Dù ở bất cứ vị trí công tác nào, anh cũng luôn gần dân, sát dân, sống trọn vẹn giữa quần chúng nhân dân. Nhiều người vẫn gọi anh là "anh Ba Toản dân vận" thay vì gọi đầy đủ "chức tước phẩm hàm": đồng chí Hà Phước Toản - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.
Đồng chí Hà Phước Toản |
Khi gặp anh, ít ai có thể ngờ rằng, trước khi kinh qua cương vị Bí thư Tỉnh Đoàn, Phó Bí thư rồi Bí thư Thành ủy thành phố Đà Lạt và nay là Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, anh đã từng là chuyên gia dân vận tại đất nước Chùa tháp Campuchia vào những năm 70 của thế kỷ trước. Dù ở bất cứ vị trí công tác nào, anh cũng luôn gần dân, sát dân, sống trọn vẹn giữa quần chúng nhân dân. Chẳng thế mà nhiều người vẫn hay gọi anh là “anh Ba Toản dân vận” thay vì gọi đầy đủ “chức tước phẩm hàm”: đồng chí Hà Phước Toản - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.
Sinh ra, lớn lên trên quê hương giàu truyền thống cách mạng huyện Điện Bàn thuộc tỉnh Quảng Nam,rồi định cư ở mảnh đất Xuân Trường, thành phố Đà Lạt. Dẫu ở thời kỳ nào đi chăng nữa, “bí quyết” của sự thành công mà anh tâm niệm đấy là “Dễ mười lần không dân cũng chịu, Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Để làm được điều đó, trước hết, anh đã thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, gần dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Và ngay chính bản thân anh cũng phải là tấm gương trong sinh hoạt hàng ngày với phong cách bình dị, gần gũi, thân thiết, tự nhiên và luôn quan tâm đến đời sống bà con.
Nếu ai từng tiếp xúc với anh, ấn tượng ban đầu đó là người đàn ông có giọng nói vang rền nhưng dễ gần gũi. Đấy có thể là một trong những phẩm cách trong con người dân vận của anh. Nắm chắc phương châm dân vận “hướng mạnh về cơ sở” anh luôn chỉ đạo các cấp phải thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở. Đồng thời luôn tham mưu, triển khai kịp thời, có hiệu quả các chủ trương của Trung ương, của Tỉnh ủy về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác dân vận chính quyền và đến nay, tất cả các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh đã xây dựng và thực hiện quy chế này.
Làm cán bộ dân vận, theo anh Ba Toản không phải công việc bàn giấy mà phải về với dân, biết “trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”, qua đó nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân vận. Do đó, dù là Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận nhưng anh không kể giờ giấc ngày đêm, luôn tranh thủ đi thăm, chuyện trò thân tình với người dân, với các vị chức sắc tôn giáo, già làng… để nắm tình hình và tâm tư, nguyện vọng của mỗi giai tầng trong xã hội. Điều đó đã trở thành một nhu cầu, một nếp sống hàng ngày, đã “nhiễm” vào con người anh Ba Toản dân vận hồi nào không hay.
Anh bộc bạch: khi phong trào thi đua “Dân vận khéo” được phát động, anh nghĩ ngay đến việc gắn “Dân vận khéo trong xây dựng Nông thôn mới và mạnh dạn đề xuất chọn xã Xuân Trường - thành phố Đà Lạt là xã điểm về phong trào thi đua “Dân vận khéo” thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kể từ đó, cứ những ngày thứ Bảy, Chủ nhật anh lại về Xuân Trường, trực tiếp tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân hiểu ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới không nằm ngoài mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống của người dân và sự phát triển bền vững của Xuân Trường. Động viên người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy mọi nguồn lực để xây dựng Xuân Trường trở thành xã nông thôn mới. Không ít người dân ban đầu chưa đồng thuận tham gia, anh trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, phân tích có tình có lý, riết rồi cũng thông.
Với vai trò “đầu tàu” trong công tác dân vận, tuy công việc bề bộn nhưng mỗi tháng anh đều dành thời gian đi cơ sở, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa để xem xét tình hình, kiểm tra, đôn đốc. Riêng huyện Cát Tiên, anh Ba Toản được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao phụ trách đã góp phần không nhỏ vào việc giữ vững sự ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện nghèo thuộc cực Nam Lâm Đồng này trong những năm qua và được Tỉnh ủy tặng Bằng khen trong việc thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được phân công trong 5 năm liền.
Canh cánh với tình cảnh nhiều người dân còn nghèo, cuộc sống tạm bợ, anh đã tham mưu nhiều công tác trọng tâm của tỉnh như: đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU về tổ chức cuộc vận động “Toàn xã hội tham gia xóa nhà tạm cho các hộ nghèo”. Song anh cũng cương quyết tuyên truyền, vận động đấu tranh giải quyết hoạt động của nhóm mạo xưng "Phật giáo Việt Nam Thống nhất", tham mưu các giải pháp giải quyết, xử lý có hiệu quả hoạt động tôn giáo trái pháp luật…góp phần ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với bản tính “nói phải đi đôi với làm” anh đã chỉ đạo nghiên cứu chuyên đề “Đánh giá thực trạng và hiệu quả hoạt động mô hình tổ chức Hội đồng bào tự quản ở huyện Đơn Dương” và “Hội Già làng ở huyện Di Linh”, trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp chỉ đạo xây dựng nhân rộng mô hình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, qua sự chỉ đạo khảo sát thực trạng sinh viên dân tộc thiểu số tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa có việc làm, qua đó, anh đã đề xuất giải pháp, nhờ vậy nên không ít sinh viên người dân tộc được bố trí việc làm.
Để nâng cao hơn nữa vị thế công tác dân vận trong tình hình hiện nay, theo anh Ba Toản phải luôn tìm cách đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể; đa dạng hoá các hình thức tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân một cách hiệu quả. Tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ quan liêu, xa dân, tham nhũng, tiêu cực. Có như thế công tác dân vận mới thực sự là chiếc cầu nối vững chắc, không ngừng củng cố, thắt chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “phải ăn ở làm sao cho dân phục, dân yêu, dân nghe. Đó là cách bảo đảm cho thắng lợi”.
HUỲNH THẢO