Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 19 (khóa IX)

05:11, 29/11/2013

(LĐ online) - Ngày 29 - 11 - 2013, Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 19 (khóa IX), đây là kỳ họp cuối của năm 2013. Đồng chí Huỳnh Đức Hòa - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Các đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Sĩ Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng tham dự. 

Bí thư Tỉnh ủy: Lâm Đồng đã tạo được điều kiện thuận lợi, nền tảng để phát triển tốt hơn trong năm 2014
 
Năm 2013, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển
 
Hệ thống chính trị chú trọng đúng mức công tác dân vận, tạo được sự đồng thuận xã hội
 
(LĐ online) - Ngày 29 - 11 - 2013, Tỉnh ủy Lâm Đồng tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 19 (khóa IX), đây là kỳ họp cuối của năm 2013. Đồng chí Huỳnh Đức Hòa - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Các đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Sĩ Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng tham dự. 
 
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Đức Hòa chủ trì hội nghị. Ảnh: Duy Danh
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Đức Hòa chủ trì hội nghị.
Ảnh: Duy Danh
 
Tại hội nghị, đồng chí Hoàng Sĩ Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã thông qua Dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị năm 2014. Về tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2013, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết: Năm 2013, tình hình kinh tế - xã hội của cả nước tiếp tục có nhiều khó khăn, thị trường bất động sản đình trệ, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ nông dân gặp khó khăn, đã tác động bất lợi đến kinh tế - xã hội của tỉnh. Song với sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, một số chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu tăng so với cùng kỳ. Tốc độ tăng GDP đạt 13,4% (NQ đề ra từ 14 – 15%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý (ngành nông – lâm – thủy chiếm 42,1%, công nghiệp – xây dựng 23,2%, dịch vụ 34,7%) ; GDP bình quân đầu người đạt 38,4 triệu đồng, đạt 97,2% kế hoạch; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 15.200 tỷ đồng, đạt 89,4% kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu 279,6 triệu USD, đạt 82,2% kế hoạch; khách du lịch 4,3 triệu lượt người (khách quốc tế 240 ngàn lượt) đạt 100% kế hoạch; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 5.000 tỷ đồng, đạt 90,9% dự toán địa phương và tăng 11,6% so với cùng kỳ; hộ nghèo giảm 2,01% (KH 2-3%), trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm 6,1% (KH 6-7%); có 4 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. 
 
Trong năm 2013, các ngành có lợi thế cạnh tranh của tỉnh phát triển mạnh, nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng công nghệ cao; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp duy trì phát triển ổn định; du lịch dịch vụ tăng trường ổn định, lượng khách đến tăng; chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện đồng bộ, trở thành phong trào hành động rộng khắp ở tất cả các xã và đạt nhiều kết quả tích cực. Trong điều kiện khó khăn về vốn nhưng một số công trình trọng điểm tiếp tục được quan tâm đầu tư; hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt được củng cố, tăng cường. Lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Công tác xây dựng Đảng, hoàn thiện hệ thống chính trị được chú trọng, có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp lãnh đạo, điều hành; đã tập trung tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, chú trọng chỉ đạo nâng cao chất lượng thực hiện Chỉ thị 03-CTTW và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ và các đoàn thể được nâng lên… Theo Dự thảo, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến đến những kết quả đạt được trong năm 2013 là các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị đã chú trọng đúng mức công tác dân vận, thông qua công tác dân vận, công tác vận động quần chúng đã tăng cường, được sự đồng thuận xã hội, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước thiết thực, hiệu quả, góp phần thiết thực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.  
 
Tuy đạt một số kết quả khả quan nhưng nhìn chung năm 2013, kinh tế của Lâm Đồng phục hồi chậm và còn nhiều khó khăn, thách thức; còn 4 chỉ tiêu kinh tế quan trọng chưa đạt kế hoạch (tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu, huy động đầu tư toàn xã hội). Công nghiệp tăng trưởng chậm, không đồng đều giữa các lĩnh vực và chưa có hướng phát triển phù hợp. Thu ngân sách gặp nhiều khó khăn. Hạ tầng kinh tế - xã hội ở một số nơi xuống cấp, giao thông đối ngoại bất cập; thu hút đầu tư giảm sút; thu nhập bình quân đầu người ở một số vùng còn rất thấp; đời sống một bộ phận dân cư vẫn khó khăn. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ ở một số cơ sở chưa được quan tâm đúng mức. Cải cách hành chính  trong các cơ quan Nhà nước, trong Đảng hiệu quả chưa cao… Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới hạn chế, khuyết điểm là do nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền về một số chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa sâu nên việc vận dụng, đề ra chương trình, kế hoạch, giải pháp thực hiện chưa thật sự phù hợp. Khả năng tư duy, nắm bắt và xử lý tình hình của lãnh đạo một số ngành, địa phương chưa năng động, linh hoạt, thậm chí có một số chính sách phát hiện không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chậm tham mưu, đề xuất xử lý thay đổi, vì vậy gây ách tắc, khó khăn cho sản xuất, đời sống; lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ chưa đồng bộ, quyết liệt…
 
