Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là cột mốc đánh dấu bước chuyển của loài người từ kỷ nguyên của chế độ người bóc lột sang kỷ nguyên con người tự làm chủ vận mệnh của mình.
Để đánh giá ý nghĩa của một cuộc cách mạng cần nhìn nhận nó trong cả một tiến trình lịch sử mới có thể tránh được sự phiến diện hoặc cường điệu. Trong lịch sử loài người có những cột mốc lịch sử vĩ đại mà càng đứng lùi càng thấy rõ tầm cao của chúng. Trong số những cột mốc lịch sử ấy, Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là cột mốc đánh dấu bước chuyển của loài người từ kỷ nguyên của chế độ người bóc lột sang kỷ nguyên con người tự làm chủ vận mệnh của mình.
|
Lăng Lenin trên Quảng trường Đỏ ở Matxcơva |
Lịch sử nước Nga đã cho thấy: bước vào năm 1917, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga buộc phải lựa chọn: hoặc là tiếp tục cam chịu sống dưới ách áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản và địa chủ quý tộc, hoặc đứng lên làm cách mạng, giành chính quyền về tay Xô Viết đại biểu nhân dân và Nhân dân Nga đã chọn con đường cách mạng. Sau khi từ Thụy Sĩ trở về, ngày 4-4-1917, Lênin trình bày trước Trung ương Đảng Bônsêvích bản báo cáo quan trọng: “Nhiệm vụ của giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng hiện nay”(sau này gọi là Luận cương tháng Tư). Luận cương của Lênin đã được toàn Đảng thông qua đề ra đường lối chuyển biến từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng XHCN và đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản và thành lập Quốc tế cách mạng mới của giai cấp công nhân. Dưới ánh sáng của Luận cương tháng Tư, Đảng Bônsêvích đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng. Đại hội VI của Đảng Bônsêvích họp từ 26-7 đến 3-8-1917 đã chủ trương “lật đổ nền chuyên chính của giai cấp tư sản bằng con đường khởi nghĩa vũ trang”. Rạng sáng 25-10 lịch Nga (tức 7-11 theo lịch mới), quân khởi nghĩa tiến đánh với Chiến hạm Rạng Đông nã pháo vào Cung điện Mùa đông - sào huyệt của chính phủ lâm thời phản động. Cận vệ đỏ của công nhân, binh lính cách mạng chiếm giữ vị trí then chốt ở thủ đô, nhanh chóng làm chủ tình hình. Các Bộ trưởng của Chính phủ lâm thời bị bắt. Cuộc khởi nghĩa ở Pêtrôgrat thắng lợi hoàn toàn. Cũng trong đêm đó, Đại hội Xô Viết toàn Nga lần thứ 2 đã khai mạc, tuyên bố chính quyền đã về tay các Xô Viết. Đại hội ra quyết nghị: các Xô Viết đại biểu công nhân, binh lính và nông dân có trách nhiệm bảo đảm trật tự cách mạng. Tối 26-10, trong buổi họp thứ 2, Đại hội thông qua 2 văn kiện đầu tiên của Chính quyền Xô Viết: 1/ Sắc luật hòa bình, 2/ Sắc luật ruộng đất. Đại hội cử ra Chính phủ Xô Viết đầu tiên, gọi là Hội đồng ủy viên nhân dân, do Lênin đứng đầu. Ngày 10-1-1918, Đại hội Xô Viết toàn Nga lần thứ III đã khai mạc. Đại hội tán thành quyết định của Đảng Bônsêvích và Chính phủ Xô Viết về việc giải tán Quốc hội lập hiến của chính phủ cũ; quyết định hợp nhất các Xô Viết đại biểu nông dân với Xôviết đại biểu công nhân và binh lính. Đại hội thông qua Tuyên ngôn về quyền lợi của nhân dân lao động và bị bóc lột khẳng định nước Nga là một nước cộng hòa Xô Viết, mục tiêu là xóa bỏ mọi chế độ người bóc lột người, xóa bỏ giai cấp. Đại hội thông qua quyết định lịch sử, thành lập Cộng hòa Xô Viết XHCN Liên bang Nga, trên cơ sở liên minh tự nguyện giữa các dân tộc ở nước Nga…
Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga năm 1917 có ý nghĩa lịch sử trọng đại, không chỉ với nước Nga mà còn đối với cả thế giới. Đó chính là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác và học thuyết Lênin ở một đất nước rộng 1/6 diện tích thế giới. Đó là thắng lợi vĩ đại nhất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức, do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo. Cách mạng Tháng Mười Nga đã đập tan bộ máy thống trị của giai cấp bóc lột, phản cách mạng, thiết lập nền chính trị mới do nhân dân lao động làm chủ; công khai mục tiêu cách mạng mang tính nhân văn cao cả là xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng một xã hội tự do, hạnh phúc và công bằng cho người lao động, mở ra trang mới trong lịch sử các dân tộc Nga. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiến trình lịch sử và cục diện thế giới. Sự thành công của Cách mạng Tháng Mười đã khai sinh ra chế độ XHCN đầu tiên trong lịch sử, chấm dứt thời kỳ làm mưa làm gió của chủ nghĩa tư bản trên thế giới; đồng thời mở ra giai đoạn hình thành và phát triển của chủ nghĩa xã hội như một chủ thể hùng mạnh, một xu thế tất yếu của lịch sử, đe dọa sự tồn vong của chủ nghĩa tư bản. Sự hình thành và phát triển lớn mạnh của nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới và sau đó là hệ thống các nước XHCN đã buộc chủ nghĩa tư bản phải thực hiện hàng loạt những điều chỉnh về kinh tế – xã hội, đáp ứng ngày càng nhiều hơn những yêu cầu của người lao động về việc làm, tiền công, giáo dục, y tế, an sinh xã hội... Con đường Cách mạng Tháng Mười đã đưa nhân loại sang một thời đại mới, thời đại hiện thực hóa ước mơ khát vọng về một cuộc sống không còn áp bức, bóc lột, bất công. Khát vọng giải phóng và phát triển của nhân dân lao động đã đem lại thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười, tạo động lực để chính quyền Xô Viết non trẻ vượt qua sự chống phá của các thế lực đế quốc tàn bạo, trở thành một cường quốc xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Cách mạng Tháng Mười đã thức tỉnh và cổ vũ mạnh mẽ ý chí đấu tranh cho độc lập, tự do của nhân dân các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc, dẫn dắt các dân tộc năm châu hình thành dòng thác cách mạng, đánh đổ hệ thống thuộc địa, chấm dứt chế độ thực dân, đưa các quốc gia đi vào quỹ đạo mới, trong đó nhiều nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cách mạng Tháng Mười đã đáp ứng những đòi hỏi cấp bách trong cuộc đấu tranh giải phóng của các giai cấp bị áp bức, bóc lột và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới…
96 năm đã trôi qua, thế giới có biết bao đổi thay, đảo lộn; đã xuất hiện rất nhiều sự đánh giá khác nhau về sự nghiệp của những người cộng sản. Tuy nhiên, chính thực tiễn lịch sử thế giới trong gần một thế kỷ qua, với những sự thật không thể thêm bớt, đã khẳng định vai trò và ý nghĩa hết sức to lớn của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga: đó chính là cột mốc mở đầu thời đại ngày nay. Sự phát triển của thế giới trong thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI dù đầy biến động, cũng không thể phủ nhận giá trị lịch sử và thời đại của Cách mạng Tháng Mười. Bất chấp những thăng trầm của lịch sử, thắng lợi của các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, sự chấm dứt chế độ thuộc địa, sự ủng hộ của cộng đồng thế giới đối với giá trị nhân văn tiến bộ, dân chủ, tự do, bình đẳng, sự phục hồi kỳ diệu của một số nước XHCN sau khủng hoảng, sự lớn mạnh của trào lưu cánh tả Mỹ Latinh v.v... đã chứng tỏ vai trò mở đường của Cách mạng Tháng Mười hướng nhân loại tới một tương lai tươi sáng hơn. Nó cũng chứng tỏ rằng, bất cứ một chế độ nào đi ngược lại lợi ích chân chính của nhân dân, của dân tộc, cản trở tiến bộ xã hội thì tất yếu sẽ bị vượt qua, bị thay thế bởi một chế độ xã hội khác tốt đẹp hơn. Tiếp tục cuộc đấu tranh xóa bỏ mọi sự lạc hậu, lỗi thời, áp bức bất công cũng chính là sự tiếp tục sự nghiệp cao cả của Cách mạng Tháng Mười…
Đi theo con đường của Lênin vĩ đại, nhân dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn, vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước theo con đường XHCN, tiếp tục khẳng định và tiếp nối những giá trị nhân văn, tiến bộ của Cách mạng Tháng Mười như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Giống mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.