Hội nghị toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp

04:01, 09/01/2014

Ngày 8/1, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày 8/1, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Về phía điểm cầu Lâm Đồng, đồng chí Hoàng Sĩ Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì, cùng đại diện các sở, ban, ngành và các cơ quan trên địa bàn tỉnh tham dự hội nghị. 
 
 Toàn cảnh hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Hiến pháp ở điểm cầu Lâm Đồng
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Hiến pháp ở điểm cầu Lâm Đồng
 
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh việc triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai thi hành Hiến pháp. Để Hiến pháp được triển khai hiệu quả, chặt chẽ và nghiêm túc, các nội dung phải thực hiện là công tác tuyên truyền phổ biến và rà soát, sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản pháp luật phù hợp với Hiến pháp. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần tổ chức các hội nghị triển khai thi hành, tuyên truyền giới thiệu phổ biến, ý nghĩa nội dung Hiến pháp; tập huấn báo cáo viên tuyên truyền viên về Hiến pháp; rà soát toàn diện, đồng bộ các văn bản pháp luật do các cơ quan Trung ương, địa phương ban hành để phát hiện những quy định trái với Hiến pháp; ưu tiên sửa đổi ban hành mới các văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước và các thiết chế khác trong hệ thống chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân...
 
Thời gian thực hiện các nội dung này từ đầu năm 2014 và các năm tiếp theo. Việc triển khai thi hành Hiến pháp có ý nghĩa quan trọng, nhằm hiện thực hóa các quy định của Hiến pháp vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; nâng cao nhận thức của tầng lớp nhân dân, cán bộ, công nhân viên chức về Hiến pháp, ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành và bảo vệ Hiến pháp. Bên cạnh đó, việc thi hành Hiến pháp nhằm đảm bảo các quy định của Hiến pháp được tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, tạo động lực thực hiện công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
 
So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều), với nhiều điểm mới, ưu việt, phù hợp với thực tiễn và được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014.
 
Thụy Trang