Trước kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2013, Dự thảo đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp năm 2014. Trong 15 chỉ tiêu chủ yếu, có một số chỉ tiêu quan trọng như: Tăng trưởng GDP đạt 14 – 14,5%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5 – 2% (hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4 – 5%), có 15 xã đạt 19/19 tiêu chí vê xây dựng nông thôn mới; có 79% tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh… Theo đó, Tỉnh ủy đã đề ra 8 nhiệm vụ và giải pháp: Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng hợp lý; Tập trung chỉ đạo phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh; Tiếp tục đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng then chốt; Tăng cường các biện pháp quản lý thu ngân sách; Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; Phát triển văn hóa – xã hội và bảo đảm an sinh xã hội; Tăng cường quốc phòng, an ninh; Chú trọng công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị. 
 
 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Sĩ  Sơn báo cáo Dự thảo Nghị quyết và tình hình 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Sĩ Sơn báo cáo Dự thảo
Nghị quyết và tình hình 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX. Ảnh: Duy Danh

 

Tiếp theo, đồng chí Hoàng Sĩ Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy báo cáo đánh giá tình hình 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX; nhiệm vụ năm 2014 - 2015.

3 năm qua, Lâm Đồng đạt một số kết quả quan trọng: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 13,9%/năm (NQ đề ra tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 15-16%). GDP bình quân đầu người đến năm 2013, tăng 84,1% so với năm 2010, bình quân 2011 – 2013 tăng 22,6%/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước 13.489 tỷ đồng (NQ: tổng thu ngân sách 5 năm 29.800 – 30.500 tỷ đồng), đạt 45,3% kế hoạch giai đoạn 2011 – 2015; tốc độ tăng thu bình quân 13,1%. Tổng mức đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 41.431 tỷ đồng, bằng 49,3% kế hoạch… Trong 3 năm kết nạp được 5.457 đảng viên mới, đạt 104% so với chỉ tiêu Nghị quyết. Trong các lĩnh vực, ngành nông – lâm – thủy phát triển ổn định, giá trị sản xuất tăng bình quân 8,9%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra 6 – 7%. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với chất lượng sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú, trình độ canh tác sản xuất nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc. Giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích tăng từ 79,7 triệu đồng/ha năm 2010 lên khoảng 119,2 triệu/ha năm 2012, ước năm 2013 đạt 122,2 triệu/ha, tăng 53,3% so với năm 2010. Đối với sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì và phát triển, giá trị sản xuất bình quân thời kỳ 2011 – 2013 đạt 17,6%/năm (KH 20 – 21%)/năm); một số ngành công nghiệp dựa trên lợi thế về nguyên liệu tiếp tục phát triển. Lượng khách du lịch tăng nhanh qua các năm, năm 2013 đạt khoảng 4,3 triệu lượt khách, tăng 38,7% so với năm 2010, ngày lưu trú bình quân đạt 2,2 ngày. Trong 3 năm qua, nâng tổng số dự án được cấp giấy phép CNĐT trong nước lên 696 dự án, vốn đăng ký 102.738 tỷ đồng; cấp Giấy CNĐT cho 23 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 67,3 triệu USD, nâng tổng số dự án còn hiệu lực 110 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 459,2 triệu USD. Từ năm 2011 đến nay, đã cấp đăng ký kinh doanh mới cho 1.821 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký kinh doanh 8.496 tỷ đồng; cấp giấy phép hoạt động cho 503 Chi nhánh, Văn phòng đại diện. Sự nghiệp giáo dục – đào tạo phát triển nhanh theo hướng đa dạng hóa về loại hình, phương thức đào tạo. Hoạt động y tế, bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho người dân có nhiều chuyển biến tích cực. Triển khai thực hiện 5 lĩnh vực đột phá, 4 địa bàn trọng điểm, 16 công trình trọng điểm đạt nhiều kết quả quan trọng…
 
