(LĐ online) –Đó là ý kiến chất vấn của ông Nguyễn Bá Thuyền - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra trong buổi họp trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Hà Hùng Cường về trách nhiệm trong công tác nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và đưa văn bản pháp luật vào cuộc sống do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng ngày 20/8.
(LĐ online) - Đó là ý kiến chất vấn của ông Nguyễn Bá Thuyền - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra trong buổi họp trực tiếp chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Hà Hùng Cường về trách nhiệm trong công tác nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện, thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và đưa văn bản pháp luật vào cuộc sống do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng ngày 20/8.
Toàn cảnh buổi họp trực tuyến của Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng |
Đại diện cho Đoàn Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng, ông Nguyễn Bá Thuyền đã chất vấn Bộ trưởng Hà Hùng Cường các câu hỏi liên quan đến việc ban hành các văn bản pháp luật hiện nay, đó là: Theo một nguồn tin đáng tin cậy thì hiện nay có khoảng 10.000 văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật, làm cho cử tri lo lắng và thiếu niềm tin bởi các văn bản này đã hạn chế, làm thiệt hại nhiều đến quyền lợi của người dân cũng như các tổ chức, sai sót và trách nhiệm này thuộc về ai, Bộ trưởng hay Chính phủ?; nhiều cử tri cho rằng, cá nhân và các doanh nghiệp muốn được tự bảo vệ quyền lợi cho mình, tức là có quyền khởi kiện các văn bản vi phạm pháp luật của nhà nước bởi những yếu tố không phù hợp với thực tế. Ngoài ra, khi người dân vi phạm thì bị xử phạt, nhưng khi các văn bản pháp luật ban hành sai thì Bộ Tư pháp có tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh và xử lý vấn đề này như thế nào? Việc ban hành các văn bản pháp luật hiện nay liệu có ảnh hưởng đến vấn đề tham nhũng thông qua chính sách pháp luật hay tạo lợi ích nhóm hay không? Với trách nhiệm của Bộ Tư pháp, các vấn đề trên được điều chỉnh thế nào và giải quyết sao cho phù hợp với thực tế để văn bản có thể đi vào cuộc sống và được người dân đồng tình?
Câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cũng là vấn đề được các đại biểu khác hết sức quan tâm. Bên cạnh đó, các vấn đề về việc hiện nay, các văn bản pháp luật được ban hành, triển khai hết sức chậm, không theo kịp với tình hình thực tế. Nhiều văn bản được ban hành nhưng thiếu sự khảo sát, không phù hợp với tình hình thực tế gây bức xúc, lo lắng cho cử tri... cũng được các đại biểu đưa ra trong phiên họp chất vấn.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng: Phần lớn các văn bản được ban hành hiện nay đều phù hợp với tình hình thực tế và ngày càng tốt hơn, nhiều văn bản ban hành tuy chậm nhưng luôn đúng và triển khai có hiệu quả. Trong thời gian vừa qua, chính Thủ tướng Chính Phủ cũng đã chỉ đạo trực tiếp việc xây dựng luật, pháp lệnh là trách nhiệm của Bộ trưởng Tư pháp và Bộ cũng đã phân công một thứ trưởng phụ trách riêng về vấn đề này. Hiện nay, có nhiều văn bản sai nhưng Bộ Tư pháp sẽ tiếp thu và dần điều chỉnh để cho phù hợp. Bộ trưởng Tư pháp cũng khẳng định việc ban hành các văn bản pháp luật đều dựa trên sự khảo sát và nghiên cứu cụ thể, có sự tham gia đóng góp của nhiều bộ ngành hoàn toàn không liên quan đến tiếp tay cho các nhóm lợi ích và tham nhũng về chính sách pháp luật.
Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Hà Hùng Cường không nhận được sự đồng tình của phần lớn các đại biểu Quốc hội. Chính Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Sinh Hùng cũng đã lên tiếng và yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp cần tập trung vào việc quan tâm đánh giá chương trình xây dựng pháp luật hiện nay đã tốt hay chưa phù hợp, tránh tình trạng liệt kê danh sách và đưa ra những câu trả lời chung chung.
Do thời gian có hạn nên những vấn đề được cử tri quan tâm sẽ được Bộ Tư pháp tổng hợp và trả lời bằng văn bản cụ thể; đồng thời sẽ tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh và sửa đổi sao cho phù hợp với tình hình thực tế, qua đó triển khai đưa vào cuộc sống trong thời gian tới.
Linh Đan - Văn Báu