Bốn nhận thức sai lầm, lệch lạc của Lê Hiếu Đằng

10:09, 19/09/2013

(LĐ online) - Sự lệch lạc nhận thức và thái độ vô trách nhiệm của ông Lê Hiếu Đằng đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận của đông đảo những người dân có trách nhiệm với đất nước...

(LĐ online) - Gần đây trên một số trang mạng có đăng bài viết:“Suy nghĩ trong những ngày nằm bệnh”, của ông Lê Hiếu Đằng. Bài viết bộc lộ nhiều sai lầm, lệch lạc của một người đã từng trải qua 45 năm tuổi Đảng và cũng đã có những đóng góp nhất định trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Sự lệch lạc nhận thức và thái độ vô trách nhiệm của ông Lê Hiếu Đằng đã gây ra nhiều bức xúc trong dư luận của đông đảo những người dân có trách nhiệm với đất nước.

Trong bản “quyết toán” cuộc đời mình, ông Lê Hiếu Đằng đã tập trung vào 4 nội dung chủ yếu như sau:

Một là, “Vì sao tôi đi kháng chiến, vào Đảng Cộng sản Việt Nam?”. Bằng việc kể lể “về lòng yêu nước” của mình, ông Lê Hiếu Đằng đã mạnh mẽ phủ nhận mọi thành quả cách mạng, mà chỉ cách đó không lâu ông và các đồng đội của mình đã từng đóng góp công sức và máu xương đổ ra để xây dựng nên. Đồng thời, ông cũng đã không tiếc lời ca ngợi chế độ cũ, cái chế độ mà ông đã góp chút công sức vừa đập tan nó. Lê Hiếu Đằng, kể lại câu chuyện ông bị chế độ cũ bắt giam vì chỉ mới tình nghi ông và bạn ông là Lý Thiện Sanh hoạt động trong tổ chức thanh niên cách mạng. Rồi để kịp thi tú tài II, gia đình ông làm đơn bảo lãnh xin cho ra tù để về tham dự cuộc thi. Ông và người bạn được giải quyết cho ra tù. Và với việc làm này, trong bài viết của mình, ông đã nêu câu hỏi: “Tôi không biết là với chế độ gọi là “ưu việt” hiện nay, có người tù nào được ra khỏi nhà tù để đi thi như chúng tôi hay không?” Bằng câu hỏi chứa đầy chất mỉa mai này, ông đã ca ngợi chế độ cũ hết lời. Thật đáng tiếc cho một người vốn là một luật gia, từng khoe khoang là đọc nhiều sách triết học kể cả Nietzche và Marx, đã từng giảng dạy ở trường Đảng Nguyễn Văn Cừ mà vẫn không nhìn ra mối liên hệ giữa bản chất và hiện tượng, hơn thế nữa lại chỉ biết nhìn nhận một chế độ qua lăng kính cá nhân và qua một sự việc ngẫu nhiên. Mặt khác, cũng cần phải lưu ý đến khả năng có thể địch dùng sự việc đó để tạo ra sự nghi ngờ trong tổ chức mà ông Đằng đang hoạt động, cũng không loại trừ khả năng chính ông Đằng đã có khai báo và hợp tác với địch để được chúng thả cho về nhà. Chẳng ai nghĩ đến điều này nếu như trong những thời gian gần đây ông Đằng không có những phát biểu, bài viết thể hiện những sai lầm, lệch lạc trong nhận thức tư tưởng theo chiều hướng chống lại các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trong khi đó, đáng lẽ ra, ông nên nhớ đến các vụ thảm sát dùng thuốc độc giết chết hàng trăm tù nhân ở Nhà lao Phú Lợi; hay đóng đinh vào tù nhân trong các “chuồng cọp” ở nhà tù Côn Đảo; hoặc là việc chị Võ Thị Sáu, bị địch bắt và đưa đi thủ tiêu bí mật vào lúc 14 tuổi… Đó là chưa kể đến việc cái chế độ mà ông đã ca ngợi, đã rải hàng triệu lít chất độc da cam trên những đồng quê yên bình của đất nước ta khiến cho đến nay, đã gần 40 năm trôi qua, hàng triệu nạn nhân thuộc nhiều thế hệ vẫn chịu biết bao đau đớn vì di hại của chất độc da cam. Cố tình quên đi tội ác của kẻ thù, để rồi khái quát, tụng ca bản chất chế độ cũ chỉ từ một sự kiện nhỏ, quả thật đây là thái độ có tội với đồng bào và chiến sĩ trong cả nước.

