Lấy ý kiến góp ý cho 3 dự án luật được nhiều người quan tâm

03:10, 16/10/2013

Ngày 15/10, tại TP Đà Lạt, Đoàn ĐBQH khóa XIII đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho 3 dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tiếp công dân và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng.

Ngày 15/10, tại TP Đà Lạt, Đoàn ĐBQH khóa XIII đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho 3 dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tiếp công dân và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng. Đây là 3 dự án luật được nhiều người, nhiều ngành quan tâm và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII. Tham dự và chủ trì hội thảo có đồng chí Nguyễn Bá Thuyền - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIII đơn vị tỉnh Lâm Đồng; Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh… cùng các đồng chí trong Tổ Tư vấn pháp luật của Đoàn.  

Với dự án Luật Tiếp công dân (gồm 9 chương 38 điều), quy định và phạm vi điều chỉnh chung về trách nhiệm tiếp công dân cũng như việc tổ chức hoạt động tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại trụ sở tiếp công dân; địa điểm tiếp công dân và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân… Về điều luật này, một số đại biểu cho rằng có quá nhiều câu từ trong các điều luật chưa rõ nghĩa, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Cụ thể, tại khoản 3 của Điều 6 có ghi “Vi phạm nội quy, quy chế tiếp công dân; phân biệt về giới trong khi tiếp công dân” là chưa bao hàm, nên thay từ “phân biệt về giới” thành “phân biệt đối xử”; cũng tại Điều 6, để đảm bảo công bằng, cần phải có thêm quy định về hành vi cho phía cơ quan tiếp dân chứ không nên dừng lại ở người dân. Còn tại khoản 6 Điều 8 của dự thảo luật quy định người tiếp công dân có quyền từ chối tiếp công dân trong tình trạng say rượu, tâm thần, có hành vi phạm tội… là quá chung chung, rất khó để xác định người khiếu nại, tố cáo say rượu hay chỉ uống rượu hoặc có tâm thần hay không. Đặc biệt, dự án luật này chưa xác định được địa vị pháp lý của cơ quan tiếp công dân, trong khi chức năng của luật là minh bạch hóa, vì vậy cần phải được thêm chương minh bạch hóa để xác định địa vị pháp lý của cơ quan tiếp công dân trước khi trình Quốc hội.  
    
Về dự thảo dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng, cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần phải sửa đổi, bổ sung và chỉnh sửa để khi ban hành mới có thể đi vào cuộc sống. Như việc buộc công chứng viên phải chịu trách nhiệm về nội dung của văn bản công chứng là rất khó, bởi không có công chứng viên nào cùng lúc biết tất cả các ngoại ngữ, đúng ra trong trường hợp này nên quy định tính pháp lý cho người dịch thuật, còn công chứng viên chỉ chịu trách nhiệm công chứng, chứng thực chữ ký của người dịch thuật. Dự thảo luật cũng không quy định thời hiệu giá trị pháp lý của văn bản công chứng là chưa hợp lý. Quan trọng hơn, nội dung của dự thảo luật quy định giá trị bản công chứng như một “bản án” là không ổn. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng nên xem bản công chứng có giá trị chứng cứ, chứ như quy định tại dự thảo sẽ gây phương hại cho người thứ 3… Một số đại biểu cũng cho rằng nên xem lại quy định cơ quan công chứng được quyền thành lập và giải thể như một doanh nghiệp là chưa phù hợp với thực tiễn.   
 
Riêng với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực xung quanh các điều khoản quy định về vấn đề cấp giấy CNQSDĐ, đền bù khi thu hồi đất và hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân khi thu hồi đất. Một số đại biểu cho rằng tại điểm g của Điều 8 quy định về thu hồi đất phục vụ xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới, chỉnh trang đô thị… cần đưa chung vào khoản e điều này nhằm cùng chung quy định là có văn bản của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ đầu tư, tránh sự chồng chéo về nội dung so với các văn bản quy định khác của Nhà nước. Việc giải phóng mặt bằng được UBND tỉnh thông báo cho từng hộ gia đình, cá nhân có đất thuộc đối tượng di chuyển chỗ ở thì phải sửa lại cụ thể bằng “phải được thông báo bằng văn bản cho từng hộ gia đình, cá nhân” để được rõ ràng, chặt chẽ hơn. Tại khoản 1, khoản 2 Điều 79 quy định khi Nhà nước thu hồi đất mà hộ gia đình, cá nhân không có đất ở, nhà ở nào trong phường, xã nơi có đất thu hồi thì được bồi thường đất ở, nhà ở. Bởi thực tế nhiều hộ gia đình có đất ở, nhà ở tại phường, xã khác vẫn được đền bù, trong lúc người ở tại nơi có đất bị thu hồi lại không được đền bù là không công bằng, gây bức xúc trong nhân dân. Đối với vấn đề hỗ trợ đào tạo nghề cho người dân khi bị thu hồi đất, công tác này trong thực tế thực hiện không hiệu quả nên cần cân nhắc khi đưa vào luật, nếu đã quy định trong luật thì cần phải thực hiện nghiêm túc.

Thay mặt Đoàn ĐBQH khóa XIII đơn vị tỉnh, đồng chí Nguyễn Bá Thuyền đã tiếp thu, ghi nhận để trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.

Thụy Trang