Đề xuất thể chế đặc thù cho Đà Lạt

09:09, 22/09/2013

(LĐ online) - Ngày 21/9, tại Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học bàn về mô hình phát triển xanh bền vững cho thành phố Đà Lạt.

(LĐ online) - Ngày 21/9, tại Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học bàn về mô hình phát triển xanh bền vững cho thành phố Đà Lạt. Đây là một trong chuỗi hội thảo với những góc nhìn khác nhau tập trung vào khía cạnh kinh tế - xã hội nhằm tiếp tục thu thập ý kiến của các nhà khoa học để làm cơ sở lý luận bổ sung, hoàn thiện đề án cơ chế đặc thù cho Đà Lạt.

Đ/c Huỳnh Đức Hòa phát biểu kết luận hội thảo
Đ/c Huỳnh Đức Hòa phát biểu kết luận hội thảo

Đồng chí Hùynh Đức Hòa - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì hội thảo.

Với chủ đề “Tăng trưởng xanh - mô hình phát triển bền vững của thành phố Đà Lạt”, hầu hết các nhà khoa học tham dự hội thảo đều đưa ra quan điểm chung là nên quy hoạch phát triển Đà Lạt trở thành một đặc khu kinh tế với đặc thù riêng được xác định rõ là: Trung tâm Du lịch nghỉ dưỡng quốc tế, Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao ôn đới và Trung tâm tri thức, khoa học công nghệ. Mà muốn phát triển Đà Lạt theo hướng này, trước hết Đà Lạt phải có một bản quy hoạch tốt với tầm nhìn tốt và đề ra những giải pháp để thực hiện một cách cụ thể và dài hơi. Theo GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, để cụ thể hóa thì cần phải xác định được trong các giá trị đặc trưng, khác biệt của Đà Lạt, giá trị nào nổi bật riêng có và mang tính vĩnh hằng cần bảo tồn, cái nào là giá trị phổ biến, có thể phát triển ở nhiều nơi nhằm tạo định hướng cho sự phát triển.

Đà Lạt có một giá trị đặc thù là khí hậu mát mẻ và ôn hòa quanh năm nhưng đây lại chỉ là lợi thế mang tính riêng biệt trong nước, còn khi đặt vào tổng thể của khu vực và quốc tế thì đặc điểm này không còn là lợi thế riêng của Đà Lạt, vì vậy, để phát triển Đà Lạt trở thành một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng quốc tế, theo giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn, phải tập trung ưu tiên hàng đầu vào việc xây dựng chiến lược phát triển thành phố có tính độc đáo và sự khác biệt trong dài hạn, đặc biệt phải tập trung ưu tiên đổi mới môi trường kinh doanh theo hướng khuyến khích cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng có sự điều tiết quản lý của chính quyền đô thị.

Nhấn mạnh đến việc nhất thiết phải định hướng phát triển Đà Lạt thành một hình mẫu đột phá và tiến vượt, trở thành một thành phố đáng sống, giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiện cho rằng, phải so sánh và định vị chức năng của Đà Lạt ngang tầm hoặc hơn những thành phố có đặc thù tương đương ở tầm quốc tế chứ không nên chỉ dừng lại trong khu vực. “Việc ưu đãi về thuế, chính sách đầu tư… cũng nên đặt xuống hàng thứ yếu, mà cái “ưu đãi” cần phải đề xuất với chính phủ là cho Đà Lạt vượt cấp về mặt thể chế. Thể chế là yếu tố quyết định, nếu không tìm cách bứt phá về thể chế thì không thể phát triển được”.

Đồng ý kiến với tiến sĩ Thiện, tiến sĩ khoa học Võ Đại Lược cho rằng:“Có một lĩnh vực có thể phát triển mà ít bị giới hạn nhất ở Đà Lạt đó là dịch vụ du lịch. Đây phải được xác định là trọng tâm trong quy họach phát triển và phải xác định vị thế của Đà Lạt không dừng lại ở trong nước mà nó (Đà Lạt) phải mang tầm quốc tế”. Thế thì yếu tố quyết định cho sự phát triển đó là gì? Theo ông, đó chính là thể chế. Thế thì xin thể chế bằng cách nào? “Phải do các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn đến đây quan sát, tìm hiểu và chính họ mới giúp nhận ra rằng, cần thể chế như thế nào” - Tiến sĩ Lược nói.

Từ ý trên, tiến sĩ Lược đề xuất: Đà Lạt phải tiếp cận được với các “đại gia” du lịch, mời họ vào để xem họ kinh doanh được lọai dịch vụ gì ở đây, rồi mời cho được những nhà quy hoạch giỏi về dịch vụ du lịch tham gia vào quá trình quy hoạch thành phố.

Bàn về việc quy hoạch Đà Lạt thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, tiến sĩ Bùi Quang Dũng lưu ý đến việc bị giới hạn quỹ đất dành cho nông nghiệp của thành phố tương lai và đưa ra một số đề xuất: phải thay đổi về cấu trúc xã hội, chú ý đến việc phân chia lợi ích của người dân trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ông đề xuất nên thực hiện mô hình hợp tác xã.“Phát triển nông nghiệp công nghệ cao không phải chỉ là câu chuyện về kinh tế mà còn là câu chuyện thể chế và cấu trúc xã hội” - ông nói.

Với quyết tâm chuẩn bị đề án tốt nhất trước khi trình Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Đức Hòa cho biết, tỉnh đã chủ động xin lùi thời gian trình đề án Cơ chế đặc thù đối với thành phố Đà Lạt để tổ chức lấy ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành ở nhiều lĩnh vực để có cơ sở lý luận lập đề án quy hoạch tốt nhất, khả thi nhất. Điều đó cho thấy quyết tâm của tỉnh trong việc làm thế nào để Đà Lạt có thể bứt phá và phát triển trong tương lai.

Tại hội thảo lần này, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ký kết văn bản hợp tác nghiên cứu về văn hóa xã hội để tiếp tục hoàn thiện đề án cơ chế đặc thù cho Đà Lạt.

Tòan cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

 

Viện Trưởng Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký kết biên bản hợp tác
Viện Trưởng Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký kết biên bản hợp tác

 

Lãnh đạo tỉnh chụp hình lưu niệm với các giáo sư, tiến sĩ của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam
Lãnh đạo tỉnh chụp hình lưu niệm với các giáo sư, tiến sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Nguyên Thi