(LĐ online) - Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng hiện có 687 tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ); trong đó loại hình cơ quan hành chính, sự nghiệp có 360 TCCSĐ, 414 chi bộ trực thuộc, 7.824 đảng viên. Thực hiện Kế hoạch số 12-KH/TU ngày 19-4-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, nhiệm kỳ 2010 - 2015", các TCCSĐ đã cố gắng tập trung củng cố, xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức...
(LĐ online) - Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng hiện có 687 tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ); trong đó loại hình cơ quan hành chính, sự nghiệp có 360 TCCSĐ, 414 chi bộ trực thuộc, 7.824 đảng viên. Thực hiện Kế hoạch số 12-KH/TU ngày 19-4-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, nhiệm kỳ 2010 - 2015”, các TCCSĐ đã cố gắng tập trung củng cố, xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Kết quả đánh giá chất lượng TCCSĐ, đảng viên hàng năm đạt tỷ lệ khá cao: Năm 2011 và 2012, bình quân số lượng TCCSĐ đạt trong sạch vững mạnh 81,74% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ 82,15%.
Để nâng cao chất lượng hoạt động, các TCCSĐ hàng tháng tiến hành đánh giá vai trò của tổ chức Đảng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ. Các cấp ủy tập trung tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ. Đồng thời, giáo dục, rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Qua mỗi kỳ đại hội đều có bổ sung, sửa đổi quy chế hoạt động, quy chế phối hợp giữa cấp ủy và lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Mặt khác, chú trọng lãnh đạo thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đề cao trách nhiệm, phát huy tính chủ động, sáng tạo, cải tiến lề lối làm việc. Điều ghi nhận là thực hiện quy chế hoạt động đã có hiệu quả trong việc tăng cường trách nhiệm của cấp ủy Đảng, phát huy mối quan hệ phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị; tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ. Quy trình công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, dân chủ, chất lượng. Nội dung sinh hoạt chi bộ có nhiều chuyển biến, ngoài duy trì sinh hoạt định kỳ thường xuyên, nhiều TCCSĐ có nội dung sinh hoạt chuyên đề để bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, đồng thời nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm cho đảng viên. Vấn đề chuyển biến nữa là các TCCSĐ đã quan tâm thực hiện công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Quy định của Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Các TCCSĐ thực hiện tốt việc giới thiệu đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú.
Tuy đạt những chuyển biến về nâng cao chất lượng TCCSĐ và đảng viên nhưng qua 2 năm thực hiện Kế hoạch số 12-KH/TU, các tổ chức Đảng thuộc loại hình cơ quan hành chính, sự nghiệp vẫn thể hiện công tác tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng còn hạn chế; tình trạng nể nang, né tránh còn phổ biến. Nội dung sinh hoạt đảng của nhiều TCCSĐ mang nặng chuyên môn. Chất lượng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, đảng viên chưa cao; chưa quan tâm xây dựng, rèn luyện toàn diện năng lực, phẩm chất, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên…
Nhằm khắc phục những hạn chế trên, trong các nhiệm vụ cần tập trung sắp tới đặt ra cho các TCCSĐ là phải tập trung nghiên cứu, chọn nội dung, cách tổ chức quán triệt Kế hoạch 12-KH/TU cho phù hợp với yêu cầu thực tế của công tác xây dựng đảng bằng các hình thức phù hợp. Đối tượng quán triệt ngoài diện rộng cho tất cả cán bộ, đảng viên cần xác định trọng điểm là cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Rà soát lại chương trình, kế hoạch về nâng cao chất lượng TCCSĐ và đảng viên, nhất là những hạn chế, khuyết điểm để bổ sung giải pháp khắc phục phù hợp… Đặc biệt phải chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TW. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình và các nguyên tắc khác trong sinh hoạt đảng. Đánh giá, phân loại tổ chức Đảng, đảng viên hàng năm đúng thực chất, đúng quy định và thực hiện tốt phong trào thi đua, khen thưởng; tạo động lực nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên.
Bình Nguyên