Trong 20 năm qua, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm lãnh đạo, cụ thể hóa Nghị quyết số 01-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VII), ngày 28-3-1992 "Về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay". Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các khóa đều đề cập đến công tác lý luận về Đảng và công tác xây dựng Đảng.
Trong 20 năm qua, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm lãnh đạo, cụ thể hóa Nghị quyết số 01-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VII), ngày 28-3-1992 “Về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các khóa đều đề cập đến công tác lý luận về Đảng và công tác xây dựng Đảng. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết về củng cố xây dựng Đảng, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về đấu tranh tư tưởng, lý luận, nhất là đấu tranh chống âm mưu diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa; về xây dựng, củng cố tổ chức đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; về đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, xác định đường lối phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, dân tộc, tôn giáo…
|
Phố Xanh. Ảnh: Nguyễn Thanh |
THIẾT THỰC GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN KT- XH, AN-QP, XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ
Trên cơ sở nhiệm vụ, phương châm, phương hướng nghiên cứu trong Nghị quyết số 01-NQ/TW, Đảng bộ tỉnh quán triệt sâu sắc bản chất cách mạnh và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để phát huy tính độc lập, sáng tạo; áp dụng, tiếp thu những thành tựu mới về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, về xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần, an ninh, quốc phòng. Những quan điểm, chủ trương, đường lối đổi mới mang tính lý luận của Đảng được áp dụng vào thực tiễn thực thi đường lối của Đảng ở địa phương là cơ sở để Đảng bộ rút ra những kết luận, nhận định, đánh giá một cách cụ thể, toàn diện, mở ra những định hướng phát triển mọi mặt ngày càng đúng đắn và phù hợp hơn, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, điều hành, tổ chức các hoạt động, lý luận thêm chặt chẽ, đạt hiệu quả cao.
Thực tế cho thấy, 20 năm qua, Đảng bộ Lâm Đồng đã vận dụng có hiệu quả một số chủ trương, chính sách của Trung ương để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Thông qua tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, góp phần khẳng định và làm sáng tỏ thêm lý luận về chủ nghĩa xã hội; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; quan điểm đổi mới hệ thống chính trị; cụ thể hóa các hình thức quan hệ đúng đắn giữa Đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, trong đó trọng tâm là vấn đề xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng lãnh đạo Nhà nước; vấn đề xây dựng nhà nước của dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng nền pháp chế về sự quản lý xã hội bằng pháp luật, từ đó củng cố nhận thức tư tưởng và niềm tin đối với Đảng và chế độ.
Về kinh tế, Đảng bộ tỉnh chú trọng lý luận trong xác định mục tiêu phát triển KT - XH thực hiện đường lối đổi mới của Đảng. Đó là xác định mục tiêu chung trên cơ sở phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí quật cường tập trung khai thác thế mạnh; tập trung xóa đói, nâng cao chất lượng giảm nghèo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kết hợp nâng cao dân trí. Tích cực phát triển kinh tế theo hướng sản xuất, dịch vụ, thương mại, du lịch hoạt động theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước. Như vậy, từ lý luận về mục tiêu, xác định cơ cấu kinh tế, các thành phần kinh tế, Lâm Đồng đã từng bước đề ra các chính sách nhằm phá bỏ rào cản, mở đường cho sản xuất phát triển.
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, tỉnh tập trung phát triển lực lượng lao động, giải quyết việc làm, gắn với chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển và chăm sóc đội ngũ giáo viên, nhất là đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh, tăng cường đội ngũ y, bác sĩ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ theo hướng ưu tiên nông - lâm nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến; từng bước đầu tư phù hợp các lĩnh vực văn hóa - xã hội khác. Đối với an ninh - quốc phòng, đã tập trung giáo dục cán bộ, đảng viên, toàn dân nêu cao cảnh giác, củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống âm mưu “diễn biến hòa bình”. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang, gắn chặt với xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch vững mạnh với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh.
