đầu đáp ứng các yêu cầu về cải cách tư pháp. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ và nhân dân. Các hoạt động tư pháp khác về chứng thực, tố tụng, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp cũng như hoạt động của luật sư cũng đạt kết quả khá cao.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế: Tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án chưa rõ đối tượng chưa cao; công tác tuyên truyền và thông tin về cải cách tư pháp chưa tương xứng với tầm quan trọng và tính chất của công cuộc cải cách tư pháp, chất lượng tranh tụng ở một số phiên toà (cấp huyện) chưa cao…
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo địa phương cũng đã nêu lên những khó khăn hiện tại của Lâm Đồng trong công tác cải cách tư pháp đó là tỉnh miền núi, trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp chưa đồng đều, còn yếu về chuyên môn; về cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên chưa thành lập được viện kiểm sát, tòa án khu vực, trung tâm giám định pháp y theo lộ trình của Chính phủ nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác tư pháp. Đồng thời cũng đề xuất kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang bị máy móc, phương tiện, công cụ hỗ trợ; tổng kết công tác tranh tụng tại phiên toà và có định hướng cụ thể cho các cơ quan tư pháp tại địa phương…
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã đánh giá cao 5 vấn đề chính trong công tác triển khai và kết quả 8 năm thực hiện NQ49 của Tỉnh uỷ Lâm Đồng; ghi nhận vai trò của cấp uỷ địa phương trong chỉ đạo cải cách công tác tư pháp; về chất lượng điều tra, xét xử của các vụ án được thực thi đúng quy trình và đạt tỷ lệ cao, án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung cũng như án oan sai ở tỷ lệ thấp và gần như không có. “ Tuy Lâm Đồng là một trong những địa phương còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã quan tâm chỉ đạo tốt, với chất lượng xét xử cao, khẳng định được vị thế của công tác tư pháp trong nhân dân. Hầu hết việc thực hiện Nghị quyết 49 đúng tiến độ, nghiêm túc và bám sát yêu cầu đặt ra”, Bộ trưởng đã phát biểu khẳng định.
Riêng về những tồn tại của Lâm Đồng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các sở ngành cần nêu cao tính tiên phong, đẩy mạnh công tác điều tra, xét xử, tranh tụng tại các phiên tòa để có hiệu quả cao hơn. Bộ trưởng cũng yêu cầu cấp uỷ địa phương phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác lãnh đạo chỉ đạo cải cách tư pháp theo tinh thần NQ 49, tổ chức hội nghị sơ, tổng kết và đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở các địa phương trong thời gian tới. Đồng chí cũng tiếp thu những kiến nghị của địa phương, chỉ đạo các thành viên trong đoàn công tác tiếp thu, ghi nhận những khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ của Lâm Đồng và trình Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp TW xem xét, giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Tuấn Linh – Văn Báu