Bên lề một diễn đàn về "Nâng cao chất lượng kỳ họp Hội đồng nhân dân (HĐND)" được tổ chức gần đây tại Bảo Lộc, nghe thấy thực trạng về HĐND cấp xã được đánh giá khái quát trong một câu nói "cửa miệng" thế này: "Quân vay, tướng mượn, nhà ở nhờ; xem qua quyền lực thì oai lắm, xét lại thực quyền thì chẳng có chi". Thực tế này, buồn thay, lại đang khá phổ biến hiện nay ở cơ sở.
Bên lề một diễn đàn về “Nâng cao chất lượng kỳ họp Hội đồng nhân dân (HĐND)” được tổ chức gần đây tại Bảo Lộc, nghe thấy thực trạng về HĐND cấp xã được đánh giá khái quát trong một câu nói “cửa miệng” thế này: “Quân vay, tướng mượn, nhà ở nhờ; xem qua quyền lực thì oai lắm, xét lại thực quyền thì chẳng có chi”. Thực tế này, buồn thay, lại đang khá phổ biến hiện nay ở cơ sở.
Tiếp xúc cử tri là công việc quan trọng trước mỗi kỳ họp HĐND |
Hoạt động HĐND “dựa” vào UBND?
Luật Tổ chức HĐND quy định “HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương…, quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế - xã hội…; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND, UBND; giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội…”. Vai trò, vị trí quan trọng như thế, nhưng trong thực tế, cơ quan HĐND ở xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) hiện nay, lại không bằng một tổ chức đoàn thể! Về biên chế, HĐND xã chỉ có 2 cán bộ chuyên trách, với chức danh chủ tịch và phó chủ tịch, không có văn phòng và chuyên viên giúp việc mà phải dựa vào văn phòng HĐND và UBND giúp việc chung cho cả HĐND và UBND. Cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động cũng chủ yếu sử dụng chung do văn phòng UBND điều hành. Về kinh phí hoạt động, thường trực HĐND phải lập kế hoạch và báo cáo dự trù kinh phí đề nghị chủ tịch UBND cấp; nếu được duyệt thì triển khai, nếu vì khó khăn chưa được duyệt thì ngừng hoạt động.
Vì không có chuyên viên giúp việc nên các khâu chuẩn bị báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết… trước mỗi kỳ họp, HĐND đều phải phụ thuộc vào chuyên viên văn phòng UBND. Do đội ngũ chuyên viên văn phòng cũng hạn chế (thường chỉ 1-2 người/xã) và ngày thường cũng đã phải lo rất nhiều việc của UBND nên cũng không thể sâu sát, nhanh nhạy công việc của HĐND. Theo quy định, các báo cáo, dự thảo nghị quyết... phải hoàn thành để gửi cho thường trực HĐND kiểm tra, bổ sung và thẩm định trước kỳ họp HĐND khoảng 1 tháng. Sau khi thường trực HĐND thẩm tra báo cáo và cử tri hoàn tất việc đóng góp ý kiến vào báo cáo, thì giao lại cho văn phòng UBND bổ sung, hoàn chỉnh. Đồng thời, văn phòng UBND sẽ có trách nhiệm gửi toàn bộ tài liệu, báo cáo liên quan đến kỳ họp cho đại biểu HĐND đúng thời gian theo quy định (trước kỳ họp 1 tuần). Nhưng trong thực tế, các báo cáo đến tay thường trực HĐND rất cận kề kỳ họp, thường chỉ 4-5 ngày, thậm chí có nơi chỉ 1 ngày.
Một thực tế khác được thường trực HĐND phường Lộc Tiến phản ánh: “Thường trực HĐND xã, phường khi lập kế hoạch về giám sát chuyên đề hàng năm đều phải được sự phê duyệt về kinh phí của thường trực UBND, vì hoạt động giám sát thì liên quan đến các khoản chi phí mà thẩm quyền phê duyệt các gói chi thuộc về chủ tịch UBND. Nghịch lý là ở chỗ HĐND kiểm tra, giám sát UBND nhưng lại dùng kinh phí của UBND! Do vậy, chức năng giám sát, phản biện của HĐND hoàn toàn thiếu thế chủ động. Lấy lý do là phải “tiết kiệm chi”, nên nhiều nội dung trong kế hoạch giám sát (dù đã được phê duyệt kinh phí từ đầu năm) vẫn phải bỏ bớt, việc nào… “căng” lắm thì mới làm!”
