"Lâm Đồng đã phát huy tốt lợi thế so sánh tạo nền tảng để phát triển cao hơn trong hai năm cuối nhiệm kỳ IX"

02:01, 30/01/2014

Năm 2013 là năm còn gặp nhiều khó khăn, song Lâm Ðồng vẫn giữ được nhịp điệu phát triển tương đối toàn diện trong năm "bản lề" thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ IX...

LTS: Năm 2013 là năm còn gặp nhiều khó khăn, song Lâm Ðồng vẫn giữ được nhịp điệu phát triển tương đối toàn diện trong năm “bản lề” thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ IX. Qua đó, tạo những điều kiện thuận lợi, nền tảng để Lâm Ðồng phát triển cao hơn trong hai năm cuối nhiệm kỳ. Ðánh giá tổng quát về 3 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ IX (2011 - 2013) trên cơ sở đó đề ra quyết tâm chính trị cao trong thời gian tới, đồng chí Huỳnh Ðức Hòa - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh đã có cuộc trao đổi với Báo Lâm Ðồng nhân dịp đầu Xuân Giáp Ngọ 2014.
 
Đ/c Huỳnh Đức Hòa - Bí thư Tỉnh ủy dự Lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Trần Phú (Đà Lạt). Ảnh: VĂN BÁU
Đ/c Huỳnh Đức Hòa - Bí thư Tỉnh ủy dự Lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT Trần Phú (Đà Lạt). Ảnh: VĂN BÁU
 
PV: Thưa Bí thư Tỉnh ủy, thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ IX qua 3 năm (2011 - 2013) trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và đất nước gặp nhiều khó khăn… nhưng với quyết tâm chính trị cao, Ðảng bộ tỉnh nhà đã lãnh đạo địa phương tiếp tục phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Xin Bí thư Tỉnh ủy cho biết một số kết quả tiêu biểu? 
 
BÍ THƯ TỈNH ỦY: Chúng ta đều nhận thấy, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, ở trong nước, trong tỉnh ngoài những mặt thuận lợi cơ bản, cũng gặp không ít khó khăn. Song, với tinh thần nỗ lực phấn đấu và quyết tâm cao của Ðảng bộ và nhân dân trong tỉnh, kế thừa thành quả của nhiệm kỳ trước, việc thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2011 - 2015 được triển khai với tinh thần quyết tâm cao, nên 3 năm qua, Lâm Ðồng đã đạt được kết quả khá toàn diện trên các mặt.
 
Ðiều này thể hiện: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 13,9%/năm (NQ đề ra tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 15-16%). Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy tăng 8,9% (NQ 7,8 - 8,3%); công nghiệp - xây dựng tăng 19,7% (NQ 22,5 - 24,1%); dịch vụ tăng 17,9% (NQ 19 - 20%). Cơ cấu kinh tế: năm 2013 tỷ trọng nông, lâm, thủy 42,1%, công nghiệp - xây dựng 23,2%, dịch vụ 34,7% (NQ đến năm 2015 đạt tương ứng 36,8 - 37%, 26,8 - 28%, 35,2 - 35,8%). GDP bình quân đầu người đến năm 2013 đạt 38,4 triệu đồng (NQ đến 2015 đạt 44,5 - 46,2 triệu đồng), tăng 84,1% so với năm 2010, bình quân 2011 - 2013 tăng 22,6%/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước 13.489 tỷ đồng (NQ: tổng thu ngân sách 5 năm 29.800 - 30.500 tỷ đồng), đạt 45,3% kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015; tốc độ tăng thu bình quân 13,1%; tỷ lệ huy động của năm 2013 đạt 10,4% GDP (NQ: tỷ lệ thu ngân sách so với GDP đạt từ 13,8 - 14,3%). Tổng mức đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 41.431 tỷ đồng, bằng 49,3% kế hoạch… Tổng kim ngạch xuất khẩu 3 năm đạt 823 triệu USD (NQ 5 năm 2011 - 2015 là 2.860 triệu USD), bằng 28,8%, tốc độ tăng bình quân 7,1%/năm. 
 
