Được sự ủy quyền của Chính phủ, sáng 25/9/2013, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai, tập huấn Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi, bổ sung) năm 2013 và các nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành...
Được sự ủy quyền của Chính phủ, sáng 25/9/2013, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai, tập huấn Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi, bổ sung) năm 2013 và các nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành. Tham dự hội nghị có các bộ, ngành TW tại đầu cầu Hà Nội và 63 đầu cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc TW. Về phía tỉnh Lâm Đồng, đ/c Đoàn Văn Việt - UVBTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBMTTQVN tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND TP Đà Lạt tham dự.
Khai mạc hội nghị, đ/c Huỳnh Phong Tranh - UVTW Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi bổ sung một số điều, khoản trong Luật Phòng, chống tham nhũng, cũng như sự cần thiết phải tổ chức hội nghị triển khai, tập huấn để luật sớm phát huy tác dụng trong đời sống CT-KT-XH của đất nước. Vì vậy, đề nghị các tỉnh, thành phố cần phải nghiêm túc trao đổi những vấn đề gì còn chưa rõ để Thanh tra Chính phủ giải đáp, nhằm tránh những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.
Theo giới thiệu của đ/c Nguyễn Văn Thanh - Phó tổng Thanh tra Chính phủ, Luật Phòng, chống tham những (sửa đổi, bổ sung) năm 2013, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, để thực hiện đạt kết quả cao hơn chủ trương, nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng và phù hợp hơn với Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Theo đó, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2013, sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau: Bãi bỏ quy định liên quan đến Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng (khoản 4, điều 35, điều 73); sửa đổi, bổ sung các quy định về hình thức và lĩnh vực thực hiện công khai minh bạch; sửa đổi bổ sung về minh bạch tài sản, thu nhập; bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng; một số nội dung khác như: Sửa đổi khoản 2, điều 27; sửa đổi khoản 4, điều 55; sửa đổi, bổ sung điều 77 trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005. Ngoài triển khai, tập huấn nội dung Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, bổ sung năm 2013, Hội nghị còn được nghe đ/c Nguyễn Đức Hạnh - Phó tổng Thanh tra Chính phủ phổ biến Kế hoạch “Tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng”. Theo đó, khi thực hiện Kế hoạch số 1130/KH-TTCP ngày 10/5/2012 của Thanh tra Chính phủ, hơn một năm qua, toàn quốc đã giải quyết được 466/528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài, đạt tỷ lệ 88,26%. Trong tổng số 62 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp còn tồn đọng, có 28 vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, 34 vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành TW và địa phương sẽ được giải quyết triệt để theo Kế hoạch số 2100/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ ngày 19/9/2013.
Sau khi được giới thiệu Luật Phòng, chống tham những (sửa đổi, bổ sung) năm 2013 và Kế hoạch “Tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng”, đã có 8 đầu cầu trực tuyến gồm Thừa Thiên - Huế, Nam Định, Long An, Lai Châu, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Nam, Phú Thọ đặt nhiều câu hỏi xoay quanh các nội dung quan trọng của Luật Phòng, chống tham nhũng, cũng như Kế hoạch “Tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng” như: Nếu trong kê khai tài sản, người kê khai không đúng phần tài sản phát sinh, bị phát hiện thì bị xử lý như thế nào?, phần tài sản phát sinh kê khai không đúng thì bị thu hồi như thế nào? Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nếu để xảy ra tham những bị xử lý kỷ luật, vậy tại các địa phương xã, huyện, tỉnh, Chính phủ, nếu xảy ra tham những thì người đứng đầu bị xử lý kỷ luật là bí thư (do Đảng lãnh đạo toàn diện) hay chủ tịch?
Kết luận hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ - Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh: Vì đây là luật sửa đổi, bổ sung, có nhiều điểm mới, nên trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc gì, các bộ, ngành, các địa phương cần tham khảo ý kiến của Thanh tra Chính phủ và cần sớm triển khai quán triệt luật sâu rộng trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội; đặc biệt, cần tạo sự đồng thuận của xã hội và sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống tham nhũng, nhằm phát huy mạnh mẽ tác dụng của Luật Phòng, chống tham những trong việc làm lành mạnh bộ máy tổ chức của Đảng, của Nhà nước.
HOÀNG ĐẠI HUYNH