Thêm hiểu biết về bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử (tiếp theo)

04:09, 05/09/2013

Mở đầu Tuyên ngôn Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Hỡi đồng bào cả nước. Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"...

[links()]Trí tuệ và sự sáng tạo tuyệt vời của Người thể hiện trong “Tuyên ngôn”

Mở đầu Tuyên ngôn Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Hỡi đồng bào cả nước. Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu nói này có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử đã được các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực nghiên cứu và làm rõ. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn có người khi đọc văn bản lịch sử này đã đặt ra câu hỏi: Vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của mình bằng những câu trích dẫn từ hai bản Tuyên ngôn của nước Mỹ và Pháp? Ngay cả một số nhà sử học Mỹ cũng luôn nói rằng, Hồ Chí Minh đã mở đầu bản “Tuyên ngôn độc lập” của Việt Nam bằng cách trích dẫn: “Tuyên ngôn” của Mỹ. Điều này có phần nào không đúng và chưa đủ. Bởi lẽ, Chủ tịch Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa thế giới như UNESCO đã tôn vinh. Người nhắc đến hai văn kiện lịch sử ấy với lòng trân trọng đặc biệt của một trí tuệ lớn đối với sự phát triển của văn minh nhân loại mà Cách mạng giành độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 và Cách mạng tư sản Pháp năm 1789 mang lại. Đây là những thành quả văn hóa của nhân loại, là dấu mốc lớn của lịch sử loài người. Đó là nền tảng và là tiền đề để Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, chính cuộc Cách mạng mà dân tộc Việt Nam đã giành được vào mùa Thu năm 1945 là bước đi tiếp, đồng thời cũng là một cái cột mốc cho sự phát triển của lịch sử giải phóng con người thuộc các dân tộc bị áp bức, bóc lột. Vì đó là mẫu hình đầu tiên và cũng là ngọn cờ đầu của cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa nhỏ, yếu, thoát khỏi ách đô hộ, thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới mà cách mạng Việt Nam do Đảng và Bác lãnh đạo đã giương cao.

Đi sâu nghiên cứu Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, chúng ta thấy: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay đổi một ý so với bản Tuyên ngôn của Th. Giép-phơ-sơn (Th. Jefferson). Trong Tuyên ngôn của nước Mỹ có câu “chúng tôi ủng hộ một sự thật hiển nhiên rằng, mọi người đều sinh ra bình đẳng” thì Chủ tịch Hồ Chí Minh suy rộng ra rằng: “Mọi dân tộc sinh ra đều bình đẳng”. Đây quả là một sự thay đổi khéo léo và sáng suốt như nguyên Thượng nghị sĩ Mác Go-vân (Mc.Govern) đã đưa ra nhận xét. Cũng bình luận về đoạn trích dẫn này, một nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam người Mỹ, bà Lây-đi Bo-tơn (Lady Borton) còn đưa ra nhận xét rằng khi dịch chữ “all men” trong văn bản của Th. Giép-phơ-sơn được viết vào thế kỷ XVIII, thời đó, từ này chỉ bao hàm những người đàn ông (đương nhiên là da trắng và có tài sản). Nhưng từ “all men” này đã được Chủ tịch của nước Việt Nam độc lập diễn dịch thành: “Tất cả mọi người”. Như vậy có thể thấy, với vốn tiếng Anh hoàn hảo cùng với thiên tài của trí tuệ, Bác Hồ đã dịch và trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Mỹ nhưng có sự điều chỉnh và phát triển để thể hiện quan điểm riêng của mình và trên thực tế được thể hiện trong Hiến pháp Việt Nam bao gồm tất thảy các công dân không phân biệt giới tính, tôn giáo, sắc tộc hay chính kiến. Đó chính là một sự “suy rộng” nữa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đóng góp về lý luận đem lại những tiến bộ và phù hợp với sự phát triển của nhân loại.

Cần phải hiểu thêm rằng: Bản tuyên ngôn của nước Mỹ ra đời năm 1776, nhưng mãi đến năm 1870, những người đàn ông da màu mới có quyền đi bỏ phiếu. Với phụ nữ, sự thừa nhận về sự bình đẳng chính trị còn muộn hơn nữa. Đó là năm 1923. Như vậy, đàn ông da đen có quyền được đi bầu sau 95 năm và phải mất thêm 50 năm sau nữa, phụ nữ Mỹ mới được đi bỏ phiếu. Còn tại Việt Nam, trước năm 1945, nước ta vẫn là xã hội nặng về ý thức Nho giáo “trọng nam, khinh nữ”. Vì vậy, với bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho nhà nước mới đã tuyên bố độc lập tự do và bình đẳng cho toàn thể mọi người dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, giới tính, tôn giáo… Đây là điều thể hiện sự tiến bộ vượt trội của Tuyên ngôn độc lập, so với hai bản Tuyên ngôn của Mỹ và Pháp, do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo.

Sáu mươi tám năm đã trôi qua, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 đã trở thành sức mạnh to lớn, đưa dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn thách thức, thực hiện lời thề với Người trong ngày lễ độc lập “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Tuyên ngôn Độc lập đã và đang khơi nguồn sáng tạo soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ phát triển mới. Vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh.

TS. VŨ NGỌC ANH (Theo Tạp chí Cộng sản điện tử)