Thứ hai, là “vấn đề đa nguyên, đa đảng”- Đây cũng là nội dung mà trong thời gian qua, nhất là khi Trung ương mở cuộc vận động toàn dân tham gia vào góp ý kiến xây dựng dự thảo Hiến pháp sửa đổi, đã có khá nhiều phần tử cơ hội  lợi dụng để lên tiếng đòi xóa bỏ điều 4, đòi “đa nguyên, đa đảng”.

Về lý luận, căn cứ để ông Đằng đòi “đa nguyên, đa đảng” là: “đã đa nguyên kinh tế thì tất phải đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Quả thật đây là một lối suy diễn, một kiểu logic hình thức thô thiển, thể hiện sự nông cạn trong tư duy. Xin hỏi ông Lê Hiếu Đằng: vì sao thời Mỹ - ngụy, với chế độ kinh tế đa nguyên, ai đã ban hành đạo luật 10/59, mà nội dung chủ yếu của nó là “bắn bỏ tất cả bọn cộng sản” không cần xét xử?! Nghiêm trọng hơn, ông còn lớn giọng thách thức pháp luật, kêu gọi xóa bỏ chế độ hiện hữu, bao gồm cả vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hãy nghe ông lớn giọng: “Vậy, tại sao chúng ta, hàng trăm đảng viên, không tuyên bố ra khỏi Đảng và thành lập một Đảng mới, chẳng hạn như Đảng dân chủ xã hội”, “Tại sao tình hình đã chín mùi mà chúng ta không dám làm điều này vì chủ trương không đa nguyên, đa đảng chỉ là chủ trương của Đảng, chứ chưa có một văn bản pháp lý nào cấm điều này ?”, “không thể rụt rè,cân nhắc gì nữa… đây là cách mà chúng ta phá vỡ một mảng yếu nhất của một nhà nước độc tài toàn trị hiện nay”.

Thực ra, ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới, vấn đề “đa nguyên, đa đảng” là không có gì mới. Tuy nhiên, việc lựa chọn chế độ chính trị nào tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi quốc gia, dân tộc đó. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng Cộng sản Đông Dương (sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam) chẳng đã được hình thành trên cơ sở hợp nhất 3 tổ chức cộng sản ở 3 miền Bắc - Trung - Nam là gì? Và liệu cách mạng nước ta có thành công không nếu như thời đó vẫn tồn tại cùng lúc 3 tổ chức cộng sản này? Thực tiễn ở nhiều nước trên thế giới đã chứng minh rằng, đa nguyên, đa đảng sẽ làm cho tính ổn định của xã hội bị phá vỡ. Theo Giáo sư Trần Quang Ngọc trong bài “Nguyễn Cao Kỳ và tờ báo Việt Weekly” cho biết: Ngay cả tướng Nguyễn Cao Kỳ, một trong những nhân vật “chóp bu” của chế độ cũ đã từng phát biểu: “Một chính quyền độc đảng mang đến sự ổn định và kỷ luật thì cần thiết cho Việt Nam để ra khỏi sự nghèo khổ… Tôi cho rằng, thật là sai lầm khi một số người, đặc biệt là số người Việt ở Mỹ, ngày nay đòi hỏi Việt Nam phải chấp nhận và thực hiện một nền dân chủ họ đang hưởng ở Mỹ. Quan niệm của tôi là, đó là một sự sai lầm. Nền dân chủ đó không thích hợp với Việt Nam trong tình thế hiện nay”.

