Thực hiện Công điện số 200/CĐ-TTg ngày 15/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung phòng, chống dịch cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người.
Thực hiện Công điện số 200/CĐ-TTg ngày 15/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung phòng, chống dịch cúm gia cầm và các chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người.
Trước tình hình dịch cúm A (H5N1) và cúm A (H7N9) đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương lân cận tỉnh Lâm Đồng đã phát sinh ổ dịch và có nguy cơ bùng phát thành dịch; đặc biệt nguy hiểm là vi rút cúm A (H7N9) không gây biểu hiện lâm sàng trên gia cầm, không có vắc xin phòng bệnh và tỷ lệ người bệnh nhiễm cúm tử vong cao. Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe của cộng đồng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
•
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 179/UBND-NN ngày 13/1/2014 và tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
a.
Chủ trì, phối hợp Sở Y tế xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng vi rút gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trình UBND tỉnh trước ngày 25/2/2014.
b.
Triển khai ngay Kế hoạch tiêu độc khử trùng đợt 1, đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 187/QĐ-UBND ngày 23/1/2014, hoàn thành trong tháng 2/2014.
c.
Tổ chức tiêm phòng vắc xin đợt 1 cho đàn thủy cầm trên địa bàn toàn tỉnh xong trước 15/4/2014, riêng đối với huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà tổ chức tiêm phòng vắc xin cho toàn bộ đàn gia cầm và thủy cầm, hoàn thành trước ngày 15/3/2014.
d.
Tăng cường hoạt động của các trạm kiểm dịch động vật trên các trục giao thông vào tỉnh như Quốc lộ 20, 27, 28, 55, tỉnh lộ 723, đường Lương Sơn - Đại Ninh; quản lý chặt chẽ các phương tiện vận chuyển gia cầm, sản phẩm từ gia cầm ra vào tỉnh; đối với gia cầm, sản phẩm gia cầm vận chuyển vào tỉnh không rõ nguồn gốc, tiến hành tiêu hủy theo quy định.
đ. Chuẩn bị đủ thuốc sát trùng, vắc xin, các thiết bị và phương tiện cho công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm để ứng phó kịp thời nếu phát sinh ổ dịch trên địa bàn; tham mưu UBND tỉnh báo cáo Trung ương hỗ trợ vắc xin và thuốc sát trùng để thực hiện công tác phòng chống dịch.
e.
Tăng cường công tác lấy mẫu, giám sát dịch tễ phát hiện vi rút cúm A (H7N9) và các vi rút cúm gia cầm khác để có biện pháp xử lý kịp thời.
g.
Định kỳ hàng tuần báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý kịp thời.
Cùng với giao nhiệm vụ cho các ngành y tế, công an, thông tin - truyền thông, Công điện của UBND tỉnh còn yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện và thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc:
a.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng để người dân chủ động, tích cực tham gia cùng với chính quyền trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, phát hiện từ cơ sở các trường hợp gia cầm chết; vận chuyển, tiêu thụ gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y, công khai thông tin về tình hình dịch bệnh để người dân không hoang mang, giấu dịch, bán chạy gia cầm gây nguy cơ bùng phát dịch.
b.
Phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thú y để triển khai áp dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ phòng chống dịch, trong đó ưu tiên thực hiện công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng đối với các khu vực chợ buôn bán gia cầm sống, các cơ sở giết mổ, các khu vực phát sinh ổ dịch trong thời gian trước đây.
c.
Trong trường hợp phát sinh ổ dịch nghi nhiễm cúm gia cầm, chủ động bố trí ngân sách địa phương để thực hiện công tác phòng chống dịch, tiêu hủy gia cầm mắc bệnh và hỗ trợ kinh phí tiêu hủy cho người chăn nuôi theo quy định hiện hành; nếu ngân sách địa phương không đủ khả năng cân đối, báo cáo Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ để tổ chức thực hiện.
Yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc thực hiện nghiêm Công điện này.