Tuy nhiên hạn chế trong 3 năm qua là kinh tế của Lâm Đồng chưa phát triển bền vững; một số chỉ tiêu quan trọng còn đạt thấp so với kế hoạch. Lĩnh vực du lịch và dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Khả năng tích lũy và tái đầu tư của nền kinh tế còn thấp. Chất lượng nguồn nhân lực còn yếu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hạn chế. Quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản tuy có cố gắng, song hiệu quả chưa cao; một số nơi rừng tiếp tục bị tàn phá. Về xây dựng hệ thống chính trị: Chất lượng sinh hoạt chi bộ chuyển biến chậm, thực hiện các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng ở một số nơi chưa nghiêm, đặc biệt là nguyên tắc tự phê bình – phê bình. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng yếu kém hàng năm tăng so với đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ đảng viên bị xem xét kỷ luật còn cao. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc “làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thiết thực, hiệu quả và chưa gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng và của cán bộ, đảng viên. Việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) ở một số cơ quan, đơn vị còn lúng túng; nội dung, lộ trình khắc phục chưa rõ ràng, kết quả chưa cao; một số cán bộ, đảng viên chưa thật sự gương mẫu trong sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, hạn chế sau kiểm điểm. 
 
Phát huy những kết quả quan trọng đạt được và khắc phục những hạn chế yếu kém để tiếp tục phấn đấu hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, trong nhiệm  vụ năm 2014 và 2015, Tỉnh ủy đã đề ra 9 giải pháp quan trọng. Trước hết, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy sức mạnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ thuận lợi, phấn đấu thực hiện có kết quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ còn lại của nhiệm kỳ, đưa kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững. Chỉ đạo và tổ chức sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về 5 khâu đột phá, 4 địa bàn trọng điểm, thực hiện 16 công trình trọng điểm; các nghị quyết chuyên đề, các chương trình, đề án lớn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; nhất là trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh và xây dựng hệ thống chính trị…Triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Kết luận các Hội nghị Trung ương khóa XI và các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, đẩy mạnh quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; về đổi mới chính sách pháp luật về đất đai. Triển khai thực hiện Đề án cơ chế đặc thù đối với thành phố Đà Lạt sau khi được Trung ương phê duyệt… Một giải pháp thiết thực nữa là phải quan tâm chỉ đạo quảng bá về du lịch, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu hàng hóa. Chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định sản xuất kinh doanh và từng bước phát triển. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh - UVTW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến phân tích tình hình phát triển KT - XH 3 năm qua
Chủ tịch UBND tỉnh - UVTW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến phân tích tình hình phát triển KT - XH 3 năm qua. Ảnh: Văn Báu
 
Hội nghị đã nghe ý kiến phát biểu của UBND TP. Đà Lạt và Bảo Lộc, huyện Đức Trọng, huyện Cát Tiên, Sở VH – TT&DL và đồng chí Vũ Công Tiến – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII đơn vị tỉnh Lâm Đồng phân tích tình hình năm 2013 và 3 năm qua, bổ sung nhận xét đối với Dự thảo Nghị quyết, đánh giá 3 năm và nhiệm vụ năm 2014, 2015. Để làm rõ bối cảnh và tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị trong 3 năm qua, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến – UVTW Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phân tích: kết thúc nhiệm kỳ VIII (2006 – 2010), Lâm Đồng thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, chuyển sang giai đoạn phát triển nhanh và bền vững. Tuy tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn và Lâm Đồng cũng nằm trong tình trạng đó nhưng qua 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng là cố gắng lớn của toàn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh. Đạt kết quả đó là do Đảng bộ đã chọn đúng 5 khâu đột phá, 4 địa bàn trọng điểm, 16 công trình trọng điểm; ban hành các nghị quyết chuyên đề… và xác định đây là những nhiệm vụ trọng tâm mang tính xuyên suốt không chỉ trong nhiệm kỳ này…
 
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Đức Hòa đánh giá cao nỗ lực phấn đấu thực hiện nhiệm vụ chính trị trong năm 2013, 3 năm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ IX; đồng thời cũng phân tích và yêu cầu sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém. Đối với thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2014, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng trên nền tảng đạt được của thời gian qua, Lâm Đồng đang có những điều kiện thuận lợi để phát triển tốt hơn trong năm 2014, khả năng nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt kế hoạch. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là toàn Đảng bộ phải thể hiện cao ý chí chính trị, tinh thần tấn công với quyết tâm cao. Trong lãnh, chỉ đạo và điều hành phải luôn nghiên cứu, nhạy bén, phát hiện và kịp thời dự báo tình hình, làm tốt công tác tham mưu... Mặt khác, phải đề cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, người đứng đầu, đối với công tác xây dựng Đảng phải chú trọng thực hiện tốt NQTW 4 (khóa XI), cải cách hành chính.
 
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Duy Danh
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Duy Danh

 

Bình Nguyên