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng đã đạt nhiều kết quả khả quan: Toàn tỉnh tạo việc làm mới hàng năm cho gần 30.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2013 đạt 44% (NQ 35 - 40%). Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 93 - 99%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên  còn 1,3%, quy mô dân số khoảng 1.249,86 nghìn người. Hộ nghèo toàn tỉnh còn khoảng 12.600 hộ, chiếm tỷ lệ 4,3%, giảm bình quân 2 - 3%/năm (NQ đến năm 2015 còn 2%); trong đó hộ đồng bào dân tộc còn khoảng 6.300 hộ, chiếm tỷ lệ 10,1% (giảm bình quân 6 - 7%/năm, NQ đến 2015 còn 8%). 100% cụm xã có phòng khám khu vực, 100% xã có trạm y tế, 99% trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 14,4%. Có 32,4% xã, phường, thị trấn; 70% thôn, tổ dân phố và 91% cơ quan đạt danh hiệu văn hóa; 84% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Ðã quan tâm dành nhiều nguồn lực giải quyết các vấn đề về phúc lợi, an sinh xã hội, chăm sóc các đối tượng chính sách và gia đình có công với cách mạng...; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.
 
Công tác xây dựng Ðảng, đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị được chú trọng; đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính trị. Chỉ đạo thực hiện tương đối đồng bộ các giải pháp về công tác tư tưởng, công tác tổ chức bộ máy và cán bộ, công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, công tác đảng viên, công tác dân vận của Ðảng. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Ðảng và kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên. Chú trọng chỉ đạo nâng cao chất lượng thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá XI) “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay”; chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với hệ thống chính trị gắn với cải cách hành chính. Công tác phát triển đảng viên mới gắn với xoá thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức đảng, đảng viên đã được các cấp ủy quan tâm và tập trung chỉ đạo có hiệu quả; trong ba năm, toàn Ðảng bộ đã kết nạp 5.457 đảng viên mới, đạt 104% so với chỉ tiêu Nghị quyết đại hội.
 
Nhìn chung trong 3 năm qua, Lâm Ðồng đã giữ vững sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. 
 
PV: Là một tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vậy Bí thư có thể cho biết bước phát triển của ngành nông - lâm - thủy tỉnh nhà?
 
BÍ THƯ TỈNH ỦY: Trong các lĩnh vực, ngành nông - lâm - thủy phát triển ổn định, giá trị sản xuất tăng bình quân 8,9%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với chất lượng sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú, trình độ canh tác sản xuất nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc, chất lượng sản phẩm nông nghiệp được cải thiện theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm. Ðã hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày, vùng rau, hoa, cây ăn quả, cao su theo hướng an toàn, chất lượng và công nghệ cao. Giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích tăng từ 79,7 triệu đồng/ha năm 2010 lên khoảng 119,2 triệu đồng/ha năm 2012, ước năm 2013 đạt 122,2 triệu đồng/ha, tăng 53,3% so với năm 2010. Trong nông nghiệp, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như kinh tế trang trại, nông - lâm kết hợp, gắn sản xuất với công nghệ sau thu hoạch, gắn sản xuất với chế biến xuất khẩu. Chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển ổn định; công tác phòng chống dịch bệnh được quan tâm nên hạn chế được thiệt hại do các loại bệnh nguy hiểm. Lâm nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng giảm khai thác rừng tự nhiên, tăng cường quản lý bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh để nâng cao chất lượng rừng và trồng rừng kinh tế. Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã nâng thu nhập, nâng cao đời sống và trách nhiệm của người dân tham gia quản lý bảo vệ rừng. 
 
PV: Thời gian qua, Ðảng bộ rất quan tâm đến thực hiện  5 khâu đột phá, 4 địa bàn trọng điểm, 16 công trình trọng điểm - vậy tiến độ và kết quả thực hiện như thế nào, thưa Bí thư?
 
Một vài chỉ tiêu cơ bản phấn đấu đến năm 2015
 
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 14,5 - 15%/năm;
Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 26,8%/năm;
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng 42,669 triệu đồng, đạt 33 - 34,5% GDP;
GDP bình quân đầu người khoảng 53,3 - 53,8 triệu đồng;
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 2 năm 16.311 tỷ đồng; 
Thu hút lượng khách đến tăng bình quân hàng năm 10 - 11%, đến năm 2015 đạt 5 - 5,2 triệu lượt khách (khách quốc tế chiếm 10%);
Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5 - 2%/năm (hộ đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4 - 5%/năm);
Có ít nhất 30% số xã đạt các tiêu chí về nông thôn mới. 
 
