... Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thắng lợi. Chính quyền cách mạng của nhân dân Việt Nam đã thành lập trong cả nước. Ủy ban Dân tộc giải phóng đã về Hà Nội. Theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
[links()]2. Sự thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước của chung cả toàn thể dân tộc (Tiếp theo)
... Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thắng lợi. Chính quyền cách mạng của nhân dân Việt Nam đã thành lập trong cả nước. Ủy ban Dân tộc giải phóng đã về Hà Nội. Theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhiều ủy viên Việt Minh trong Ủy ban đã tự nguyện rút ra để mời thêm một số nhân sĩ tham gia Chính phủ đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà quốc dân giao phó. Chính phủ lâm thời gồm có 15 thành viên do Hồ Chí Minh giữ cương vị Chủ tịch kiêm ngoại giao. Chính phủ lâm thời là một Chính phủ quốc gia thống nhất giữ trọng trách chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của toàn quốc cho đến ngày bầu Quốc hội để thành lập một Chính phủ dân chủ cộng hòa chính thức.
Cuộc đấu tranh để giữ vững quyền độc lập, tự do của dân tộc ngay từ khi mới ra đời đã diễn ra hết sức phức tạp. Theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh phải sớm tổ chức lễ Tuyên bố độc lập của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việc chuẩn bị được tiến hành rất khẩn trương, đặc biệt hệ trọng là soạn bản Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh thực hiện.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, trên lễ đài ở Vườn hoa Ba Đình, các thành viên của Chính phủ ra mắt trước hàng chục vạn người dân của nước Việt Nam mới được hồi sinh đã đến dự. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân và toàn thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời.
Tuyên ngôn nêu rõ: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Đối với Việt Nam, Tuyên ngôn khẳng định: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy".
Tuyên ngôn độc lập là bản anh hùng ca chiến đấu và chiến thắng của dân tộc Việt Nam, quyết nêu cao ý chí đấu tranh của toàn dân để giữ vững quyền độc lập, tự do, bảo vệ chế độ Cộng hòa Dân chủ Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện đặt nền tảng, có giá trị pháp lý quan trọng khẳng định các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước chung của toàn thể dân tộc ra đời là một bước nhảy vọt lịch sử trên con đường phát triển của dân tộc. Đây là một điển hình thành công sáng tạo về cách mạng giải phóng dân tộc của một nước thuộc địa diễn ra giữa thế kỷ XX dưới ánh sáng của học thuyết cách mạng giải phóng và phát triển dân tộc vì độc lập, tự do của vị lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh. Quyền tự do, độc lập không chỉ là quyền thiêng liêng của Việt Nam mà là quyền dân tộc có tính phổ quát của nhân loại được Người đúc kết một cách cô đọng rằng: "Tự do, độc lập là quyền trời cho mỗi dân tộc... Hễ một dân tộc đã đứng lên kiên quyết tranh đấu cho Tổ quốc họ thì không ai, không lực lượng gì chiến thắng được họ".
(Còn nữa)
TS (theo Tạp chí Tuyên giáo Trung ương)