Với nhiều người dân buôn Tô K'Lăn (thôn 1A, xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh), gia đình Già làng K'Bung thực sự là tấm gương sáng để mọi người noi theo.
Với nhiều người dân buôn Tô K’Lăn (thôn 1A, xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh), gia đình Già làng K’Bung thực sự là tấm gương sáng để mọi người noi theo. Ruộng vườn phải xanh tốt để có điều kiện lo cho con cái ăn học nên người luôn là tâm niệm mà ông K’Bung muốn thực hiện. Nay, ước nguyện này của ông đã thành hiện thực khi các con của ông người thì đã tốt nghiệp ra trường và đi dạy học, người thì đang tiếp nối truyền thống hiếu học của gia đình.
|
Già làng K’Bung trên sân phơi lúa của gia đình |
Trở lại gia đình ông K’Bung lần thứ hai vào ngày chủ nhật, thế nhưng vẫn không gặp được vì ông phải đang lo thu hoạch lúa ở một mảnh ruộng cách nhà khá xa. Hiện, gia đình ông K’Bung có 1ha lúa nước và 3ha cà phê. Chị Njan Mích (con gái của Già làng K’Bung) nói: “Ngày mùa nên cả nhà đều bận rộn. Mấy anh chị em đang đi học và đi làm cũng tranh thủ ngày nghỉ để về phụ giúp bố mẹ!”. Chị Njan Mích là giáo viên dạy môn Lịch sử của Trường THCS Đinh Trang Hòa I (huyện Di Linh). Trước đây, chị Njan Mích theo học Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Sau đó, chị tiếp tục học liên thông lên đại học. Khi còn là sinh viên, chị rất năng nổ trong các hoạt động Đoàn của nhà trường nên đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen. Thành tích học tập xuất sắc cộng với sự năng nổ trong các hoạt động nên ra trường chị đã được nhận ngay về dạy học tại Trường THCS Đinh Trang Hòa I. Chị chia sẻ: “Học đúng ngành, ra trường được đi dạy đúng nghề ngay tại địa phương mình nên cũng có điều kiện để phụ giúp bố mẹ lo cho các em tiếp tục đi học”. Trước chị Njan Mích, chị Ka Mờn (chị gái của Njan Mích) cũng đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Hiện, chị đã lập gia đình và đi dạy tại Trường THCS Liên Đầm.
Trong căn nhà cấp 4 nhưng gọn gàng và ngăn nắp, nhiều bằng khen, giấy khen của ông K’Bung và các con treo khắp tường. Từ Bằng khen của UBND tỉnh về “Phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS” dành cho ông K’Bung đến Giấy khen về Gia đình hiếu học, Gia đình văn hóa, Giấy khen về thành tích học tập các loại của những người con của ông K’Bung. Trở về từ ruộng lúa, chưa kịp thay quần áo, Già làng K’Bung đã vui vẻ tiếp chuyện với chúng tôi. Trong suốt cuộc trò chuyện, lúc nào ông cũng cười - nụ cười hạnh phúc khi cuộc sống ổn định, các con đa phần đều nối nghiệp của cha. Ông nói vui: “Lo chạy cái học cho tụi nó mà bạc hết cái đầu!”. Nói rồi ông chỉ vào người con gái út Njan Dơs, hiện đang là sinh viên năm 2 Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh: “Không cho đi học đại học, nó khóc quá trời. Tôi nói với vợ thôi ráng thêm một chút để cho nó được đi học bằng các anh chị”. Tiếp lời bố, chị Njan Mích kể về em trai K’Bưnh: “Nó học khá lắm nhưng thi năm đầu không đậu. Thế là về nhà phụ bố mẹ làm vườn mất hai năm. Thấy nó ham học lắm, cứ muốn được đi học như các chị nên mình đã nói bố mẹ cho nó thi lại và đến nay đã là sinh viên năm 3 Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt”.
Ngoài anh và chị lớn phải “hy sinh” chuyện học hành để phụ bố mẹ lo cho các em, đến nay, cả 5 người con còn lại của ông K’Bung đều đã và đang theo học tại các trường đại học và cao đẳng; trong đó, có 3 người theo nghề dạy học của bố. Bản thân ông K’Bung cũng có một thời gian dài đi dạy học (từ năm 1966 đến 1980). Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, con cái lại đông, nên ông không tiếp tục việc dạy học mà về làm vườn để có điều kiện lo cho các con. Dù đông con, nhưng ông luôn nỗ lực lo cho con cái ăn học nên ông được bà con trong buôn Tô K’Lăn tín nhiệm bầu làm trưởng thôn (từ năm 1986 đến 2003), Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn (từ 2003 đến nay) và tổ trưởng Tổ Già làng của xã Đinh Trang Hòa. Dù năm nay đã 68 tuổi, nhưng ông vẫn rất nhiệt tình trong công việc. Trong cương vị nào, ông cũng luôn phối hợp với thôn, với chi bộ thôn để vận động bà con làm kinh tế gia đình và thực hiện nếp sống mới. Ông chia sẻ: “Muốn bà con tin và nghe theo thì mình phải làm trước và làm tốt mọi việc. Để vận động bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc chè, cà phê và lúa nước thì mình phải tìm hiểu và áp dụng trước. Muốn bà con không còn áp dụng các hủ tục trong cúng bái, ma chay hay tảo hôn, thách cưới… thì gia đình mình cũng phải làm trước. Nhờ đó mà hiện tại tình hình trong buôn rất ổn định. Đời sống của người dân ngày càng ổn định”.
Buôn Tô K’Lăn hiện nay được đổi tên thành thôn 1A. Toàn thôn có gần 220 hộ dân, chủ yếu là đồng bào DTTS. Đến nay, trong thôn chỉ còn 19 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo. Ông Hàng Dờng Bồnh, Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Hòa, cho biết: “Nhờ có sự đóng góp của Già làng K’Bung mà đời sống của bà con trong thôn 1A ngày càng ổn định. Với cương vị là Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, ông đã vận động bà con tu sửa đường liên thôn, đường vào vùng sản xuất. Ông cũng đóng góp rất lớn trong việc vận động học sinh bỏ học trở lại trường và cảm hóa thanh niên hư hỏng trong thôn. Ông vận động bà con bỏ những hủ tục, phát huy những phong tục truyền thống của dân tộc như cồng chiêng”. Giữ gìn những truyền thống văn hóa của dân tộc cũng là điều trăn trở của Già làng K’Bung. Bởi lẽ, theo ông, văn hóa truyền thống chính là “ngọn lửa” kết nối truyền thống của cộng đồng dân tộc. Ngoài giữ “lửa” truyền thống, ông còn “truyền lửa” cho bà con trong thôn cùng phấn đấu, phát triển đời sống vật chất và tinh thần. Ông trăn trở: “Thôn 1A đã được công nhận là thôn văn hóa nhiều năm liền, nhưng từ khi tách thôn đến nay vẫn chưa xây được nhà văn hóa. Nếu có nhà văn hóa, mình có thêm điều kiện để tập hợp con cháu để truyền dạy cồng chiêng cho chúng nó”.
ĐÔNG ANH