Nỗ lực "xóa" chi bộ sinh hoạt ghép

03:02, 27/02/2014

Trong những năm qua, Đảng bộ xã Liên Đầm là một trong những tổ chức cơ sở Đảng đã làm tốt công tác phát triển đảng viên mới để "xóa" những chi bộ sinh hoạt ghép và nỗ lực củng cố, xây dựng các chi bộ trực thuộc đạt trong sạch vững mạnh (TSVM). 

Theo đánh giá của Huyện ủy Di Linh: Trong những năm qua, Đảng bộ xã Liên Đầm là một trong những tổ chức cơ sở Đảng đã làm tốt công tác phát triển đảng viên mới để “xóa” những chi bộ sinh hoạt ghép và nỗ lực củng cố, xây dựng các chi bộ trực thuộc đạt trong sạch vững mạnh (TSVM). 
 
Đảng bộ xã trao giấy khen cho những chi bộ đạt TSVM
Đảng bộ xã trao giấy khen cho những chi bộ đạt TSVM
 
Ông Nguyễn Đình Tuất - Bí thư Đảng bộ xã Liên Đầm, cho biết: “Vào đầu nhiệm kỳ 2011 - 2015, Đảng bộ xã có 13 chi bộ; trong đó, có 3 chi bộ (6 đơn vị) thôn, trường học sinh hoạt ghép. Do còn sinh hoạt ghép, nên có những hạn chế nhất định trong việc lãnh đạo, điều hành và tổ chức sinh hoạt Đảng. Do đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Đảng ủy xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ là phải tập trung cho công tác phát triển đảng viên mới để “xóa” thôn “trắng” đảng viên; tiếp tục tăng đủ “cơ số” đảng viên để thành lập chi bộ mới và tách các chi bộ sinh hoạt ghép”.
 
Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã, mặc dù nhiệm vụ đã được xác định, nhưng việc thực hiện không phải là dễ. Bởi vì ở vùng nông thôn, việc tìm nhân tố mới, tích cực để tạo “nguồn” và giúp đỡ họ phấn đấu trở thành đảng viên là cả một vấn đề còn có những bất cập, ngoại trừ trong đội ngũ giáo viên. Do vậy, Đảng ủy đã điều động một số đảng viên là cán bộ thuộc xã quản lý hoặc đảng viên có kinh nghiệm của một số chi bộ để tăng cường về các chi bộ sinh hoạt ghép và các chi bộ “thiếu tính bền vững” (số lượng đảng viên ít, đảng viên mới kết nạp chưa có kinh nghiệm) nhằm sâu sát cơ sở và trực tiếp lãnh đạo, điều hành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị và tạo “nguồn” để phát triển đảng viên mới. Đồng thời, Đảng ủy còn phân công các Đảng ủy viên phụ trách từng thôn; từng chi bộ phân công đảng viên giúp đỡ quần chúng ưu tú và chịu trách nhiệm với nhiệm vụ phát triển đảng viên được phân công.  
 
Với cách làm nói trên, sau khi tìm được “nguồn” (các tổ chức đoàn thể giới thiệu), trong 3 năm qua, Đảng ủy đã cử 50 quần chúng ưu tú đi học các lớp nhận thức về Đảng và đưa vào danh sách “Cảm tình Đảng”. Trong đó, Đảng bộ đã kết nạp được 26 đảng viên mới, đạt 86% so với kế hoạch của cả nhiệm kỳ 2011 - 2015, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ của nhiệm kỳ trước. Nhờ vậy, Đảng bộ đã tăng số lượng đảng viên lên 120 và “xóa” được 2 thôn “trắng” đảng viên (thôn 6 và thôn 1); “xóa” (tách) 3 chi bộ sinh hoạt ghép và thành lập 4 chi bộ mới. Như vậy, hiện nay Đảng bộ xã Liên Đầm có 17 chi bộ và tất cả các thôn, các trường học trong xã đều có chi bộ riêng. Mặt khác, Đảng bộ còn chú trọng đến việc củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng các tổ chức Đảng và đảng viên. Năm 2013, trong số 17 chi bộ trực thuộc, Đảng bộ xã Liên Đầm có 14 chi bộ đạt TSVM (trong đó, có 3 chi bộ TSVM tiêu biểu), 3 chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có chi bộ yếu kém. 
 
Thực hiện Chỉ thị 34 - CT/TW của Bộ Chính trị, trong 3 năm qua, Đảng ủy xã Liên Đầm đã quan tâm đến công tác phát triển đảng viên trong các trường học. Hiện nay, tỷ lệ đảng viên là giáo viên của xã chiếm 27,5% trong tổng số giáo viên, công nhân viên trong các trường học, cao hơn 4% so với tỷ lệ bình quân chung trong ngành Giáo dục huyện Di Linh. Ông Trần Văn Bình - Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ Trường Tiểu học Liên Đầm I, cho biết: “Nhờ tập trung củng cố, xây dựng và phát triển Đảng theo Chỉ thị 34, nên Chi bộ của Trường đạt TSVM tiêu biểu. Theo sự điều động của Đảng ủy, trong thời gian vừa qua, Chi bộ đã tăng cường 2 đảng viên sinh hoạt tại các đơn vị khác để làm nòng cốt cho công tác phát triển đảng viên và xây dựng tổ chức Đảng. Hai đảng viên này đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. 
 
Theo Bí thư Đảng bộ xã Liên Đầm, nhờ “xóa” được các chi bộ sinh hoạt ghép, nên Đảng bộ xã gặp thuận lợi hơn trong việc lãnh đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội tại địa phương. Nhờ vậy, đời sống của người dân trong xã ngày càng được cải thiện. Mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 19 triệu đồng (năm 2011) lên xấp xỉ 29 triệu đồng (năm 2013). Tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, hiện chỉ còn 8,5% (trong đó, đồng bào DTTS còn 11,4%).
 
XUÂN LONG