Quốc hội thảo luận 2 luật, thông qua 2 luật

09:11, 26/11/2013

Trong ngày làm việc thứ 29 kỳ họp thứ 6 (26/11), Quốc hội thảo luận Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và cho ý kiến về Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi).
 

Trong ngày làm việc thứ 29 kỳ họp thứ 6 (26/11), Quốc hội thảo luận Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và cho ý kiến về Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi).
 
Theo dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), nam, nữ đủ 18 tuổi trở lên được kết hôn (Luật HNGĐ quy định hiện hành quy định nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên). Nhiều đại biểu tán thành với quy định hạ độ tuổi kết hôn như dự Luật, vì thực tế ở nhiều nơi, tình trạng  người kết hôn dưới tuổi quy định dẫn đến nhiều vụ án phải đưa ra xét xử. Việc quy định như dự thảo Luật không khuyến khích kết hôn sớm mà phù hợp pháp luật dân sự cũng như thông lệ quốc tế.
 
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là quy định “cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” được đại đa số đại biểu đồng tình. Luật quy định điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải là người có quan hệ thân thích của vợ hoặc chồng.
 
Về dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (có hiệu lực thi hành từ năm 2009), sau thời gian thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật bộc lộ một số hạn chế.
 
Để thực hiện mục tiêu chung của bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân theo đúng lộ trình, những vướng mắc trong thực tiễn cần sớm được tháo gỡ, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe theo hướng công bằng, chất lượng, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế theo hướng mở rộng bền vững, bao phủ hiệu quả là vấn đề cấp thiết.
 
Về cơ bản, bố cục của dự thảo Luật giữ nguyên như Luật hiện hành, phạm vi sửa đổi 20 điều trong tổng số 52 điều của Luật, không bổ sung điều mới.
 
Để thuận lợi trong quản lý và tổ chức thực hiện, dự thảo Luật sắp xếp 25 nhóm đối tượng thành 5 nhóm theo trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế gồm: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng; nhóm do ngân sách Nhà nước đóng; nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng; và nhóm tự đóng bảo hiểm y tế.
 
Dự thảo luật quy định bảo hiểm y tế là bắt buộc. Từ năm 2014, Nhà nước sẽ tạo cơ chế để áp dụng nguyên tắc bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế.  
 
Theo Chính Phủ