Đặc biệt, trong xây dựng hệ thống chính trị, Đảng bộ tỉnh chú trọng đổi mới nâng cao chất lượng công tác tư tưởng của Đảng và tiếp tục chỉnh đốn Đảng. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng nhạy bén, gắn giáo dục lý luận với thực tiễn cuộc sống. Toàn Đảng làm công tác tư tưởng; phát huy chức năng các công cụ làm công tác tuyên truyền giáo dục. Thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao năng lực lãnh đạo phù hợp với yêu cầu ở mỗi cấp ủy đảng. Tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên và quần chúng kiểm tra, giám sát các hoạt động của cấp ủy. Củng cố các tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh và xem đây là nội dung quan trọng. Sắp xếp tổ chức, kiện toàn bộ máy chính quyền các cấp gọn nhẹ và hoạt động hiệu quả; cải tiến lề lối làm việc của UBND các cấp; tiếp tục đấu tranh làm trong sạch bộ máy nhà nước. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường công tác lãnh đạo, thể hiện trách nhiệm cao đối với công tác vận động quần chúng; tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động của Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể, lấy chăm lo lợi ích thiết thân của quần chúng là mục tiêu hàng đầu. Thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về chính sách dân tộc, tôn giáo…
NHỮNG HẠN CHẾ VÀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Tuy đạt nhiều kết quả to lớn nhưng thẳng thắn đánh giá công tác lý luận trong thời gian qua vẫn bộc lộ một số vấn đề cần sớm khắc phục. Đó là: Công tác lý luận chưa được quan tâm đúng mức, chưa phát hiện và giải đáp được nhiều vấn đề do thực tiễn đang đặt ra. Việc nghiên cứu và vận dụng lý luận trong thực tiễn thiếu sáng tạo nên hiệu quả thấp. Công tác tổng kết, nhân rộng các mô hình tiên tiến chưa kịp thời. Chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị trong nhà trường chậm đổi mới; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị còn nhiều hạn chế. Việc tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết ở một số cấp ủy còn mang tính hình thức, chất lượng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết ở các tổ chức cơ sở Đảng chưa sát, tính thuyết phục chưa cao. Nhiều cấp ủy thiếu thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và tổ chức sơ kết thực hiện Nghị quyết. Số đề tài nghiên cứu khoa học về tư tưởng, lý luận còn ít, khả năng ứng dụng thực tế và tổng kết thực tiễn ở địa phương hạn chế, chưa đáp ứng kịp công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới.
Việc tổng kết, rút kinh nghiệm tiến hành thường xuyên, song việc đánh giá về mặt lý luận để áp dụng vào thực tế chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế phát triển của tỉnh. Do vậy, kinh tế phát triển chưa đúng theo định hướng và tính bền vững, sự chuyển dịch cơ cấu còn chậm, chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp; lĩnh vực dịch vụ - du lịch phát triển chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh, hiệu quả kinh doanh thấp… Đời sống một bộ phận dân cư vẫn khó khăn. Chất lượng y tế, giáo dục hạn chế. Chưa ngăn chặn triệt để tình trạng lãng phí, chậm xử lý một số vụ án tham nhũng.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TW “Về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay”, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng phải thường xuyên tổ chức học tập và tuyên truyền sâu rộng về việc khẳng định vai trò, ý nghĩa của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Thực hiện tốt chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng, xác định đây là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, đảng viên; đồng thời là một trong những yêu cầu chuẩn hóa cán bộ, đảng viên. Cán bộ chủ chốt các cấp thường xuyên học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức chuyên môn và năng lực hoạt động thực tiễn… Công tác nghiên cứu lý luận chú trọng nghiên cứu khoa học về các chuyên đề mang tính chính trị, tư tưởng, nhất là các đề tài tổng kết hoạt động thực tiễn về thực hiện các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, gắn với áp dụng kết quả vào thực tiễn cuộc sống. Nghiên cứu và làm tốt công tác tư tưởng của Đảng, kết hợp với nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị cho các đối tượng, nhất là giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành hệ tư tưởng chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội.
BÌNH NGUYÊN