Tại kỳ họp thứ 7 của HĐND thành phố Bảo Lộc khóa IV, các đại biểu HĐND đã chất vấn các cơ quan liên quan về những vấn đề mà cử tri quan tâm. Đó là về y tế, bảo hiểm y tế, dạy thêm - học thêm, quản lý thuế, chuyển đổi cây trồng... Sau khi được chất vấn và trả lời chất vấn một cách công khai, trực tiếp, thẳng thắn và cởi mở, những vấn đề trên được sáng tỏ.
Tại kỳ họp thứ 7 của HĐND thành phố Bảo Lộc khóa IV, các đại biểu HĐND đã chất vấn các cơ quan liên quan về những vấn đề mà cử tri quan tâm. Đó là về y tế, bảo hiểm y tế, dạy thêm - học thêm, quản lý thuế, chuyển đổi cây trồng... Sau khi được chất vấn và trả lời chất vấn một cách công khai, trực tiếp, thẳng thắn và cởi mở, những vấn đề trên được sáng tỏ.
BS PHAN SĨ LONG - GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM Y TẾ THÀNH PHỐ:
Hoạt động của Trung tâm Y tế thành phố Bảo Lộc trong thời gian vừa qua gặp rất nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất của Trung tâm hiện chỉ là khu nhà cấp 4, chật hẹp (300 m2), rách nát, “già cỗi” (40 năm nay) nhưng chưa được xây dựng, nâng cấp.
Mỗi năm, bình quân toàn thành phố, Trung tâm khám chữa bệnh cho khoảng 300 ngàn lượt người, nhưng hệ thống trạm y tế cơ sở và phương tiện khám chữa bệnh còn nhiều bất cập. Những trạm được xây dựng mới, nhưng chỉ là “vườn không, nhà trống”, không có đủ phương tiện khám chữa bệnh để đáp ứng nhu cầu. Đội ngũ cán bộ (y, bác sĩ) của các trạm luôn thay đổi. Năm 2011, tất cả 11 trạm y tế của các xã, phường đều có bác sĩ, nhưng do chế độ lương bổng, thu nhập, phương tiện và điều kiện làm việc bị hạn chế, nên nhiều bác sĩ đã xin nghỉ việc và hiện chỉ còn 5 trạm y tế có bác sĩ.
Trước thực trạng đó, ngoài việc phải cố gắng nỗ lực của ngành, trước mắt, Trung tâm Y tế thành phố đề nghị UBND thành phố cân đối ngân sách địa phương để có thể cấp vốn đầu tư cho ngành y tế, vì nếu chờ ngân sách của tỉnh thì rất khó khăn. Chúng tôi mong muốn trong giai đoạn 2014 – 2015 được cấp vốn để có thể khởi động xây dựng Trung tâm Y tế thành phố.
ÔNG PHẠM PHÚ PHẨM - GIÁM ĐỐC BẢO HIỂM XÃ HỘI THÀNH PHỐ:
Hiện tại, cả thành phố Bảo Lộc có 75.000 người tham gia đóng bảo hiểm y tế (BHYT), mới đạt 49%, trong khi yêu cầu đến năm 2015, thành phố phải đạt chỉ tiêu 70% dân số tự nguyện tham gia đóng BHYT. Đây là một chỉ tiêu rất khó thực hiện. Bởi lẽ, ngoài số người đóng BHYT bắt buộc, số người đóng BHYT là học sinh, sinh viên (HSSV) và người lao động có số lượng rất đông, nhưng tỷ lệ tham gia rất thấp. Nguyên nhân, trước hết là do công tác tuyên truyền, vận động bị hạn chế; do sự tác động từ phía nhà trường chưa đủ để làm chuyển biến nhận thức cho HSSV); do người lao động (nông lâm nghiệp) còn khá đông có thu nhập thấp; do sự cạnh tranh giữa các loại hình bảo hiểm, cơ quan bảo hiểm; do chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh kém, chưa đáp ứng và làm thỏa mãn nhu cầu…
Từ thực tế nói trên, để có thể đạt được yêu cầu chỉ tiêu vận động người dân tham BHYT, chúng tôi đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ BHYT cho HSSV, những người lao động có thu nhập thấp. Và, điều quan trọng nhất là làm sao thành phố Bảo Lộc nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh BHYT; dịch vụ phải tới gần dân hơn và nơi đăng ký khám chữa bệnh được thuận lợi hơn.
ÔNG TỪ NGỌC THANH -TRƯỞNG PHÒNG GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ:
Thực ra, việc dạy thêm, học thêm vẫn có mặt tích cực của nó. Thông tư của Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng như Quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng không cấm việc dạy thêm, học thêm đối với học sinh THCS và THPT. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải quản lý như thế nào để dạy thêm, học thêm đúng theo qui định. Trong thời gian qua, thành phố Bảo Lộc đã triển khai nhiều biện pháp để chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm nhưng thực tế vẫn còn những bất cập. Với bậc tiểu học thì cấm việc dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, tại thành phố lại có hiện tượng này. Phòng Giáo dục - Đào tạo đã kiểm tra 22 lần và đã phê bình 4 hiệu trưởng, kỷ luật khiển trách 1 giáo viên tiểu học.
Việc quản lý học thêm và dạy thêm rất khó. Chúng tôi chưa thể hứa lúc nào mới chấm dứt được tình trạng này. Bởi vì, thực tế vẫn còn có nhu cầu học thêm; phụ huynh (và ngay cả cán bộ) vẫn có nhu cầu cho con mình học thêm. Tuy nhiên, chúng tôi tiếp tục tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và quản lý việc dạy thêm, học thêm phải đúng theo quy định. Những giáo viên vi phạm chúng tôi sẽ nhắc nhở hoặc xử lý bằng nhiều cách, như luân chuyển công tác, phê bình, khiển trách…
ÔNG CHU VĂN TRÍ - TRƯỞNG CHI CỤC THUẾ THÀNH PHỐ:
Hiện tại, trên địa bàn thành phố có 4.259 doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Qua ý kiến chất vấn của các đại biểu, chúng tôi xin tiếp thu và ghi nhận là công tác quản lý thuế còn có những mặt hạn chế nhất định.
Để khắc phục hạn chế đó, trước mắt, chúng tôi sẽ nhanh chóng rà soát và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ của Chi cục Thuế và các đội thuế cho hợp lý hơn (tinh giảm số lượng đội thuế); củng cố lại khâu tổ chức, quản lý; chấn chỉnh công tác kiểm tra nội bộ; tăng cường công tác phối hợp trong việc quản lý, thu ngân sách… Chi cục Thuế thành phố quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu thu thuế, phí trước 25/12/2013. Riêng chỉ tiêu thu 100 tỷ đồng từ cấp quyền sử dụng đất, Chi cục Thuế đề nghị UBND thành phố chỉ đạo sát sao hơn.
BÙI TRƯỞNG