BÍ THƯ TỈNH ỦY: Có thể khẳng định thực hiện 5 khâu đột phá đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Nông nghiệp, nông thôn và nông dân được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nông nghiệp công nghệ cao được chú trọng. Chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai rộng khắp và đạt nhiều kết quả quan trọng, huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia. Ðến nay, toàn tỉnh có 12 xã đạt trên 15 tiêu chí, 42 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 63 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí. Ngoài xã Tân Hội được công nhận hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, đến cuối năm 2013, có thêm 3 xã lập thủ tục công nhận hoàn thành 19 tiêu chí (xã Xuân Trường - Ðà Lạt; xã Lạc Lâm, Quảng Lập - Ðơn Dương). Huyện Ðơn Dương đăng ký hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2015, như vậy không chỉ là huyện đầu tiên của tỉnh mà là của cả nước xây dựng thành công nông thôn mới vào năm 2015. Trên lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến hồi phục và có bước phát triển. Dịch vụ, du lịch nhiều chuyển biến, lượng khách du lịch đến Lâm Ðồng tăng nhanh qua các năm, dịch vụ tăng trưởng khá. Hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hệ thống giao thông, thủy lợi, hạ tầng đô thị được nâng cấp. Một số công trình giao thông quy mô như QL 20, 27, 28; đường tỉnh ÐT 721, 722, 725 và một phần đường Trường Sơn Ðông được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, bước đầu tạo được mạng lưới giao thông huyết mạch tương đối đồng bộ. Tỉnh cũng chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập kinh tế của địa phương. 
 
Về thực hiện 16 công trình trọng điểm, trong 3 năm qua, tỉnh đã tập trung đầu tư bằng vốn ngân sách và kêu gọi đầu tư đối với một số công trình như: Khu công nghiệp Lộc Sơn, Khu công nghiệp Phú Hội, Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm, Quảng trường thành phố Ðà Lạt, Thủy điện Ðồng Nai 5, trụ sở các cơ quan hành chính tỉnh… bước đầu góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Một số công trình chưa khởi công được do khó khăn về nguồn vốn như thủy lợi Ðạ Sị, Ðạ Lây, Khu du lịch Ðan Kia - Ðà Lạt, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đường vành đai thành phố Ðà Lạt, đường vành đai thành phố Bảo Lộc… hiện tỉnh đang tích cực tranh thủ nguồn vốn đầu tư và kêu gọi đầu tư vào các công trình này.
 
Kinh tế - xã hội các địa bàn trọng điểm của tỉnh như: thành phố Ðà Lạt, thành phố Bảo Lộc, huyện Ðức Trọng, huyện Bảo Lâm đã được chú trọng đầu tư và có vai trò quan trọng, định hướng, góp phần tích cực trong việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
PV: Thưa Bí thư Tỉnh ủy, qua 3 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ IX, tình hình chung của tỉnh đã phát triển theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, trước những khó khăn chung của cả nước, tỉnh ta không tránh khỏi những hạn chế, yếu kém do nguyên nhân khách quan và chủ quan. Vậy Ðảng bộ sẽ phải khắc phục những vấn đề gì để tỉnh nhà tiếp tục phát triển cao hơn và khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của mình?
 
BÍ THƯ TỈNH ỦY: Chúng ta cần nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém để có giải pháp khắc phục. Ðó là:
 
- Kinh tế của tỉnh phát triển chưa bền vững; một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng còn đạt thấp so với kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh vẫn còn mang tính nhỏ lẻ. Công nghiệp chế biến chưa gắn với sản xuất nông nghiệp và tạo động lực cho nông nghiệp phát triển. Du lịch và dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; một số danh lam thắng cảnh bị xuống cấp, các khu vui chơi, giải trí và dịch vụ du lịch chậm đổi mới và bổ sung các loại hình mới nên sản phẩm du lịch nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu của du khách. 
 
Hạ tầng kinh tế - xã hội ở một số nơi xuống cấp, giao thông đối ngoại còn nhiều khó khăn. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư còn nhiều hạn chế. Khả năng tích lũy và tái đầu tư của nền kinh tế còn thấp, nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế - xã hội còn thiếu, nguồn vốn không đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển. Quản lý, bảo vệ rừng, tài nguyên khoáng sản tuy có cố gắng, song hiệu quả chưa cao, một số nơi rừng tiếp tục bị tàn phá. Thu nhập bình quân đầu người ở một số vùng còn rất thấp; đời sống một bộ phận dân cư còn khó khăn; nhận thức và phương thức thực hiện xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo giữa các địa phương, cơ sở còn khác nhau. 
 
- An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định. Tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng.
 
 - Công tác xây dựng Ðảng, xây dựng đội ngũ cán bộ ở một số cơ sở chưa được quan tâm đúng mức; chất lượng sinh hoạt chưa cao. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cải cách hành chính trong các cơ quan nhà nước, trong cơ quan Ðảng hiệu quả chưa cao. Việc “làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thiết thực, hiệu quả và chưa gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay” ở một số cơ quan, đơn vị còn lúng túng; nội dung, lộ trình khắc phục chưa rõ ràng, kết quả chưa cao.
 
Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Đức Hòa trao tặng Bằng khen cho các điển hình tiên tiến trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013. Ảnh: VĂN BÁU
Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Đức Hòa trao tặng Bằng khen cho các điển hình tiên tiến trong Học tập và làm theo
tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013. Ảnh: VĂN BÁU
 
PV: Thưa Bí thư! Ðể nền kinh tế - xã hội Lâm Ðồng thực sự khởi sắc, hoàn thành những chỉ tiêu cơ bản mà Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ IX đã đề ra, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững, toàn Ðảng bộ phải tập trung cho những giải pháp trọng tâm nào?
 
BÍ THƯ TỈNH ỦY: Phát huy những kết quả quan trọng đạt được và khắc phục những hạn chế yếu kém để tiếp tục phấn đấu hoàn thành Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ IX, trong nhiệm vụ năm 2014 và 2015, Tỉnh ủy đã đề ra 9 giải pháp quan trọng: 
 
1. Trước hết, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy sức mạnh toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ thuận lợi, phấn đấu thực hiện có kết quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ còn lại của nhiệm kỳ, đưa kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.
 
2. Chỉ đạo và tổ chức sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về 5 khâu đột phá, 4 địa bàn trọng điểm, việc triển khai thực hiện 16 công trình trọng điểm; các nghị quyết chuyên đề, các chương trình, đề án lớn, như: nghị quyết về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo, đề án về đổi mới công tác thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2011 - 2015… để đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, khuyết điểm, từ đó xác định biện pháp tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả hơn. 
 
Triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Kết luận các Hội nghị Trung ương khóa XI và các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết của Trung ương.
 
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; nhất là về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị...
 
Triển khai thực hiện Ðề án cơ chế đặc thù đối với thành phố Ðà Lạt sau khi được Trung ương phê duyệt.
 
3. Quan tâm chỉ đạo quảng bá về du lịch, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu hàng hóa. Thường xuyên rà soát, kiểm tra các dự án đầu tư, tạo điều kiện hỗ trợ về các mặt đối với các dự án triển khai thực hiện tốt, đồng thời xử lý các dự án không tích cực triển khai thực hiện, để đất đai, tài nguyên rừng bị lấn chiếm, tàn phá. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh duy trì ổn định sản xuất kinh doanh và từng bước phát triển.
 
4. Tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa - xã hội, trước hết là lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, thể thao; thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, chương trình hỗ trợ giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, các chính sách xã hội, chính sách đối với người có công với nước và các đối tượng chính sách xã hội khác... 
 
5. Tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về đảm bảo quốc phòng, an ninh. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; tiếp tục thực hiện Nghị quyết 09/NQ-CP của Chính phủ và chương trình quốc gia phòng chống tội phạm; phấn đấu kiềm chế và làm giảm... đến mức thấp nhất các loại tội phạm, giảm tai nạn giao thông; thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh đối với những vụ việc vi phạm. Tập trung chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở, tăng cường công tác đối thoại, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh và đơn thư vượt cấp.
 
6. Triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh về công tác xây dựng Ðảng. Tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03 -CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay” nhằm củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên; chú trọng công tác phát triển đảng viên mới. 
 
7. Tiếp tục thực hiện đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan hành chính nhà nước, cải cách hành chính trong Ðảng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư và sản xuất phát triển tốt hơn. 
 
8. Chăm lo công tác vận động quần chúng, quan tâm củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin, báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận xã hội, huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước.
 
 9. Ðẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, kịp thời động viên, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác, trong lao động sản xuất; thường xuyên phát động các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ được giao, làm cho phong trào thi đua thật sự trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị, toàn dân.
 
Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ IX; theo tôi, Lâm Ðồng đang có những điều kiện thuận lợi để phát triển tốt hơn trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ, khả năng nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt kế hoạch. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là toàn Ðảng bộ phải thể hiện cao ý chí chính trị, tinh thần tiến công với quyết tâm cao. Trong lãnh đạo, điều hành phải nhạy bén, năng động, phát hiện sớm những vấn đề phát sinh, giải quyết ngay từ đầu, không để lúng túng, bị động, để cùng với toàn Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra; đồng thời, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội lần thứ XI của Ðảng.
 
PV: Xin cảm ơn Bí thư Tỉnh ủy về cuộc phỏng vấn và tin rằng Ðảng bộ tỉnh nhà tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong năm 2014 cũng như trong cả nhiệm kỳ IX! 
 
NGUYỄN THANH (Thực hiện)