Chính phủ đã xác định cụ thể 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên để nâng cao vai trò, trách nhiệm nòng cốt của tổ chức Hội trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và phong trào nông dân, các cấp Hội cần làm cho cán bộ, hội viên, nông dân nhận thức sâu sắc ý nghĩa và nội dung cơ bản
Mục đích cuối cùng của công cuộc xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân nông thôn. Để thực hiện mục tiêu đó, Chính phủ đã xác định cụ thể 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên để nâng cao vai trò, trách nhiệm nòng cốt của tổ chức Hội trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và phong trào nông dân, các cấp Hội cần làm cho cán bộ, hội viên, nông dân nhận thức sâu sắc ý nghĩa và nội dung cơ bản sau:
|
Thu hoạch khoai tây của bà con nông dân Đà Lạt. Ảnh: Thanh Toàn |
Một là vận động nông dân hăng hái tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, xem đây là tiền đề, là khâu đột phá của công cuộc xây dựng nông thôn mới để nông thôn có được kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại.
Hai là động viên, hỗ trợ để nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, đây là nội dung căn bản, gốc rễ của xây dựng nông thôn mới, đòi hỏi các cấp Hội phải đẩy mạnh phong trào “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trong thời kỳ mới. Hướng trọng tâm của phong trào trước hết là tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, góp phần sớm đưa trình độ sản xuất của nông dân ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực, có đủ bản lĩnh chính trị làm chủ nông thôn mới theo yêu cầu Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chủ động, tích cực phối hợp các ngành tổ chức các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… thông qua việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, xây dựng mô hình, điểm trình diễn để nông dân tham quan học tập, tổ chức chuyển giao và giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các công nghệ tiên tiến. Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư, máy móc nông nghiệp… để giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất - kinh doanh, góp phần đáp ứng lợi ích thiết thực cho hội viên, đây cũng chính là một nội dung cơ bản trong đổi mới nội dung và phương thức của Hội, là động lực của phong trào nông dân. Tích cực vận động và tham gia tổ chức các hình thức sản xuất hợp lý ở nông thôn, hình thành các câu lạc bộ nghề nghiệp, các nhóm sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã; phát triển kinh tế trang trại, gia trại, các liên minh sản xuất kết nối 4 nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông… tạo tiền đề và cơ sở để phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao để trụ được và tạo ưu thế cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước trước thách thức của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.
Ba là vận động, tổ chức nông dân tham gia các hoạt động văn hóa - xã hội để nâng cao đời sống tinh thần, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, tích cực thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác”, tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” để nâng cao trình độ chính trị, ý thức giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị để làm chủ nông thôn mới.
Trần Duy Việt - Tỉnh ủy viên, Ủy viên BCHTW Hội Nông dân Việt Nam
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng