Trong thời đại toàn cầu hóa, đất nước ta hội nhập ngày càng sâu, với chủ trương Việt Nam muốn là bạn với tất cả, trong đối tác có đối tượng, trong đối tượng có đối tác, ranh giới bạn, thù rất mong manh tạo ra môi trường, hoàn cảnh phức tạp.
Mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ cách mạng cần có một đội ngũ cán bộ thích ứng, có phẩm chất năng lực đáp ứng được nhiệm vụ của thời kỳ ấy. Đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, vừa có nhiều thuận lợi, thời cơ lớn nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, nhất là phải đối mặt với mặt trái của kinh tế thị trường.
Trong thời đại toàn cầu hóa, đất nước ta hội nhập ngày càng sâu, với chủ trương Việt Nam muốn là bạn với tất cả, trong đối tác có đối tượng, trong đối tượng có đối tác, ranh giới bạn, thù rất mong manh tạo ra môi trường, hoàn cảnh phức tạp. Trong tình hình ấy, đa số cán bộ, đảng viên trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tận tâm phục vụ lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc. Tuy nhiên, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ rõ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu là do yếu kém về tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên và những hạn chế, yếu kém về công tác xây dựng Đảng. Nghị quyết chỉ rõ có những hạn chế, yếu kém, thậm chí kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Từ đó, Nghị quyết xác định phải tập trung thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách trong đó vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Như vậy, vấn đề tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay đã thực sự trở thành vấn đề trung tâm của công tác xây dựng Đảng. Để góp phần phòng, chống, đấu tranh đẩy lùi tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách thiết thực, hiệu quả. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, có ý nghĩa sâu xa đối với toàn Đảng, toàn dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng phải tự giác học tập, rèn luyện, phải có chương trình hành động cụ thể, thiết thực, tạo được bước chuyển biến sâu sắc về nhận thức, quyết tâm sửa mình theo tấm gương của Người. Cùng với việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác, cần nêu gương đạo đức của những chiến sĩ cộng sản tiêu biểu qua các thời kỳ cách mạng, những tấm gương điển hình xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh qua những hành động, những con người cụ thể của cán bộ, đảng viên và nhân dân hiện nay. Điều đó vừa có ý nghĩa giáo dục truyền thống tốt đẹp của Đảng, của cách mạng, vừa có ý nghĩa tôn vinh những tấm gương sáng trong điều kiện mới.
Thứ hai, tăng cường công tác giáo dục cán bộ, đảng viên, tạo sự chuyển biến thực sự về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải nhằm nâng cao nhận thức chính trị, giác ngộ giai cấp, giác ngộ cách mạng của cán bộ, đảng viên về Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, hết lòng phấn đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải hướng tới sự tự giác ngộ trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, nhân cách, cán bộ, đảng viên thông qua hành động thực tế; luôn cảnh giác trước những cám dỗ về danh lợi, vật chất, tránh rơi vào chủ nghĩa cá nhân, thống nhất giữa lời nói và việc làm, mẫu mực trong chấp hành chỉ thị, nghị quyết, Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước; luôn nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh phê phán những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng; làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.
Thứ ba, tiến hành thường xuyên việc rèn luyện cán bộ, đảng viên trong hoạt động thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII của Đảng đã nêu rõ: mọi phẩm giá, bằng cấp, danh hiệu, chức vụ, tài năng và cống hiến của cán bộ, đảng viên phải được kiểm nghiệm qua hoạt động thực tiễn. Kết quả hoạt động thực tiễn là tiêu chí quan trọng nhất đánh giá phẩm chất và năng lực cán bộ, đảng viên. Qua hoạt động thực tiễn, tiếp xúc với công việc, với quần chúng, cán bộ, đảng viên có điều kiện rèn luyện để trưởng thành; cũng qua hoạt động thực tiễn, những hạn chế khuyết điểm của cán bộ, đảng viên sẽ bộc lộ để được giúp đỡ sửa chữa tiến bộ.
Thứ tư, cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Trong công tác, trong tranh đấu, trong huấn luyện, các đảng viên, các cán bộ, cần phải luôn luôn tự hỏi mình, tự kiểm điểm mình và đồng chí mình. Luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình, thì khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi”(1). Tự phê bình và phê bình là việc làm thường xuyên trong sinh hoạt Đảng, mục đích là để tự tu dưỡng, giúp nhau cùng tiến bộ và củng cố đoàn kết nội bộ. Hiện nay, chất lượng, hiệu quả sinh hoạt tự phê bình và phê bình giảm sút. Tự phê bình và phê bình phải gắn với nêu cao tính tiền phong gương mẫu của người đứng đầu và cấp uỷ.
Rút kinh nghiệm từ việc tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, vừa qua các ban thường vụ tỉnh, thành ủy và tương đương, các tổ chức đảng đã chỉ ra được ưu điểm của cán bộ, đảng viên để phát huy, đồng thời vạch rõ những yếu kém, khuyết điểm, sai phạm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên để kịp thời ngăn chặn, khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Thứ năm, cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên cần nêu cao ý thức tổ chức và chấp hành nghiêm kỷ luật, sống trung thực, khiêm tốn, giản dị, nhân nghĩa, chan hòa với mọi người. Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, biểu dương kịp thời những cán bộ, đảng viên có thành tích. Xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, đồng thời xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng, lãng phí.
Thứ sáu, nâng cao sức lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở. Đấu tranh phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên phải bắt đầu từ cơ sở, trước hết phải nâng cao sức chiến đấu của chi bộ, đảng bộ. Các tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, cấp ủy phải thực sự trong sạch, vững mạnh, phát huy dân chủ trong sinh hoạt đảng, làm tốt công tác tự phê bình và phê bình trong đảng bộ, chi bộ cơ sở. Các tổ chức đảng và cấp ủy các cấp phải chăm lo xây dựng đạo đức cách mạng, tăng cường quản lý về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống, các mối quan hệ, hoàn cảnh gia đình và tài sản của cán bộ, đảng viên thuộc quyền.
Những nội dung nêu trên là những biện pháp thiết thực, nhằm tăng cường quản lý, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tạo được sự chuyển biến thực sự góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI của Đảng.
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, tr. 510.
Ths Nguyễn Đức Nhuận - Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
(Bài đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng)