Mùa xuân năm Canh Ngọ 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời! 84 năm đã qua, Đảng vĩ đại, anh hùng, đã gắn bó với nhân dân ta làm nên mùa xuân đất nước. 84 năm dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Việt Nam đã viết vào lịch sử dân tộc những trang hào hùng nhất, rực rỡ nhất của thời đại Hồ Chí Minh...
Mùa xuân năm Canh Ngọ 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời! 84 năm đã qua, Đảng vĩ đại, anh hùng, đã gắn bó với nhân dân ta làm nên mùa xuân đất nước. 84 năm dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Việt Nam đã viết vào lịch sử dân tộc những trang hào hùng nhất, rực rỡ nhất của thời đại Hồ Chí Minh. Trong cuộc hành quân thế kỷ ấy, nhân dân ta đã phải trải qua 30 năm chiến đấu gian khổ, đánh thắng những kẻ thù xâm lược lớn mạnh hơn mình, để hôm nay đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội và hòa nhập cùng thế giới.
|
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 6/1 đến 7/2/1930 (tranh vẽ) |
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người Cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Ðảng ta thật là vĩ đại... Ðảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Ðảng ta không có lợi ích nào khác”.
Ðảng Cộng sản Việt Nam là Ðảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Ðảng của dân tộc Việt Nam. Ðảng là trí tuệ, là phẩm chất của dân tộc, kế thừa tinh hoa của hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta.
Sức mạnh của Ðảng, chính là sự đại đoàn kết toàn dân, là sự gắn bó máu thịt với nhân dân. Bác Hồ đã nói: “Nhiệm vụ của Ðảng ta có thể nói gọn trong 8 chữ: Ðoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói: “Ðảng ta là đạo đức, là văn minh”. Và chính Người là đỉnh cao của đạo đức và văn minh đó. Người là hình ảnh tuyệt đẹp về mối liên hệ thân thiết, gắn bó giữa lãnh tụ với nhân dân, và Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên ta phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhân dân.
Chưa ở đâu mà tình cảm giữa lãnh tụ của Ðảng với quần chúng lại thân thiết, gần gũi và được kính trọng, tin tưởng như Hồ Chủ tịch với nhân dân ta. Một nhà văn nước ngoài đã viết: “Bác Hồ - cách xưng hô quen thuộc của Việt Nam, chứa đựng cả sự kính trọng sâu sắc và sự ngưỡng mộ của cả một dân tộc. Không có một từ nào có thể diễn tả được một cách trong sáng và đẹp đẽ như hai tiếng đó!”.
Hồ Chủ tịch nói: “Ðảng ta là một Ðảng tiên phong, anh dũng. Ðể làm tròn nhiệm vụ nặng nề mà vẻ vang của Ðảng thì toàn thể cán bộ và đảng viên từ trên đến dưới, bất kỳ ở địa vị nào, làm công việc gì, đều phải: Quyết tâm thực hiện đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, quyết tâm tẩy bỏ cho kỳ hết bệnh quan liệu, tham ô, lãng phí”.
Người nói thế, và suốt đời Người luôn luôn gương mẫu làm đúng, làm hơn cả những điều mình nói.
Ðảng ta thành lập đúng vào ngày 5 Tết, mùa Xuân Canh Ngọ năm 1930! Ðảng ra đời đúng vào mùa Xuân. Và Ðảng đã cùng với nhân dân làm nên mùa Xuân đất nước. Lúc thành lập Ðảng, Bác của chúng ta vừa tròn 40 tuổi. Nhà thơ Tố Hữu đã viết:
“Bác về kia! Ðảng đã ra đời
Trải mấy phong trần tuổi bốn mươi
Tay Bác cầm tay đồng chí trẻ
Tiến lên! Thời đại giục chân người...”.
Trên con đường cách mạng đầy gian khổ và hy sinh ấy, Bác Hồ đã viết: Ðảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững, thuyền mới chạy đúng hướng. Trong mỗi bước gian lao đó, có Ðảng sáng suốt dẫn đường, dân tộc ta đã đoàn kết tiến lên giành thắng lợi.
