Thực tiễn cách mạng Việt Nam 84 năm qua khẳng định: Trình độ trí tuệ của Đảng là một trong những tiền đề cơ bản bảo đảm cho Đảng đề ra đường lối đúng đắn đáp ứng yêu cầu lịch sử trong suốt thời kỳ đấu tranh chống thực dân đế quốc giành chính quyền về tay nhân dân, cũng như khi cả nước bước vào sự nghiệp xây dựng đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới nhằm hướng tới mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam 84 năm qua khẳng định: Trình độ trí tuệ của Đảng là một trong những tiền đề cơ bản bảo đảm cho Đảng đề ra đường lối đúng đắn đáp ứng yêu cầu lịch sử trong suốt thời kỳ đấu tranh chống thực dân đế quốc giành chính quyền về tay nhân dân, cũng như khi cả nước bước vào sự nghiệp xây dựng đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới nhằm hướng tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Do vậy, không ngừng nâng cao trình độ trí tuệ của Đảng phải được xem là một nhiệm vụ cơ bản và cấp thiết hàng đầu trong xây dựng Đảng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, những thế hệ cán bộ, đảng viên chúng ta luôn có chỗ dựa tin cậy là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nâng cao năng lực và trình độ trí tuệ của Đảng.
1- Muốn nâng cao trình độ trí tuệ của Đảng, điều đòi hỏi đầu tiên là phải nâng cao trình độ trí tuệ của bản thân đội ngũ cán bộ, đảng viên. V.I. Lê-nin đã từng dạy rằng, người cộng sản phải biết làm giàu trí tuệ của mình bằng kho tàng tri thức của nhân loại. Trong kho tàng tri thức đó, Hồ Chí Minh nhấn mạnh trước hết đến sự cần thiết phải học tập và kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Ngay từ những năm đầu của thập niên 20 thế kỷ XX, khi giai cấp phong kiến Việt Nam ươn hèn đã đầu hàng thực dân đế quốc, giai cấp tư sản dân tộc non yếu chủ trương thỏa hiệp với thực dân đế quốc vì những lợi ích riêng của họ, tư tưởng của các tầng lớp tiểu tư sản đi vào bế tắc… thì chính Nguyễn Ái Quốc, với kinh nghiệm tích lũy sau nhiều năm thực tiễn hoạt động cách mạng đã sớm tìm ra được con đường duy nhất đúng để giải phóng dân tộc và quần chúng lao động khỏi ách nô lệ thực dân đế quốc - con đường cách mạng vô sản. Lãnh đạo con đường cách mạng đó không ai khác ngoài và phải là chính đảng tiên phong của giai cấp công nhân. Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, bản thân Đảng phải rèn luyện để trở thành một tổ chức thực sự vững mạnh. Nhưng “Đảng muốn vững, - như Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, - thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tầu không có bàn chỉ nam”(1). Chủ nghĩa ấy chính là chủ nghĩa Mác - Lê-nin - thế giới quan và phương pháp luận cách mạng khoa học của giai cấp vô sản và các lực lượng tiến bộ trong thời đại mới. Đánh giá chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong số các học thuyết, các trào lưu tư tưởng về cách mạng đang lan truyền trên thế giới cũng như ở Việt Nam vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lê-nin”(2). Kiên định quan điểm đó, nên ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiến lên, Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo và trang bị vũ khí lý luận Mác - Lê-nin cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Vậy, học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin là thế nào? Hồ Chí Minh đã giải thích một cách dung dị, cô đọng và dễ hiểu là “học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình”; là học tập phương pháp, nắm vững lập trường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin chứ không phải là học một cách máy móc, giáo điều. Người luôn nhắc nhở chúng ta rằng “chủ nghĩa Mác - Lê-nin là kim chỉ nam cho hành động, chứ không phải là kinh thánh”(3). Học chủ nghĩa Mác - Lê-nin để nắm bắt được quy luật vận động và phát triển của xã hội, để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế nước ta. Học chủ nghĩa Mác - Lê-nin để trung thành với nó, bảo vệ nó và không ngừng nâng cao, hoàn thiện nó. Làm theo lời dạy của Người và cũng chính từ thực tiễn phong phú của cách mạng nước ta, Đảng ta đã rút ra những bài học kinh nghiệm lớn, mà một trong những bài học đó được đúc kết trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), chính là “Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ… để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra”(4).
Hồ Chí Minh đã vạch rõ một trong những nhược điểm lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên là sự yếu kém về trình độ lý luận. Ở một bộ phận cán bộ đảng viên nảy sinh tư tưởng chủ quan, tự mãn về trình độ lý luận của mình, không thấy rằng do yếu kém về lý luận nên trước nhiệm vụ cách mạng ngày càng mới mẻ và phức tạp thì trong lãnh đạo, chỉ đạo tất sẽ không tránh khỏi lúng túng, thậm chí là dẫn đến sai lầm. Lười biếng học lý luận cũng có nghĩa là thiếu trách nhiệm và không hoàn thành nghĩa vụ của người đảng viên.