Thứ ba, về “Vấn đề độc lập dân chủ, tự do hạnh phúc”. Trong bài viết ngắn này, chúng tôi không đi sâu vào nội dung này mà chỉ đề cập sơ qua “Vấn đề độc lập dân chủ, tự do hạnh phúc” mà ông Lê Hiếu Đằng đã nêu trong bài viết của mình. Cũng như một số người có tư tưởng chia rẽ dân tộc, đả kích vai trò lãnh đạo của Đảng, ông Lê Hiếu Đằng nhắc lại luận điệu “Việt Nam đã thống nhất mặc dù còn nhiều điều chưa hòa hợp”. Còn việc ông Lê Hiếu Đằng bày tỏ bức xúc về việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông, điều này ít nhiều có thể thông cảm. Song thật đáng tiếc, vì đã từng là người lãnh đạo, ông Lê Hiếu Đằng phải thấy được những phức tạp trong việc xử lý ở biển Đông. Hơn ai hết, ông phải thấy được. Tại sao ông Lê Hiếu Đằng không chịu hiểu (hay cố tình không hiểu) điều này! Trái lại, ông ta đã phủ nhận những nỗ lực của toàn dân, toàn đảng, toàn quân ta trong việc canh giữ bầu trời và vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Hơn thế nữa, bằng cách này, ông Lê Hiếu Đằng còn kích động tâm lý kỳ thị đối với Trung Quốc. Theo chúng tôi, việc làm này của ông chỉ có lợi cho các thế lực hiếu chiến mà thôi. Mặt khác, ông Đằng còn cho rằng, phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Shangi-la là ý kiến cá nhân của Thủ tướng. Trong bài viết của mình, ông Đằng đã cho rằng: “Tôi càng thấy vui hơn khi được biết đây là ý kiến cá nhân Thủ tướng dám chịu trách nhiệm để tuyên bố như vậy chứ không có sự chỉ đạo nào của Bộ Chính trị cả”. Thật là hồ đồ hết chỗ nói, bởi vì ai cũng biết rằng, ý kiến của Thủ tướng hay của bất kỳ vị lãnh đạo nào của Đảng đồng thời cũng là quan điểm của Đảng và Nhà nước ta. Chẳng lẽ điều đơn giản đó mà ông Đằng không hiểu (hay cố tình không hiểu) nhằm chia rẽ, gây mất đoàn kết trong nội bộ ban lãnh đạo cao cấp của Đảng ta.

Thứ tư là về “Vấn đề dân chủ, tự do, hạnh phúc”, trong nội dung này, ông Lê Hiếu Đằng đề cập nhiều đến những sai lầm khuyết điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhiều giai đoạn đã qua. Tự cho rằng, mình là một luật gia, đầy hiểu biết, ông Lê Hiếu Đằng đã quá tự tin khi viết rằng: “Con người khác con vật ở chỗ là có tự do. Tự do là thuộc tính của con người. Không có tự do thì con người chỉ là một đàn cừu (Theo ngôn ngữ của Giáo sư Ngô Bảo Châu)…” Đáng tiếc, ở đây, vị luật gia này đã hiểu quá cực đoan về “tự do”. Chúng ta đều biết rằng, đặc trưng của con người không chủ yếu ở cái gọi là “tự do” như ông Lê Hiếu Đằng đã hiểu, mà chính là ở ý thức về mối quan hệ cá nhân với tổ chức xã hội, với Tổ quốc, dân tộc và với đồng bào của mình.

Sau cùng, để kết thúc bài viết nhỏ này, chúng tôi xin trích một đoạn gọi là “tâm tư” của luật gia Lê Hiếu Đằng để chúng ta có thể hiểu được cái TÂM của một người đã từng là một cán bộ lãnh đạo của Đảng và đã có 45 năm tuổi Đảng: “Sau một thời gian dài Đảng và Nhà nước Việt Nam nhận chìm các tầng lớp nhân dân từ Bắc chí Nam” khiến “Dân chúng đói kém rên xiết”. Làm “tan nát biết bao gia đình”… và rồi ông kết luận: “Có thể nói, tất cả điều đó là tội ác của Đảng và Nhà nước Việt Nam, không thể nói khác được”.

Xin mọi người hãy bình tâm tự xem xét. Đúng là trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta đã mắc một số sai lầm, và như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất đạo đức…”, nhưng kết luận như trên đây của luật gia Lê Hiếu Đằng thì quá hồ đồ và chắc chắn là không đúng với thực tiễn đã và đang diễn ra trên đất nước ta ngày nay.

Vậy thì còn gì để nói với con người này nữa nhỉ ?!

PHAN TẤT