Suy nghĩ qua việc lấy phiếu tín nhiệm trong Quốc hội và HĐND các cấp

04:07, 17/07/2013

(LĐ online) - Lấy phiếu tín nhiệm hoàn toàn khác với bỏ phiếu tín nhiệm bởi vì một bên thực hiện việc thăm dò chính là giai đoạn đầu nên phải là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp; còn một bên là giai đoạn tiếp theo nên mới là bỏ phiếu tín nhiệm hoặc không tín nhiệm...

(LĐ online) - Lấy phiếu tín nhiệm hoàn toàn khác với bỏ phiếu tín nhiệm bởi vì một bên thực hiện việc thăm dò chính là giai đoạn đầu nên phải là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp; còn một bên là giai đoạn tiếp theo nên mới là bỏ phiếu tín nhiệm hoặc không tín nhiệm...

Thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21-11-2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01-2-2013, Quốc hội nước ta và một số Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm từ trung tuần tháng 6-2013.

Việc Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm 47/49 chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Trước khi lấy phiếu tín nhiệm, một số cử tri lo ngại việc chuẩn bị không chu đáo, tiến hành không chuẩn có thể dẫn đến kết quả ngược thì rất nguy hiểm. Người ta sẽ coi phiếu tín nhiệm là lá bùa hộ mệnh, là cơ hội để những người trình độ phẩm chất kém nhưng giỏi chạy chọt… để được tín nhiệm cao.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được công bố sáng ngày 11-6-2013 và tiếp đó Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, trong đó nêu rõ tỷ lệ mức độ tín nhiệm của từng người đã được đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao. Có thể nói đây là một sự cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); thể hiện rõ tính dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đây cũng là việc làm lần đầu tiên trong Quốc hội nhưng được dư luận đánh giá là khá tốt để kiểm định năng lực điều hành của Chính phủ và giám sát của Quốc Hội. Dư luận đồng tình ủng hộ cách thức lấy phiếu tín nhiệm, nhất là việc công bố kết quả kịp thời, công khai được mọi người cho là khách quan, thể hiện tinh thần và thái độ trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội.
Phát biểu kết thúc nội dung lấy phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Quốc hội đã hoàn thành trọng trách nhân dân cả nước giao cho chúng ta, tin tưởng qua lần này chúng ta sẽ rút kinh nghiệm không chỉ làm tốt ở Quốc hội những năm sau mà còn rút kinh nghiệm chung cho việc lấy phiếu tín nhiệm ở cấp Hội đồng nhân dân theo hướng thận trọng, khách quan, chính xác…”

Dư luận cho rằng kết quả bỏ phiếu của Quốc cho thấy khối Quốc hội và Chủ tịch nước cao, khối Chính phủ thấp. Đây cũng là chuyện đương nhiên “vì có điều hành trực tiếp kinh tế - xã hội đất nước thì không tránh khỏi những va chạm” nhưng cũng chỉ là một khía cạnh có tính thăm dò ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với 47 chức danh chủ chốt được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; không thể coi đây là sự đánh giá chung về năng lực và phẩm chất cách mạng của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Mặc dù vậy, đây có thể coi là căn cứ để các chức danh được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đánh giá lại hoạt động của mình, từ đó tiếp tục nâng cao trách nhiệm, đổi mới phương pháp lãnh đạo có hiệu quả hơn để góp phần đưa đất nước phát triển. iện nay, trong cả nước ta cũng như trong tỉnh Lâm Đồng, Hội đồng nhân dân các cấp đang tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm thì chắc chắn rằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu cũng tương tự như ở Quốc hội là hầu hết các đồng chí đang đảm nhiệm các chức danh chủ chốt cũng đều được tín nhiệm dù rằng có người có số phiếu tín nhiệm cao nhiều hơn, có người số phiếu tín nhiệm thấp nhiều hơn… Sự thật hiển nhiên là như vậy, nhưng bọn phản động và những phần tử cơ hội chính trị cũng cứ tranh thủ la lối, vu khống, xuyên tạc trên các blog… và cũng còn có người hiểu sai nên cho là việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ được thực hiện theo hai mức: tín nhiệm và không tín nhiệm chứ không phải là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp như những nơi đã, đang và sẽ làm…

Theo tinh thần của Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21-11-2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn  ngay tại điều 2 về giải thích từ ngữ thì: “Lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.”. Còn “Bỏ phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm.”.

Phải tiến hành thăm dò là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp để sau đó tiếp tục thực hiện theo điều 10 của Nghị quyết số 35 nói trên là “Người có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá tín nhiệm thấp hoặc 02 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá tín nhiệm thấp thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm”. Cũng như điều 11 đã nói rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn khi “Người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp” và “Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá tín nhiệm thấp trong 02 năm liên tiếp”. Còn Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu khi “Người được lấy phiếu tín nhiệm có trên hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá tín nhiệm thấp” hoặc  “Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá tín nhiệm thấp trong 02 năm liên tiếp”…

Vì vậy, cần nắm chắc nội dung Công văn số 166-CV/TW ngày 15-6-2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc lãnh đạo lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm ở Hội đồng nhân dân các cấp cũng như Thư của đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gửi Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; xã, phường, thị trấn ngày 26-6-2013 bởi vì việc lấy phiếu tín nhiệm là rất hệ trọng và có ý nghĩa trong thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về đổi mới hoạt động của các cơ quan dân cử; được nhân dân mong đợi, tin tưởng.

Bùi Thanh Long