Đây là chỉ đạo của đồng chí Hoàng Sỹ Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết 49/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị (khóa X) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 tổ chức trong ngày 1/8/2013 tại Đà Lạt.
Đây là chỉ đạo của đồng chí Hoàng Sỹ Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết 49/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị (khóa X) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 tổ chức trong ngày 1/8/2013 tại Đà Lạt.
Tham dự Hội nghị còn có các đại diện lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng, Ủy ban MTTQVN tỉnh, lãnh đạo các cơ quan của tỉnh: Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án, Cục Thi hành án, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Thanh tra, Hội luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh; lãnh đạo Thành ủy, Huyện ủy các huyện, thành trong tỉnh.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy, trong 8 năm thực hiện Nghị quyết 49/TW, về cơ bản Lâm Đồng đã giải quyết được những vấn đề bức xúc; tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân về vị trí, vai trò tầm quan trọng của công tác tư pháp. Chất lượng điều tra, truy tố xét xử, thi hành án, giải quyết khiếu kiện về tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần vào việc ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Công tác tổ chức bộ máy, cán bộ của các cơ quan tư pháp được tăng cường, sắp xếp kiện toàn, tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện. Cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp được tăng cường về số lượng và chất lượng, được quan tâm đào tạo bồi dưỡng nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu công tác. Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của các cơ quan tư pháp cũng từng bước được đầu tư, hiện đại hóa. Hằng năm, Lâm Đồng đều có sơ kết đánh giá kết quả công tác cải cách tư pháp, sơ kết 3 năm, 5 năm. Tỉnh cũng chú ý tăng cường các hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử (HĐND cấp tỉnh và huyện), phát huy quyền làm chủ của người dân đối với cơ quan tư pháp.
Tuy nhiên, Hội nghị cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại. Sự phối kết hợp giữa các cơ quan tư pháp có lúc còn chưa chặt chẽ, hiệu quả tuyên truyền về cải cách tư pháp chưa cao; một số lĩnh vực trong hoạt động tư pháp chưa chuyển biến mạnh mẽ; công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án còn kéo dài, sai sót; chất lượng điều tra còn hạn chế nên phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; các hoạt động bổ trợ tư pháp còn hạn chế…
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến là các cơ quan tư pháp trong tỉnh cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; tiếp tục thực hiện tốt việc phối hợp liên ngành theo chỉ đạo của Quốc hội; rà soát kiện toàn các cơ quan bổ trợ tư pháp để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm và yêu cầu cải cách tư pháp; xây dựng hoàn thiện các thể chế chính sách tại địa phương.
Hội nghị đã nghe một số tham luận của các đơn vị, địa phương trong tỉnh phát biểu về kinh nghiệm cải cách tư pháp của đơn vị mình.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Hoàng Sỹ Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã nhấn mạnh về việc tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ trong ngành tư pháp; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cần củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ; chú trọng công tác quy hoạch cán bộ, phân công bố trí hợp lý; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật nghiệp vụ; đổi mới công tác quản lý chỉ đạo điều hành của các cơ quan tư pháp; tăng cường việc đào tạo chuẩn hóa cán bộ, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chính trị; phát triển nguồn đảng viên dự bị theo yêu cầu cải cách tư pháp; xây dựng cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, bảo vệ Đảng, Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.
Viết Trọng