Tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế, xã hội Tây Nguyên phát triển bền vững

05:08, 20/08/2013

Ngày 19-8, Ðoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Vương Ðình Huệ, Ủy viên T.Ư Ðảng, Trưởng ban làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên về công tác 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn", Nghị quyết 10, Kết luận 12 của Bộ Chính trị và tình hình kinh tế - xã hội bảy tháng đầu năm 2013 của vùng Tây Nguyên.

Ngày 19-8, Ðoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Vương Ðình Huệ, Ủy viên T.Ư Ðảng, Trưởng ban làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên về công tác 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn", Nghị quyết 10, Kết luận 12 của Bộ Chính trị và tình hình kinh tế - xã hội bảy tháng đầu năm 2013 của vùng Tây Nguyên.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Vương Ðình Huệ đề nghị hai Ban (Ban Kinh tế Trung ương và Ban Chỉ đạo Tây Nguyên) cần phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Trung ương, Chính phủ có các chủ trương, chính sách sát với thực tế cho vùng Tây Nguyên. Trước mắt, hai ban tiếp tục nghiên cứu sâu hơn Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn", tái cơ cấu cấu trúc ngành nông nghiệp vùng, chủ trương phát triển kinh tế hợp tác, nhân rộng các mô hình liên kết giữa "bốn nhà" nhằm gia tăng chuỗi giá trị, phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học thích hợp với từng vùng. Hai Ban cũng tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất một số cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên bền vững.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn", kinh tế nông nghiệp trong vùng Tây Nguyên đã có sự chuyển biến đáng kể, tổng giá trị sản phẩm khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt hơn 51.644 tỷ đồng, tăng 32,94% so năm 2008, bình quân tăng 7,38%/năm. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch tích cực, tốc độ tăng trưởng luôn ở mức cao. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2012 đạt 94.125 tỷ đồng, tăng 28,8% so năm 2008; trong đó, nông nghiệp chiếm 97,13%, lâm nghiệp chiếm 1,85%, thủy sản chiếm 1,02%.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng đầu tư thích đáng để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn. Toàn vùng đã huy động hơn 32.293 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới; công tác xóa đói, giảm nghèo cũng được đẩy mạnh, với nhiều giải pháp, mô hình có hiệu quả. Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người đạt 26,92 triệu đồng, tăng gấp 2,3 lần so năm 2008, tình trạng đói nghèo giảm nhanh, bình quân hằng năm giảm từ 3 đến 4%, từ 18,92% năm 2011 xuống còn 15,58% năm 2012... Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã đổi mới, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn, phát triển nhanh các nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, đồng thời, tích cực đào tạo nguồn nhân lực nhằm tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn.

Từ nay đến cuối năm 2013, các tỉnh Tây Nguyên cũng như các huyện miền núi giáp Tây Nguyên tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng vững mạnh hệ thống chính trị,  bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

TS (Theo TTXVN)