Bảo Lâm giữ vững vai trò là 1 trong 4 "đầu tàu" của tỉnh

03:10, 27/10/2013

9/16 chỉ tiêu NQ 06 đã đạt và vượt song vẫn còn 2 chỉ tiêu cần tập trung khắc phục khó khăn.

* 9/16 chỉ tiêu NQ 06 đã đạt và vượt song vẫn còn 2 chỉ tiêu cần tập trung khắc phục khó khăn

Ngày 5/8/2011, sau 1 năm Đại hội Đảng bộ huyện Bảo Lâm lần thứ IV (nhiệm kỳ 2010 - 2015), Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa IX) ban hành Nghị quyết (NQ) chuyên đề số 06-NQ/TU về “Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội huyện Bảo Lâm giai đoạn 2011 - 2015”. Mới đây, Huyện ủy Bảo Lâm đã tiến hành sơ kết 2 năm thực hiện NQ 06 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Dịp này, đồng chí Trần Văn Hiệp - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bảo Lâm, đã trao đổi với phóng viên Báo Lâm Đồng.

Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm (thứ hai phải qua) thăm và tặng hoa chúc mừng Hội LHPN huyện nhân dịp 20/10
Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm (thứ hai phải qua) thăm và tặng hoa chúc mừng Hội LHPN huyện nhân dịp 20/10


- Phóng viên: Thưa đồng chí! Đồng chí đánh giá như thế nào về kết quả của Bảo Lâm sau 2 năm thực hiện NQ 06 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (TVTU)?

- ĐC Trần Văn Hiệp: Nhìn chung, NQ 06 của Ban TVTU ban hành có một số chỉ tiêu cao hơn chỉ tiêu của NQ Đại hội Huyện Đảng bộ lần thứ IV để đảm bảo yêu cầu đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế - xã hội và xứng đáng là 1 trong 4 địa bàn trọng điểm của tỉnh (cùng với Đà Lạt, Đức Trọng, Bảo Lộc). Sau 2 năm triển khai, kết quả sơ bộ cho thấy, trong 16 chỉ tiêu mà NQ 06 đề ra, Bảo Lâm có 9 chỉ tiêu đã đạt và vượt; 5 chỉ tiêu tiệm cận đạt; 2 chỉ tiêu vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình triển khai. Thời gian qua, chỉ tiêu về cơ cấu GDP: Nông lâm thủy sản chiếm 52% (kế hoạch là 45 - 46%), công nghiệp xây dựng 35% (kế hoạch là 31 - 32%), dịch vụ 13% (kế hoạch 20 - 21%). Chỉ tiêu về tổng kim ngạch xuất khẩu hiện chỉ mới đạt 125 triệu USD (kế hoạch 5 năm là 615 triệu USD). Trong vòng 2 năm còn lại, huyện phải phấn đấu đạt 500 triệu USD.

Đánh giá khái quát sau 3 năm thực hiện NQ huyện Đảng bộ và 2 năm thực hiện NQ 06 của Ban TVTU, bộ mặt của huyện đã có những thay đổi đáng kể. Đến nay, 100% hệ thống đường giao thông liên xã ở 14 xã, thị trấn của huyện đã được thảm bê-tông nhựa. Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện vẫn là vùng nguyên liệu cà phê của tỉnh và cũng đi đầu trong việc ghép cải tạo cà phê. Đến nay, huyện đã có 55% diện tích cà phê được ghép cải tạo. Bên cạnh đó, Bảo Lâm là vùng chè nguyên liệu lớn nhất tỉnh, một năm thu 100.000 tấn chè tươi, đạt 12.500 tấn thành phẩm/năm. Tuy nhiên, huyện Bảo Lâm vẫn còn những hạn chế nhất định. Huyện chưa thể hoàn tất việc nâng cấp hạ tầng đường liên thôn. Công tác quản lý tài nguyên rừng còn nhiều bất cập. Công tác giảm nghèo còn chậm… Trong thời gian tới, huyện sẽ phấn đấu khắc phục những hạn chế này.

- Phóng viên: Đối với các chương trình trọng tâm và công trình trọng điểm của huyện (cũng là một nhiệm vụ quan trọng của NQ 06-NQ/TU), huyện có những giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ triển khai?

- ĐC Trần Văn Hiệp: Đến nay, 5 chương trình trọng tâm và 5 công trình trọng điểm của huyện đã và đang được thực hiện, khối lượng đạt khoảng 70%. Đối với các chương trình trọng tâm, trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh chương trình thu hút đầu tư để phát triển ngành dịch vụ và đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng sâu. Đối với các công trình trọng điểm, do thiếu kinh phí nên tiến độ triển khai khá chậm. Điển hình là các công trình Cụm công nghiệp Lộc An, Cụm công nghiệp Lộc Thắng, công trình vòng xoay ngã 5 Lộc Thắng và công trình đường quanh hồ, nâng mực nước hồ Lộc Thắng. Công trình đường vận chuyển alumin qua địa bàn huyện, do không phải là đường hiện hữu có sẵn, mà là tuyến đường tránh từ trung tâm huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc về hướng Tây, nối liền nhà máy với xã Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm) và xã Đại Lào (TP Bảo Lộc). Dự án này do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN (TKV) đầu tư. Mặc dù huyện đã cố gắng đốc thúc, nhưng có lẽ trong thời gian tới cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.  

- Phóng viên: Đồng chí nhận định như thế nào về những hướng đi của Bảo Lâm trong 2 năm tới để đảm bảo vai trò, vị trí là 1 trong 4 địa bàn trọng điểm của tỉnh?

- ĐC Trần Văn Hiệp: Trong thời gian tới, với Dự án khai thác Bauxit Nhôm trên địa bàn huyện, một ngày trung bình sản xuất 2.000 tấn alumin, giá trị khoảng 700 ngàn USD (tương đương 15 tỷ VND). Nếu chạy đúng tải thì huyện có thể đạt khoảng từ 5 - 6 ngàn tỷ đồng doanh thu từ ngành công nghiệp. Dự báo có thể giúp bộ mặt của huyện thay đổi trong thời gian tới. Về công tác thu ngân sách, khả năng kết thúc năm 2015, huyện sẽ đạt chỉ tiêu thu ngân sách. Việc còn lại là sự quyết tâm, đoàn kết và cố gắng phấn đấu vì mục tiêu chung của toàn Đảng bộ. Bảo Lâm trong thời gian tới sẽ tiếp tục giữ vững vai trò là 1 trong 4 địa bàn trọng điểm của tỉnh, là “đầu tàu”, là sức kéo, đảm bảo đúng theo tinh thần NQ 06 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng.

HẢI UYÊN (Thực hiện)