Những kỳ họp “chiếu lệ”
Hiệu quả hoạt động của HĐND được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp HĐND, hiệu quả hoạt động của thường trực HĐND, các ban của HĐND và của các đại biểu HĐND. Nhưng trong thực tế, các kỳ họp HĐND cấp xã hiện nay lại phản ánh một thực trạng chung - họp “chiếu lệ”. Theo ông Lê Trọng Chung - Phó Chủ tịch HĐND thành phố Bảo Lộc, thì: “Hiện nay, thời gian họp HĐND ở cấp phường, xã chỉ kéo dài 1 ngày, thậm chí có nơi chỉ 1 buổi. Với thời gian như thế, thì làm sao đảm bảo được chất lượng kỳ họp?”.
Việc chuẩn bị cho các kỳ họp cũng bị bỏ qua nhiều khâu quan trọng. Theo quy định, trước mỗi kỳ họp ít nhất 30 ngày, thường trực HĐND phải tổ chức hội nghị liên tịch chuẩn bị nội dung kỳ họp để phân công trách nhiệm các cơ quan chuẩn bị nội dung báo cáo, dự thảo nghị quyết. Công việc này nếu tiến hành càng sớm thì càng thuận tiện cho thường trực HĐND trong khâu thẩm tra báo cáo và dự thảo nghị quyết. Nhưng trong thực tế, các phường, xã đều bỏ qua khâu này. Việc thẩm tra báo cáo (đa phần) được thường trực HĐND các phường, xã triển khai vào kỳ họp HĐND cuối năm. Các kỳ họp giữa năm đều không tiến hành thẩm tra báo cáo trước kỳ họp và cũng không có báo cáo thẩm tra trình ra tại kỳ họp. Cách thẩm tra báo cáo (nhất là các báo cáo về tài chính, thu chi ngân sách…) ở mỗi phường, xã cũng khác nhau, thiếu sự thống nhất nên hiệu quả của công tác thẩm tra chưa cao.
Công tác trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND cấp xã cũng rất chung chung, chưa nêu ra được giải pháp cụ thể. Nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm của thành phố, thì cấp phường, xã “bỏ ngỏ”, không giải quyết được nhưng cũng không đề xuất lên trên để giải quyết. Ông Lê Trọng Chung - Phó Chủ tịch HĐND thành phố Bảo Lộc, nêu ý kiến: “Hiện nay, chúng ta chưa có chế tài trong trả lời chất vấn. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về trả lời chất vấn, nhưng chưa có hướng dẫn cho HĐND các cấp thực hiện, nên cũng chưa triển khai được”.
Sở dĩ các kỳ họp HĐND ở cấp xã, phường thiếu chiều sâu, thiếu định hướng rõ ràng hay đi “lệch” nội dung trong chất vấn và trả lời chất vấn, nguyên nhân một phần còn do vai trò điều hành của chủ tọa kỳ họp. Đại biểu HĐND phường Lộc Sơn cho rằng: “Chủ tọa kỳ họp đôi lúc do nể nang mà không linh động cắt bớt những phần giải trình dài dòng, né tránh vấn đề, không đi vào nội dung chính. Hoặc, có những đại biểu tham gia chất vấn những nội dung nằm ngoài nội dung chính của kỳ họp, nhưng chủ tọa kỳ họp cũng không chủ động “cắt” để tạo điều kiện cho các đại biểu khác tham gia ý kiến”. Sau mỗi kỳ họp, thường trực HĐND, UBND cũng không họp rút kinh nghiệm, nên các kỳ họp sau cũng “chiếu lệ” không khác gì các kỳ họp trước.
Thực tế cho thấy, vai trò của HĐND cấp phường, xã đang ngày một mờ nhạt. Phương thức “làm việc” xuê xoa, đơn giản, thiếu tính chủ động trong giám sát, phản biện và thiếu sự tham gia trong những quyết sách quan trọng của địa phương, đang khiến cho vị trí, vai trò của HĐND cấp xã (“mắt xích” quan trọng của chính quyền cơ sở) đang bị “yếu” dần! Củng cố vị thế của HĐND, nâng cao chất lượng các kỳ họp, cải tiến quá trình điều hành và cách thức tiến hành kỳ họp ở cấp phường, xã hiện nay đang là một yêu cầu bức thiết.
HOÀNG HẢI