Trong 5 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện Pháp lệnh 34/2007/PL của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chỉ thị 39-CT/TU của BTV Tỉnh ủy về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở...
Trong 5 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện Pháp lệnh 34/2007/PL của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chỉ thị 39-CT/TU của BTV Tỉnh ủy về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Việc đảm bảo quyền dân chủ và phát huy dân chủ của nhân dân ở cơ sở có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân ngày càng gắn kết hơn đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị, phát triển KT-XH ở địa phương.
|
Đoàn viên, thanh niên ra quân làm sạch môi trường. Ảnh: PVE |
Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo Pháp lệnh 34 trong thời gian qua được triển khai có hiệu quả, đồng bộ ở chính quyền các cấp, nhất là ở xã, phường, thị trấn. Các địa phương, các ngành, các cấp trong tỉnh đã gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, coi đây là những tiêu chí bắt buộc để đánh giá chất lượng công tác hàng năm của tập thể và cá nhân. Do đó, đã làm chuyển biến cả về ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ công chức; mối quan hệ trong phối hợp công tác giữa cấp ủy, chính quyền với MTTQ và các đoàn thể nhân dân thường xuyên và chặt chẽ hơn, nhất là phối hợp vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội. Quan hệ phối hợp giải quyết công việc giữa cơ quan nhà nước, cán bộ công chức và nhân dân được thuận lợi, dân chủ, công khai mang lại hiệu quả thiết thực được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Về cơ bản chính quyền các xã, phường, thị trấn đã triển khai thực hiện tương đối nghiêm túc quy định về các nội dung cần phải công khai, thông báo cho nhân dân biết theo quy định của Pháp lệnh 34 như: Đa số các cơ sở đều tổ chức niêm yết công khai kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương; các chương trình, dự án, công trình đầu tư tại cơ sở; phương án đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ công chức cấp xã; các loại thủ tục hành chính và phí, lệ phí; các quy định về chế độ chính sách đối với các đối tương được thụ hưởng trên địa bàn cơ sở. Đặc biệt, công khai dân chủ trong việc thực hiện các chế độ, chính sách về xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc; vùng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân tiếp tục được củng cố, dân chủ của nhân dân tiếp tục được đảm bảo.
Việc phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân ở cơ sở trong việc bàn bạc, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định những vấn đề quan trọng như dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn… được tổ chức thực hiện có hiệu quả, với sự tham gia của trên 80% hộ gia đình ở khu dân cư. Đối với các nội dung quy định dân được bàn và quyết định trực tiếp được triển khai thực hiện tốt như: Chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu dân cư, các công trình phúc lợi công cộng vốn do Nhà nước và nhân dân đóng góp, các quy ước, hương ước của cộng đồng, các quy định, tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; bầu miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng. Các nội dung này được đưa ra bằng hình thức họp khu dân cư công khai, lấy ý kiến và để nhân dân quyết định trực tiếp. Kết quả, hàng năm nhân dân đóng góp được hàng trăm tỷ đồng để nhà nước và nhân dân cùng làm, xây dựng cơ sở hạ tầng. Điển hình trong nội dung này là thực hiện chương trình nông thôn mới. Thành công của Lâm Đồng đó là bài học về “Thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở”. Các nhân tố mới, việc làm tốt như hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng được quan tâm, khích lệ và phát huy đã tạo được phong trào rộng khắp ở các huyện, thành phố trong tỉnh. Nổi bật là các địa phương: Huyện Đức Trọng, Đạ Huoai, Lâm Hà, thành phố Đà Lạt trước khi triển khai đề án, dự án người dân được bàn bạc, thống nhất các nội dung, được lựa chọn công trình đầu tư xây dựng, được giao giám sát quá trình thi công... đã góp phần nâng cao chất lượng xây dựng và hiệu quả sử dụng công trình. Từ đó, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền được củng cố.
Để đảm bảo và phát huy quyền dân chủ thực sự của người dân ở cơ sở, thời gian qua, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng ở xã, phường, thị trấn được cấp ủy, chính quyền, MTT quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện hoạt động. Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn đã thành lập được thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư cộng đồng và hoạt động tương đối hiệu quả. Trong 5 năm đã tổ chức giám sát 2.485 vụ việc ở cơ sở, khu dân cư; được chính quyền giao kiểm tra xác minh 423 vụ việc, qua giám sát đã có hơn 1.000 kiến nghị trên các lĩnh vực cụ thể, đồng thời đã kiến nghị, thu hồi về cho ngân sách nhà nước trên 3 tỷ đồng do vi phạm. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức nhà nước giám sát hàng ngàn vụ việc tại cơ sở, giúp cấp ủy đảng và chính quyền kịp thời nắm bắt, chấn chỉnh, xử lý các sai sót, vi phạm trong quản lý, điều hành ở địa phương. Ban Giám sát đầu tư cộng đồng các xã, phường, thị trấn đã tổ chức giám sát được 2.950 công trình đầu tư tại cơ sở. Qua giám sát có 1.500 kiến nghị cụ thể với chính quyền, chủ đầu tư, các nhà thầu và các cơ quan liên quan xem xét, khắc phục, sửa chữa để đảm bảo chất lượng công trình theo yêu cầu dự toán.
Công tác cải cách hành chính thời gian qua được triển khai thực hiện đồng bộ, 100% các xã, phường, thị trấn đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông từ 12 đến 34 loại thủ tục hành chính đã tạo thuận lợi cho người dân trong giao dịch. Tinh thần trách nhiệm, lề lối làm việc, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ CBCC được cải tiến rõ nét, đáp ứng được yêu cầu trong giải quyết các thủ tục hành chính cho nhân dân, giảm bớt phiền hà, sách nhiễu. Mối quan hệ giữa cán bộ và nhân dân ngày một tốt hơn. Các quy ước, hương ước cộng đồng hàng năm đều được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế, có đồng thuận cao trong nhân dân.
LAN HỒ