Học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin là điều cần thiết để nâng cao năng lực trí tuệ của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhưng chưa đủ, Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải học tập nghiên cứu “những chỉ thị, nghị quyết, luật, lệnh của Đoàn thể và Chính phủ”(5) vì những chỉ thị, nghị quyết, luật, lệnh đó, rút cuộc, không chỉ là sự vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào hoàn cảnh Việt Nam mà còn là kết quả phản ánh khách quan hiện thực xã hội Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử cách mạng.
Ngoài những nguồn tài liệu lý luận trên, Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng và sự cần thiết phải nghiên cứu, xem xét những “tài liệu thiết thực” khác, đó là “những kinh nghiệm do người học mang đến, kinh nghiệm thành công cũng như kinh nghiệm thất bại”. Người đánh giá “những kinh nghiệm đó đem trao đổi, gom góp lại tức là những bài học quý…”(6). Bởi lý luận không phải là một cái gì đó đối lập với kinh nghiệm, mà ngược lại, lý luận chẳng qua là “sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là sự tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử”(7).
Để nâng cao trình độ trí tuệ của mình, người cán bộ đảng viên còn phải “ra sức học tập văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ”, bởi chỉ có như vậy mới có tri thức hiểu biết công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, góp phần bảo đảm cho việc thực hiện có hiệu quả chức năng lãnh đạo chính trị của Đảng đối với công tác chuyên môn.
Việc học tập và nghiên cứu có đạt kết quả tốt hay không, điều đó đòi hỏi bản thân người học phải có thái độ và phương pháp học tập đúng. Thái độ học tập đúng là phải “khiêm tốn, càng cao càng giỏi, càng khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ”. Phê phán những thói tự kiêu, tự mãn, tự phụ, không cầu tiến bộ,… Hồ Chí Minh luôn căn dặn mỗi cán bộ đảng viên phải “tích cực tự động hoàn thành kế hoạch học tập, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong học tập”.
Về phương pháp học tập, Hồ Chí Minh nhắc nhở “cách học tập… phải lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”. Khi học tập, nghiên cứu bất cứ vấn đề gì về xã hội, con người,… cũng đều phải “xem xét toàn diện, xem quá khứ, nhất là xem hiện tại để hiểu biết và suy đoán tương lai. Có như thế mới nhận định tình hình, mới nhận xét sự việc xảy ra được đúng đắn”.
Muốn cho việc học tập trở thành phương thức cơ bản để nâng cao năng lực trí tuệ cán bộ, đảng viên thì phương châm “học đi đôi với hành”, “lý luận liên hệ với thực tế” phải được đặc biệt chú trọng. Người cho rằng, học mà không đi đôi với hành, học mà không biết hành là mới “chỉ có tri thức một nửa”, “muốn thành một người trí thức hoàn toàn thì phải đem cái tri thức đó áp dụng vào thực tế”, “lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng nghìn, hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách…”. Người coi thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc mác-xít căn bản và vạch rõ rằng những sai lầm từng mắc phải trong cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, cải tạo xã hội chủ nghĩa là do sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn “chưa được hoàn toàn”. Trong phương châm “học đi đôi với hành”, “lý luận liên hệ với thực tiễn” thì việc học lý luận không có mục đích tự thân. “Không phải học lý luận vì lý luận”, “không phải học để trang sức” hay để “tạo cho mình một cái “vốn” để “mặc cả với Đảng”… đó là những động cơ học tập sai lầm phải kiên quyết “tẩy trừ cho sạch”.
Tuy kết quả học tập về cơ bản là do nỗ lực sáng tạo và ý thức phấn đấu của bản thân người học, nhưng như thế chưa đủ. Tấm gương của người thầy cũng ảnh hưởng lớn đến kết quả ấy. Tiếp tục tư tưởng của C. Mác rằng “bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục”, Hồ Chí Minh đòi hỏi người dạy trước nhất phải có thái độ và phương pháp dạy đúng, nghĩa là “người huấn luyện phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”. Người nhắc nhở “người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình. Người huấn luyện nào tự cho là mình biết đủ cả rồi, thì đó là người dốt nhất”(8).