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự nghiệp đổi mới của đất nước ta đã được đẩy mạnh trên mọi lĩnh vực. Việt Nam đã hội nhập với thế giới, trong nước thì chính trị, xã hội ổn định, kinh tế phát triển, an sinh xã hội được chăm lo, quốc phòng và an ninh được tăng cường, chủ quyền và lãnh thổ được giữ vững.
Mùa xuân này, mỗi người Việt Nam trong cuộc sống mới của mình, ai cũng có thể trực tiếp cảm nhận thấy những gì mà Ðảng đã đem lại cho gia đình mình, quê hương mình, đất nước mình, và cho mỗi người chúng ta.
Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:
“Ngày biết Ðảng, mắt ta còn ngơ ngác
Mà nay dưới chân mình,
một thế giới đã đi qua
Ai ngờ ngọn cờ búa liềm trên những cành đa
Màu son ấy thổi dậy hồn non nước
Rồi ta sống những năm dài hạnh phúc
Mà trống đồng nhịp với giọng thơ ta!”.
Song cách mạng không phải chỉ là những ngày hội, cách mạng còn là sự phấn đấu, hy sinh gian khổ. Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, sau tên Nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi rõ ba tiêu chí quan trọng: Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc.
Có lẽ đó là những tiếng Tự do - Hạnh phúc lần đầu tiên người dân Việt Nam được nghe một cách công khai, được hô to từ lồng ngực khát khao hạnh phúc mà hàng trăm năm qua ông cha họ, và chính họ nữa, đã bị chế độ phong kiến, thực dân đè nén, bóc lột.
Ðộc lập chỉ có ý nghĩa khi đi liền với Tự do, Hạnh phúc, và Bác Hồ nói: “Nếu nước độc lập mà người dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Mỗi lần nói đến nhân dân, là Bác nói đến vấn đề chăm lo cho đời sống của nhân dân.
Bác không nói đến những lý luận cao xa về chủ nghĩa xã hội, mà Bác nói một cách giản dị, dễ hiểu:
“Nói một cách tóm tắt, mộc mạc thì chủ nghĩa xã hội trước hết là làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một cuộc đời hạnh phúc”.
“Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, người già không lao động được thì được nghỉ ngơi...”.
Ðáng chú ý là trong hai câu nói ngắn gọn về chủ nghĩa xã hội này của Bác, đã có những từ: Một cuộc đời hạnh phúc... ngày càng sung sướng. Nghĩa là, theo Bác chủ nghĩa xã hội phải đem đến cho nhân dân một cuộc sống vật chất ngày càng tăng và tinh thần ngày càng tốt.
Bác Hồ chỉ rõ: Bệnh quan liêu, xa dân, không tôn trọng nhân dân là nguy cơ của một Ðảng cầm quyền. Hiện nay, nhiều nơi cán bộ còn cửa quyền, ngại tiếp xúc với dân, thiếu quan tâm đến cuộc sống của người dân, không tuyên truyền, giáo dục, động viên... mà chỉ thiên về mệnh lệnh. Thậm chí có nơi còn có hành động đi ngược lại lợi ích của đa số nhân dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Cán bộ lãnh đạo đến địa phương thì nhiều, nhưng chỉ gặp cán bộ lãnh đạo còn gặp dân thì ít, không tìm hiểu được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng. Những vấn đề đi học, chữa bệnh... còn là nỗi lo lắng của nhân dân. Nạn suy thoái đạo đức, lối sống, nạn tham nhũng, hối lộ, lãng phí... làm mất niềm tin của nhân dân.
Khi nói về cán bộ, Bác viết:
“Cán bộ muốn xứng đáng thì phải được dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu thì cán bộ phải tự mình... siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng. Nếu không thực hành được 4 điều đó mà muốn được lòng dân thì cũng như bắc dây leo trời!”.
Tư tưởng vì nhân dân là một nội dung quan trọng trong tư tưởng cách mạng vĩ đại Hồ Chí Minh. Thật là cảm động khi chúng ta nghe Thủ tướng Phạm Văn Ðồng kể lại: Những ngày cuối đời, khi sắp sửa phải từ biệt chúng ta, một trong những điều day dứt của Bác là Ðảng ta phải làm sao nâng cao hơn nữa đời sống của nhân dân.
Nâng cao đời sống nhân dân, khoan thư sức dân, cũng chính là kế sâu rễ, bền gốc để giữ nước của ông cha ta.
Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:
“Ðảng ta là một Ðảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ, phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Trong đoạn văn ngắn này, Bác Hồ đã viết bốn chữ Thật: Thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Mùa Xuân này, đọc lại những lời căn dặn ấy của Bác, chúng ta càng thấm thía, và suy nghĩ về những chữ Thật ấy của Bác!
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng ta luôn tin tưởng ở nhân dân, và nhân dân cũng luôn luôn tin tưởng ở Ðảng và Bác Hồ. Lòng tin ấy được xây dựng từ một sự nghiệp lớn: Ðem lại Ðộc lập, Tự do cho dân tộc, thống nhất cho nước nhà, hạnh phúc cho nhân dân.
Song một nhà văn lớn đã nói: “Lịch sử không đơn thuần là chiếc cầu thang thuận tiện hướng thẳng tới tương lai. Và con đường của nhân loại ít khi chạy trên con đường bằng, mà thường là vắt qua những núi non hiểm trở”. Cách mạng Việt Nam cũng thế, cũng đã trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách.
Bác Hồ chỉ rõ:
“Ðảng ta là một đảng cách mạng, một đảng vì dân vì nước. Song Ðảng có rất đông đảng viên... Ðảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu. Vì tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó, còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ sẽ có hại đến Ðảng, có hại đến nhân dân”.
Và Bác lên án chủ nghĩa cá nhân. Bác viết: “Trong Ðảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được 4 chữ “Chí công vô tư” cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm như tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ,... bệnh kéo bè kéo cánh...”.
Việc thực hiện Nghị quyết 4 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI về xây dựng Ðảng đã đem lại kết quả bước đầu, tạo được niềm tin và sự hy vọng của nhân dân.
Song đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Ðây là công việc không đơn giản, dễ dàng, trái lại vô cùng khó khăn, phức tạp, thậm chí có thể nói là một cuộc đấu tranh gay go, gian khổ diễn ra ngay trong mỗi con người, mỗi tổ chức. Nó đòi hỏi toàn Ðảng phải có nỗ lực rất cao, mỗi cá nhân và tập thể phải quyết tâm rất lớn, phấn đấu bền bỉ, kiên trì với những biện pháp thật kiên quyết, tích cực”.
Việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, và công cuộc xây dựng chỉnh đốn Ðảng theo Nghị quyết 4 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI, càng làm cho chúng ta thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng và sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta.
Giờ đây, Mùa Xuân đang gõ cửa mọi nhà!
Nhân dân ta lại đang tưng bừng đón chào một Mùa Xuân mới, Mùa Xuân Giáp Ngọ 2014!
Những năm Ngọ trong lịch sử dân tộc thường để lại những dấu son chói lọi: Mùa Xuân Canh Ngọ năm 1930, Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo nhân dân ta giành Cách mạng Tháng Tám thắng lợi. Mùa Xuân Giáp Ngọ 1954, quân ta toàn thắng ở Ðiện Biên Phủ, mà báo chí nước ngoài đã viết: Một trận thắng lớn làm thay đổi thế giới.
Vượt qua những thách thức, khó khăn của năm cũ, Mùa Xuân Việt Nam - Mùa Xuân muôn đời của những ước mơ, hy vọng - hình như bao giờ cũng gắn liền với những sự kiện lớn lao, những ước mơ cao đẹp, mở ra những trang mới cho lịch sử nước nhà.
BÙI HẢI ANH