Vấn đề đặt ra cho ngành Kiểm tra Đảng trong tình hình mới

05:10, 10/10/2013

Qua các thời kỳ, cùng với sự phát triển của Đảng và công tác xây dựng Đảng, tổ chức kiểm tra Đảng các cấp đã ra đời và từng bước được bổ sung, hoàn chỉnh.

* Cán bộ kiểm tra phải liêm, phải sạch

Ngay từ khi mới thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam thường xuyên quan tâm và coi trọng công tác kiểm tra, giữ gìn kỷ luật Đảng. Đây là một công tác rất quan trọng nhằm đảm bảo cho mục tiêu lý tưởng, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ, nghị quyết của Đảng được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả; vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững, tăng cường; tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Đ/c Hoàng Sĩ Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy (bên phải) tặng quà cho xã Đồng Nai Thượng nhân chuyến kiểm tra 3 huyện phía Nam. Ảnh: Thụy Trang
Đ/c Hoàng Sĩ Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy (bìa phải) tặng quà cho xã Đồng Nai Thượng nhân chuyến kiểm tra 3 huyện phía Nam. Ảnh: Thụy Trang


Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra; muốn hoàn thành tốt mọi công việc thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách của Đảng. Muốn làm được như vậy, bên cạnh sự tự giác thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, các cấp ủy Đảng phải tăng cường công tác kiểm tra của Đảng". Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, Đảng ta luôn xác định "không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo"; "Kiểm tra là một chức năng lãnh đạo của Đảng, là một khâu quan trọng của tổ chức thực hiện".

Qua các thời kỳ, cùng với sự phát triển của Đảng và công tác xây dựng Đảng, tổ chức kiểm tra Đảng các cấp đã ra đời và từng bước được bổ sung, hoàn chỉnh. Đến nay đã trở thành hệ thống ngành kiểm tra Đảng từ Trung ương đến cơ sở với đội ngũ đông đảo về số lượng, không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động lãnh đạo của Đảng và trong công tác xây dựng Đảng.

Đối với Lâm Đồng, trong suốt 36 năm qua, ủy ban kiểm tra các cấp và đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng bộ đã vượt qua nhiều khó khăn, kiên định lập trường, quan điểm của Đảng, không ngừng phấn đấu, trưởng thành, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng; luôn tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, đoàn kết, nhất trí, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; góp phần thúc đẩy việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Nhiều tổ chức, nhiều đồng chí đã được ghi công, biểu dương, khen thưởng xứng đáng. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Đó là sự ghi nhận, đánh giá cao thành tích và sự đóng góp quan trọng của ủy ban kiểm tra Đảng các cấp trong tỉnh trong việc góp phần cùng toàn Đảng bộ tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Cách mạng Việt Nam đã bước sang thời kỳ mới, thời kỳ nước ta đã vượt ra khỏi tình trạng nước nghèo và kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trước tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động khó lường, nhất là tác động của toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ, nhảy vọt của khoa học - công nghệ, mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, cán bộ, đảng viên hàng ngày, hàng giờ chịu sự tác động của nhiều nhân tố rất phức tạp... Trước thực trạng ấy, đòi hỏi Đảng ta phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và Đảng phải thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, ngang tầm và đối phó với những thách thức mới, đồng thời đòi hỏi Đảng phải tăng cường kiểm tra, giám sát, coi công tác kiểm tra, giám sát và việc giữ gìn kỷ luật của Đảng là nhiệm vụ của toàn Đảng. Chính vì vậy, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã thể hiện quyết tâm cao của Đảng và mong muốn của toàn dân trong cuộc đấu tranh làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 gắn với tiếp tục thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã và đang trở thành sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và đã đem lại những hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng, bước đầu củng cố được niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Đối với tỉnh Lâm Đồng, ngay sau Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX nhiệm kỳ 2010-2015, thực hiện chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thông qua Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; ban hành quy định, quy trình làm việc của đoàn kiểm tra, giám sát do Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập; quy định cung cấp thông tin cho báo chí sau kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; quy định về thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Trên cơ sở đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã khẩn trương bắt tay triển khai nhiệm vụ, đã ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn thực hiện quy chế làm việc và các quy trình, quy định liên quan cũng như việc xây dựng chương trình công tác kiểm tra, giám sát cả nhiệm kỳ cho các cấp ủy đảng và ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh. Đồng thời Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã làm tốt vai trò tham mưu để giúp Ban Thường vụ xây dựng, ban hành chương trình công tác kiểm tra, giám sát hàng năm, các kế hoạch thực hiện cụ thể và chỉ đạo, triển khai thực hiện có kết quả nhiều cuộc kiểm tra, giám sát với nội dung ngày càng sát thực tiễn hơn, như kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chương trình trọng tâm, các nghị quyết về địa bàn trọng điểm và lĩnh vực quan trọng cần tập trung của tỉnh; về công tác cán bộ, việc khắc phục các hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI... Kết quả công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng và của ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ tỉnh đã góp phần quan trọng vào kết quả chung của việc đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI trong thời gian qua.

Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh nói chung và hoạt động của ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh nói riêng vẫn còn một số hạn chế cần nỗ lực, cố gắng khắc phục trong thời gian tới như: Tổ chức bộ máy làm công tác kiểm tra trong Đảng bộ từ tỉnh đến cơ sở vẫn chưa thật đồng bộ, còn bất cập. Đội ngũ cán bộ kiểm tra của Đảng, nhất là cán bộ kiểm tra chuyên trách còn thiếu về số lượng, một bộ phận còn yếu về năng lực, phương pháp công tác, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, trong xử lý công việc còn cứng nhắc, máy móc. Vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh kiểm tra người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cấp ủy viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm.


Trong thời gian tới, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, ủy ban kiểm tra các cấp trong toàn Đảng bộ cần phải tiến hành kiểm tra, giám sát toàn diện việc thực hiện nghị quyết của Đảng; thực hiện đồng bộ giữa công tác kiểm tra và công tác giám sát nhằm cảnh báo, nhắc nhở, uốn nắn kịp thời. Thấm nhuần quan điểm về công tác kiểm tra, giám sát theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là: Kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm để chủ động phòng ngừa, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, ngăn chặn vi phạm ngay từ lúc mới "manh nha". Đồng thời qua kiểm tra, giám sát, phát hiện những nhân tố mới, những gương tốt để phát huy, biểu dương; trong xây và chống cần lấy "xây là chính" để cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tổ chức Đảng thực hiện có hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Khi vụ việc vi phạm được phát hiện, phải xem xét và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời để giáo dục. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ủy ban kiểm tra các cấp cần có sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan, tổ chức Đảng ở cơ quan bảo vệ pháp luật... Kết hợp chặt chẽ giữa kiểm tra, giám sát từ trên xuống dưới với tự kiểm tra của cấp dưới; kết hợp công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng với trách nhiệm của các tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên, người đứng đầu cơ quan và sự giám sát của quần chúng nhân dân. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để quần chúng góp ý kiến cho tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước và cán bộ, đảng viên.

Công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ của toàn Đảng bộ, của các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở, trong đó, ủy ban kiểm tra các cấp giữ vai trò là nòng cốt. Các cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, kiện toàn tổ chức, bộ máy cán bộ kiểm tra đủ số lượng, chất lượng, tương ứng với chức năng, nhiệm vụ được giao; phát huy đầy đủ vai trò của ủy ban kiểm tra trong tham mưu, giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Các cấp ủy Đảng cần tăng cường giáo dục các tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức về vị trí và vai trò của công tác kiểm tra Đảng, tự giác làm công tác kiểm tra để tạo các điều kiện thuận lợi và làm chỗ dựa vững chắc cho ủy ban kiểm tra các cấp thực hiện có kết quả công tác kiểm tra, giám sát. Cấp ủy các cấp phải tiến hành kiểm tra việc chấp hành nguyên tắc tổ chức của Đảng, thực hành dân chủ, xây dựng đoàn kết nội bộ, coi đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến sức mạnh của các tổ chức Đảng.

Ủy ban kiểm tra các cấp có trách nhiệm xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra của Đảng có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có năng lực và nghiệp vụ giỏi, không ngại gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Chủ động giáo dục, ngăn ngừa vi phạm của tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, góp phần vào công tác xây dựng, củng cố Đảng.

Cán bộ kiểm tra của Đảng phải thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nắm vững Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước, có kiến thức sâu rộng, có phương pháp công tác khoa học, đạo đức trong sáng, khiêm tốn, trung thực, thẳng thắn, gương mẫu tự phê bình và phê bình. Phải nắm vững phương châm công tác kiểm tra là: công minh, chính xác, kịp thời và thực hiện đúng tư tưởng chỉ đạo “chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả trong hoạt động kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng”. Cán bộ làm công tác kiểm tra cần luôn tự kiểm tra và tự chỉnh đốn mình, tự đổi mới chính bản thân và đội ngũ của mình, tổ chức Đảng nơi cán bộ kiểm tra sinh hoạt phải là kiểu mẫu để các tổ chức Đảng khác học tập; không để những lợi ích cá nhân và bất cứ tác động tiêu cực nào chi phối như phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Cán bộ kiểm tra mà không liêm, không sạch thì không nói được ai, không xử được ai"!

HOÀNG SĨ SƠN - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy