(LĐ online) - Sáng 6/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Luật Đất đai (sửa đổi). Được phát thanh, truyền hình trực tiếp; ĐĐBQH Ya Duck đã tham gia góp ý vào các nội dung như sau...
(LĐ online) - Sáng 6/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Luật Đất đai (sửa đổi). Được phát thanh, truyền hình trực tiếp; ĐĐBQH Ya Duck đã tham gia góp ý vào các nội dung như sau:
I. Về một số vấn đề chung
Luật Đất đai (sửa đổi) là đạo luật quan trọng có tác động lớn đến các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất, tác động đến sự phát triển kinh tế đất nước và ảnh hưởng đến toàn xã hội; Dự thảo Luật đã được cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên đến nay cũng còn một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau và được tiếp tục tham gia, góp ý, đề nghị Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu chỉnh lý để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Trong đó một số lĩnh vực cần được tiếp tục bổ sung và quy định cụ thể hơn để thống nhất trong quá trình thực hiện như:
- Cơ chế giao đất, thu hồi đất, cơ chế đền bù tuy đã có điều chỉnh nhưng chưa cụ thể rất dễ xảy ra tiêu cực, đề nghị xem xét lại:
+ Đối với giao đất: Luật cần quy định rõ hơn khi giao đất, cho thuê đất, nếu đây là đất công, đất chưa sử dụng thì không cần phải thu hồi. Vì hiện nay Bộ Tài chính có quy định thủ tục xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất bắt buộc phải có quyết định thu hồi kể cả đất công và đất chưa sử dụng, điều này là không hợp lý và trong thực tiễn còn vướng mắc nhiều do Luật Đất đai chưa quy định rõ ràng, cụ thể thu hồi là thu hồi của người đang sử dụng hay thu hồi của người đang được giao quản lý.
+ Về thu hồi đất: Dự thảo luật sửa đổi cần quy định rõ ràng trong luật khi thu hồi đất, bố trí tái định cư, chính quyền phải tổ chức lấy ý kiến nhân dân và cần quy định về tỷ lệ người dân có trực tiếp ảnh hưởng, đồng ý với phương án giải quyết (Quy định rõ phải trên 70% đồng ý) nếu chưa đạt tỷ lệ đồng ý theo quy định của pháp luật, chính quyền phải trực tiếp vận động, thuyết phục… hoặc xây dựng phương án hợp lý hơn nhằm hạn chế được tình trạng khiếu kiện, khiếu kiện kéo dài như thời gian qua, vừa ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân và cũng ảnh hưởng đến hoạt động quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của bộ máy chính quyền các cấp.
- Dự thảo luật nên quy định cụ thể tỷ lệ chênh lệch giá giữa các loại đất được giao sử dụng ở một tỷ lệ nhất định, không quá cao như hiện tại, vì trên thực tế hiện nay có sự chênh lệch rất cao giữa đất nông nghiệp và đất ở, tạo ra sự không công bằng giữa các loại đất, là cơ sở phát sinh các tiêu cực trong quá trình quản lý đất đai? Bên cạnh đó tại khu vực nông thôn rất nhiều người dân mặc dù đã được giao đất sản xuất nông nghiệp từ rất lâu, nay chuyển sang đất ở phải nộp một số tiền khá cao nên buộc phải xây dựng nhà ở trái phép… Đề nghị nên có giải pháp ở tầm vĩ mô và được quy định trong Luật Đất đai.
II. Về Một số nội dung cụ thể
1. Điều 16: Nhà nước quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất
Đề nghị nên bỏ phần quy định Nhà nước thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Vì nếu Nhà nước vẫn tiếp tục quy định thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội chung chung như dự thảo thì sẽ bị lợi dụng trong quá trình tổ chức thực hiện và sẽ tiếp tục tạo ra các khiếu nại, tranh chấp như vừa qua. Còn nếu đúng là mục đích kinh tế - xã hội thì việc quy định “thu hồi để sử dụng vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng” thì cũng đã bao hàm các dự án phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
- Còn các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác phải thực hiện hình thức mua hoặc thỏa thuận giữa chủ đầu tư với người sử dụng đất.
2. Về cơ quan quản lý đất đai và tổ chức dịch vụ công về đất đai (Điều 24)
Thống nhất với khoản 1. Hệ thống cơ quan quản lý đất đai được tổ chức thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.
Nhưng ở khoản 2. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Tổ chức phát triển quỹ đất là tổ chức dịch vụ công về đất đai do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập. Đề nghị không thành lập Tổ chức phát triển quỹ đất là tổ chức dịch vụ công về đất đai, mà chuyển sang hình thức xã hội hóa, về cơ quan quản lý đất đai ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Sở Tài nguyên và Môi trường; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là Phòng Tài nguyên và Môi trường. Vì hiện nay Trung tâm phát triển quỹ đất ở cấp tỉnh và cấp huyện là đơn vị sự nghiệp có thu, nhưng cơ chế hoạt động, chức năng, nhiệm vụ không rõ ràng, không có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, nhưng chủ yếu hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị, chế độ, chính sách tại địa phương về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.
3. Về trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số (Điều 27)
Đề nghị nên có quy định cụ thể hơn (có định lượng tương đối) nếu không sẽ xảy ra tình trạng tùy tiện trong quản lý Nhà nước đất đai hoặc thực hiện mang tính chất đối phó, ví dụ như nếu dùng từ “có đất” thì được giao 1ha đất hay 0,1ha đất sản xuất thì cũng đều được gọi là “có đất sản xuất”; vì vậy đề nghị nên quy định cụ thể là được giao đất sản xuất ở mức trung bình của địa phương đó, nhằm tạo được sự hài hòa tương đối chung.
4. Về cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất ( Điều 71)
- Khoản 2 điểm b điều 71 quy định “Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối hoặc vắng mặt không nhận được quyết định cưỡng chế thì tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, phối hợp với UBND cấp xã niêm yết công khai quyết định cưỡng chế tại trụ sở UBND cấp xã. Về quy định này thống nhất quy định về từ chối còn việc vắng mặt phải có quy định cụ thể hơn là vắng mặt mấy lần và không có lý do chính đáng để bảo đảm sự công bằng đối với người dân và cũng thể hiện được trách nhiệm của chính quyền, nhằm để hạn chế được việc lợi dụng quy định pháp luật để vi phạm quyền dân chủ của người dân hoặc người dân lợi dụng để khiếu nại, tố cáo kéo dài, phức tạp.
5. Tại Điều 74. Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất
Ở khoản 1 điều 72 quy định: ... nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền. Và khoản 1 điều 74 quy định Giá đất để tính bồi thường được xác định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm có quyết định thu hồi đất. Nhưng rõ ràng là dự thảo chưa đề cập đến giá đất này là giá nào, giá thị trường hay giá của Nhà nước. Đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm và phức tạp dẫn đến việc khiếu kiện về đất đai thời gian qua cần được dự thảo luật sửa đổi lần này giải quyết một cách cơ bản nhất.
6. Điều 83. Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất
Tại khoản 2 có quy định: Hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tạo việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc xác định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp trong thực tiễn gặp không ít khó khăn, bất cập do không có tiêu chí xác định cụ thể thế nào là trực tiếp sản xuất, thu nhập chính hay khối lượng thời gian sản xuất nông nghiệp, trong hay ngoài độ tuổi lao động… Do vậy cần có quy định cụ thể tránh lạm dụng.
- Đề nghị bỏ tiết d, khoản 2 “hỗ trợ khác”, vì không hiểu khác là những gì, mặt khác đã giao Chính phủ quy định cụ thể.
7. Điều 112: Nguyên tắc, phương pháp định giá đất
- Điểm c khoản 1 quy định: “phù hợp giá đất phổ biến trên thị trường…”.
Như vậy thế nào là phù hợp? Bằng nhau hay chênh lệch tỷ lệ bao nhiêu? Hoặc thị trường nào? Khu vực nào? Nếu không quy định rõ hơn sẽ xảy ra tùy tiện.
Hoặc “giá đất phổ biến trên thị trường” vậy phổ biến này được đánh giá từ đâu? Do ai xác định? Cũng cần có quy định cụ thể hơn.
Vì vậy đề nghị thay các cụm từ “phù hợp” “phổ biến” bằng cụm từ “sát giá thị trường” sẽ phù hợp và rõ hơn.
8. Điều 113: Khung giá đất
- Dự thảo quy định “chính phủ quy định khung giá đất và khi giá đất trên thị trường có biến động lớn thì điều chỉnh cho phù hợp”.
Đề nghị nên giao thẩm quyền này cho UBND cấp tỉnh định giá đất cho địa phương mình, như vậy tính khả thi cao hơn, sát thực tế hơn và cũng nhanh hơn về thủ tục thực hiện.
- Đề nghị làm rõ cụm từ “Biến động lớn” là biến động ở mức độ, phạm vi nào? Mức biến động chênh lệch 20%, 30% hay bao nhiêu nên quy định tỷ lệ trong Dự thảo luật để cơ quan được giao thẩm quyền dễ thực hiện điều chỉnh theo đúng quy định của pháp luật.
9. Điều 179. Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất
Hiện có tình trạng, người dân tộc thiểu số Tây Nguyên sống bằng nông nghiệp sau khi chuyển quyền sử dụng đất không còn đủ đất sản xuất nên tiếp tục phá rừng làm rẫy, để hạn chế tình trạng này, riêng các địa phương đã có các quy định không thống nhất. Đề nghị xem xét, để luật định vấn đề này, theo hướng, đối với người dân tộc thiểu số sinh sống bằng nông nghiệp chỉ được chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, khi đảm bảo diện tích đất nông nghiệp (sau khi chuyển nhượng) tối thiểu phải bằng mức bình quân tại địa phương.
Bùi Gia Quân