Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa từ trần ngày 4/10 tại Hà Nội ở tuổi 103. Tưởng nhớ đến Người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tôi lục lại tư liệu qua lời kể của một phụ nữ ở Tây Nguyên về Võ Nguyên Giáp thời điểm năm 1944 tại Việt Bắc...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa từ trần ngày 4/10 tại Hà Nội ở tuổi 103. Tưởng nhớ đến Người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tôi lục lại tư liệu qua lời kể của một phụ nữ ở Tây Nguyên về Võ Nguyên Giáp thời điểm năm 1944 tại Việt Bắc. Người phụ nữ đó ở huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng có tên là Nông Thị Lỵ. Bà ở thôn 9, thị trấn Đạ Tẻh, nay đã mất, chỉ còn người chồng là ông Dương Trọng Chưởng, hoạt động cách mạng rất sớm, kết nạp Đảng từ năm 1946.
Người viết tại cửa hầm - nơi làm việc của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 |
Bà Nông Thị Lỵ là dân tộc Tày, quê ở tỉnh Cao Bằng, sinh năm 1917 tại làng Phai Khắt, xã Tàm Kim, huyện Nguyên Bình. Bà được cách mạng phân công phục vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Nhà bà Nông Thị Lỵ ở sát đồn Phai Khắt, nên đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Lê Thiết Hùng ở ngay trong nhà. Hàng ngày, hai đồng chí cùng ăn với gia đình, đêm về đi các cơ sở tuyên truyền chỉ đạo. Để giữ được bí mật cho cơ sở, đồng chí Văn (bí danh của đồng chí Võ Nguyên Giáp) đặt tên cho bà Lỵ bí danh là Ngọc Minh. Theo hướng dẫn của đồng chí Văn, bà Ngọc Minh rủ bạn bè cùng trang lứa trong bản mường tham gia hoạt động cách mạng. Bà nói: “Tôi cứ bảo họ đến nhà mình chơi, còn tuyên truyền như thế nào là do ông Văn làm. Tôi rủ được 4 người con gái và 5 người con trai, tất cả họ đều làm được việc tốt cho cách mạng”. Dần dần, cô gái Ngọc Minh càng được ông Văn giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Đặc biệt, bà có nhiệm vụ vào đồn Phai Khắt trinh sát nắm rõ cách bố trí, quy luật tuần tiễu, quân số… của giặc để báo cáo cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Cứ đều đặn 5 ngày 1 lần, bà Ngọc Minh báo cáo với anh Văn.
Những ngày các đồng chí lên rừng, bà Lỵ mang cơm xuyên rừng đưa vào cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và các đồng chí của mình. Bằng cách cải trang linh hoạt, khi là người đi tìm trâu, khi là người đi lấy củi, lấy nước, những nắm cơm của bà Ngọc Minh duy trì đều đặn đến với anh Văn và các đồng chí. Những địa danh như Khuổi Vậy, Roỏng Bó, Roỏng Bẻ,… là nơi bà Ngọc Minh thường lui tới. Nhiều lần lính dỏng lùng sục rát quá, bao vây quanh nhà, nhưng bà Ngọc Minh vẫn thoát được để lên núi ngủ lại giữa mưa. Đây là những kinh nghiệm quý báu và chính đức độ, trí thông minh của Võ Nguyên Giáp bồi dưỡng, lan tỏa cho suốt quá trình hoạt động của bà Nông Thị Lỵ ngày càng có hiệu quả. Một chi tiết thật hài hước được bà Ngọc Minh kể lại: Có lần, tôi phải nắm hai cục cơm chặt bỏ vào ngực làm vú mới đi qua được bọn giặc để lên rừng. Sáng dậy lại bó hai bó củi gánh về…
Hồi đó, để thắng trận đầu một cách bất ngờ và hiệu quả, anh Văn quyết định chọn đánh đồn Phai Khắt vì nằm lọt trong vùng cơ sở cách mạng. Và sự góp mặt của cô gái Ngọc Minh thật đáng trân trọng. Không chỉ cung cấp những thông tin quan trọng và chính xác cho đồng chí Võ Nguyên Giáp mà cô còn đi vận động bà con trong bản góp lương thực, thực phẩm nuôi bộ đội. Theo kế hoạch, ngày 25/12/1944, cô Ngọc Minh làm bánh cuốn dụ bọn giặc vào nhà mình mời chúng ăn, rồi bày ra trò chơi đong gạo để chúng quên việc canh giữ đồn. Năm giờ chiều, 34 đội viên Đội VNTTGPQ đóng giả lính dỏng cùng 16 cán bộ, tự vệ địa phương bất ngờ tập kích bắt sống 17 lính trong đồn và một viên cai chỉ trong 10 phút chiến đấu. Trận đánh mở màn của quân đội Việt Nam đã đạt được mục đích bất ngờ và không bị thương vong quân lực. Đánh xong đồn, bà Lỵ nhanh chóng cùng tham gia thu chiến lợi phẩm, chôn xác giặc, xóa sạch hiện trường để giữ bí mật cho toàn quân.
Kể xong, bà Lỵ nói: Hôm ra mắt Đội VNTTGPQ của ông Giáp tại rừng Trần Hưng Đạo tôi không được vào, chỉ đứng chứng kiến mà tiếc. Nhưng đồng chí Văn vẫn giao cho bà Ngọc Minh làm nhiều việc quan trọng khác cho đến mãi sau này. Năm 1947, đồng chí Nông Thị Lỵ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Người em duy nhất của bà là ông Nông Ngọc Trọng cũng là lão thành cách mạng và từng là Bí thư Huyện ủy ở Cao Bằng. Còn người chồng của bà Lỵ là ông Dương Trọng Chưởng, bí danh là Phan Bộ cũng hoạt động cách mạng rất sớm, vào Đảng năm 1946. Hai cụ chỉ có người con duy nhất là anh Dương Trọng Thanh. Anh vào quân đội, tham gia chiến dịch Tây Nguyên và cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng mới chuyển ngành đi học đại học, phục vụ tiếp công cuộc kiến thiết đất nước.
Những ngày này, cả nước và bạn bè trên toàn thế giới tiếc thương sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu sắc đến một trong những người học trò xuất sắc nhất của Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp. Câu chuyện của bà Nông Thị Lỵ càng cho thấy sự sáng ngời của một đạo đức cao cả, một trí tuệ kiệt xuất Võ Nguyên Giáp trong cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Bài học dựa vào sức dân của Đại tướng mãi mãi là vốn di sản quý báu cho hậu thế. Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh Bùi Ngọc Hùng cho biết: Hàng năm, cấp ủy và chính quyền huyện, thị trấn thường xuyên thăm hỏi các cụ, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và trân trọng tri ân công lao của các cụ, giáo dục thế hệ trẻ noi theo.
MINH ĐẠO