Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người thầy đầu tiên của Học viện Lục quân

10:10, 13/10/2013

(LĐ online) - Những ngày này, cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện Lục quân cùng nhau ôn lại những kỷ niệm sâu sắc với người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người thầy kính yêu đầu tiên của học viện. Trung tướng, PGS, TS Trần Xuân Ninh, Giám đốc Học viện cho biết:

(LĐ online) - Những ngày này, cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện Lục quân cùng nhau ôn lại những kỷ niệm sâu sắc với người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người thầy kính yêu đầu tiên của học viện. Trung tướng, PGS, TS Trần Xuân Ninh, Giám đốc Học viện cho biết:

- Học viện Lục quân được thành lập ngày 7-7-1946, những khóa học đầu, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra và giảng dạy. Những bài giảng của đồng chí như: “Tư tưởng chiến lược”; “Phổ biến kinh nghiệm chiến đấu”... kể từ ngày đó cho tới tận bây giờ vẫn được đội ngũ giảng viên của học viện nghiên cứu, phát huy. Sau này, do bận nhiều công việc, Đại tướng không tham gia giảng dạy nhưng vẫn thường xuyên tới thăm, kiểm tra, chỉ đạo, động viên học viện.

Là Tổng Tư lệnh của quân đội, Đại tướng đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ sĩ quan trung, cao cấp cho toàn quân. Tháng 9-1949, Đại tướng gửi thư động viên và đặt ra một giải thưởng cho đồng chí học viên nào đạt thành tích cao nhất. Trong thư chúc Tết gửi học viện năm 1950, Đại tướng căn dặn: “Lúc này, nhiệm vụ của các đồng chí hết sức quan trọng và nặng nề. Tôi chúc các đồng chí khỏe mạnh, học tập có kết quả, tinh thông kỹ thuật và chiến thuật; thấu suốt phương châm quân sự mới; thấm nhuần tư tưởng chiến tranh nhân dân; trau dồi đạo đức quân nhân cách mạng; để rồi đây ra khỏi trường, có đủ tri thức căn bản, lãnh đạo bộ đội tiến kịp nhu cầu của cuộc chiến tranh, chiến thắng quân thù, tiến mạnh tới tổng phản công”. Ngày 2-10-1954, Đại tướng gửi thư cho học viện, nội dung bức thư có đoạn viết: “Phương châm xây dựng quân đội ta là một quân đội hùng mạnh, tiến dần từng bước lên chính quy hóa, hiện đại hóa. Để thực hiện phương châm ấy, một trong những công tác quan trọng bậc nhất là phải tăng cường rèn luyện, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ để nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng; trình độ kỹ thuật, chiến thuật cho bộ đội”...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh cùng Đoàn cán bộ chuyên gia quân sự của Học viện Lục quân tại Sầm Nưa (Lào) năm 1970 (Ảnh tư liệu)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh cùng Đoàn cán bộ chuyên gia quân sự của Học viện Lục quân tại Sầm Nưa (Lào) năm 1970 (Ảnh tư liệu)


Đại tướng còn góp ý trực tiếp về nội dung, chương trình đào tạo của học viện. Đại tá, GS, TS Lương Minh Cao, nguyên Trưởng phòng Khoa học của học viện nhớ lại:

- Ngày 4-8-1978, Đại tướng vào thăm, nói chuyện với cán bộ, giảng viên, học viên của học viện. Lúc này, chương trình đào tạo của học viện được các chuyên gia Liên Xô cố vấn xây dựng. Theo đó, nội dung giảng dạy về chiến thuật chủ yếu tập trung vào hai hình thức: Tiến công và phòng ngự. Sau khi nghe lãnh đạo học viện báo cáo, Đại tướng phát biểu: “Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã xây dựng nên một nền nghệ thuật quân sự truyền thống độc đáo. Tiêu biểu như các hình thức tập kích, phục kích, truy kích địch. Cách đánh này cũng đã được bộ đội ta áp dụng hiệu quả trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Vì vậy, học viện cần nghiên cứu, bổ sung vào chương trình để giảng dạy cho học viên. Các đồng chí cũng nên xây dựng một phòng lịch sử nghệ thuật quân sự nhằm sưu tầm, giới thiệu những trận đánh tiêu biểu của cha ông ta để cán bộ, giảng viên và học viên nghiên cứu, học tập”. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Đại tướng, học viện đã điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo, triển khai xây dựng phòng lịch sử nghệ thuật quân sự phục vụ công tác nghiên cứu, học tập của cán bộ, giảng viên, học viên.

Tình cảm và sự chỉ đạo của Đại tướng là định hướng chính trị quan trọng và là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn đối với Học viện Lục quân suốt gần 70 năm qua. Các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, chiến sĩ của Học viện Lục quân luôn tự hào và biết ơn trước tình cảm và sự quan tâm của Đại tướng, người thầy kính yêu đầu tiên của học viện.

Một câu chuyện cảm động đến nay vẫn được nhiều người kể lại. Sáng 4-8-1978, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Học viện Lục quân. Trước đó, theo lệnh của đồng chí Viện trưởng, những đồng chí nào không được phân công đón Đại tướng thì thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, học tập bình thường. Tuy nhiên khi máy bay trực thăng chở Đại tướng đáp xuống sân chào cờ, tất cả cán bộ, giảng viên, học viên đều chạy ùa ra sân đứng xung quanh Đại tướng hô vang:

- Hoan hô Đại tướng! Hoan hô Đại tướng! Thủ trưởng ơi! Cho em ôm thủ trưởng một cái nào. Thủ trưởng ơi, cho em bắt tay thủ trưởng cái nào?

Đại tướng tươi cười vẫy chào, bắt tay, ôm hôn mọi người. Nhiều đồng chí học viên trong chiến tranh là cán bộ tiểu đoàn, trung đoàn, đã từng tham gia và chỉ huy nhiều trận đánh, vậy mà khi được gặp Đại tướng đã vui sướng nhảy cẫng lên như đứa trẻ, có người xúc động quá không kìm được nước mắt. Sau lần ấy, học viện đã phê bình một số đồng chí vì “không chấp hành nghiêm chỉ thị của Viện trưởng”. Tuy nhiên mọi người đều vui vẻ chấp nhận vì với họ, được gặp Đại tướng là niềm hạnh phúc lớn trong đời.

* Học viên Quốc tế tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Thang-Sô-Khen
Đại tướng Thang-Sô-Khen

Sáng 12-10, tại lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Học viện Lục quân, các học viên Quốc tế đã bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc đối tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng Thang-Sô-Khen, Cố vấn Thủ tướng Hun- Xen, Phó chỉ huy trưởng đơn vị chống khủng bố thuộc Ủy ban Quốc gia chống khủng bố Cam-Pu-Chia, Nghiên cứu sinh của Học viện chia sẻ: “Chúng tôi xin được chia buồn với quân đội và nhân dân Việt Nam trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mấy ngày gần đây, qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi càng hiểu rõ hơn về tầm vóc vĩ đại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một thiên tài quân sự, một vị tướng trọn đời vì nước vì dân, Đại tướng ra đi là mất mát to lớn của Quân đội và nhân dân Việt Nam, đồng thời để lại niềm tiếc thương sâu sắc với nhân dân Cam-Pu-Chia. Với chúng tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người bạn, người đồng chí thân thiết, thủy chung. Nhân dân Cam-Pu-Chia biết ơn Đại tướng đã lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam giúp nhân dân Cam Pu Chia đánh đuổi thực dân, đế quốc và cứu dân tộc Cam-Pu-Chia thoát khỏi họa diệt chủng. Chúng tôi quyết tâm giữ gìn, phát huy tình đoàn kết hữu nghị giữa quân đội và nhân dân hai nước”.

Thượng úy Bouasavay Champaphanh
Thượng úy Bouasavay Champaphanh

Thượng úy Bouasavay Champaphanh lớp D52 (Hệ Quốc Tế) chia sẻ: “Vô cùng thương tiếc đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh hùng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người thầy, người chỉ huy, người đồng chí vô cùng thân thiết của Quân đội nhân dân Lào. Đại tướng đã đi xa nhưng tư tưởng quân sự,  phong cách chỉ huy và đạo đức, lối sống của Đại tướng mãi là tấm gương sáng để chúng tôi học tập, noi theo”.                                                                                        Vũ Đình Đông ghi


ĐÌNH ĐÔNG –QUANG LƯU