2- Một trong những cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào việc tiếp tục phát triển lý luận mác-xít là Người đã vận dụng sáng tạo những nguyên tắc xây dựng một chính đảng vô sản kiểu mới của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam - sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Đảng đấu tranh không chỉ vì lợi ích của giai cấp công nhân mà còn vì lợi ích của toàn thể nhân dân lao động và của dân tộc. Chính vì vậy, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam chứ không một lực lượng nào khác có thể và có năng lực phát động, tập hợp được lực lượng tất cả các giai tầng trong xã hội tham gia các quá trình cải biến cách mạng, và, cũng chính vì vậy, trí tuệ của Đảng được tạo nên một phần quan trọng còn phải dựa vào nền tảng trí tuệ chung của toàn xã hội. Hồ Chí Minh căn dặn: “Trong phong trào giải phóng sôi nổi, nảy nở ra rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước(9). Người phê phán những cán bộ, đảng viên nào phạm phải bệnh tự cao tự đại, coi thường người ngoài Đảng. Những cán bộ, đảng viên phạm phải sai lầm vừa nêu đều bị Người phê bình là “hẹp hòi”, “biệt phái”… Điều mà Người băn khoăn, lo lắng là “E vì chúng ta nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân”. Người đánh giá cao sự đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng xã hội mới của cả những người có tài dù trước đây họ đã từng làm việc cho chính quyền cũ. Về điều này, Hồ Chí Minh đã viết: “Các ngài đã đem tài năng tri thức lo bồi bổ về mặt kinh tế và xã hội. Các ngài xứng đáng là những chiến sĩ xung phong. Tôi mong rằng các ngài cũng sẽ đem hết tài năng và tri thức giúp cho Chính phủ về mặt kiến thiết, các ngài sẽ là những cố vấn có kinh nghiệm, có tài năng của Chính phủ”(10).
3- Trong tiềm năng và sức mạnh trí tuệ chung của xã hội, Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến việc phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức. Người khẳng định rằng, “kháng chiến và kiến quốc thì phải cần trong các ngành kinh tế tài chính, quân đội, văn hóa có những người trí thức giúp vào mới thành”. Đánh giá cao những điểm tích cực của đội ngũ trí thức Việt Nam, như “dễ hấp thụ được tinh thần cách mạng, dễ theo cách mạng…”, nhưng đồng thời Người cũng vạch ra và phê phán nghiêm khắc những khuyết điểm của họ, như chủ nghĩa cá nhân, tính không kiên quyết, thái độ bàng quan, tính bảo thủ, địa vị,… Đối với những trí thức của xã hội cũ, để sử dụng có hiệu quả tài năng và tri thức của họ, để họ trở thành những người trí thức của giai cấp công nhân, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng xã hội mới thì điều cần thiết là phải “cải tạo tư tưởng” của họ. Thế nhưng đây là việc không giản đơn, đòi hỏi phải thực hiện một cách “lâu dài và gian khổ”, nó chính là “một cuộc cách mạng trong người”, bởi vậy, nó phải được thực hiện một cách “tự nguyện tự giác”.
Cùng với việc cải tạo và sử dụng trí thức cũ, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến việc cần thiết phải đào tạo đội ngũ trí thức mới từ các tầng lớp công nhân và nông dân, thực hiện “công nông trí thức hóa”, nghĩa là cần nâng cao trình độ tri thức cho các tầng lớp công nhân và nông dân. Tuy nhiên, việc thực hiện “công nông trí thức hóa” không tách rời việc thực hiện đồng thời “trí thức công nông hóa”, nghĩa là trí thức cần “gần gụi công nông và học tập tinh thần, nghị lực, sáng kiến và kinh nghiệm của công nông”(11).
Xuất phát từ quan điểm là mỗi đường lối, mỗi chính sách, mỗi hoạt động của Đảng đều phải “dựa vào ý kiến và kinh nghiệm của dân chúng”, “dựa vào nhân dân để thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân”… Hồ Chí Minh đặt nhiệm vụ nâng cao năng lực trí tuệ của Đảng trong mối quan hệ với nâng cao trí tuệ của toàn dân, mà trước hết là phải thực hiện được trên thực tế việc “nâng cao dân trí”. Bởi “dốt nát cũng là kẻ địch, địch dốt nát tấn công ta về tinh thần, cũng như địch thực dân tấn công ta bằng vũ lực…”. Căn cứ vào hoàn cảnh thực tế Việt Nam trước cách mạng là tuyệt đại đa số nhân dân lao động mù chữ, nên không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi giành được độc lập dân tộc, Hồ Chí Minh đã coi “nâng cao dân trí” là một trong những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Nâng cao dân trí” được bắt đầu bằng chiến dịch chống nạn mù chữ với phong trào “bình dân học vụ” không chỉ dừng lại ở mục đích làm cho mọi người biết đọc, biết viết,… mà còn trang bị cho họ những tri thức đủ khả năng làm chủ thực sự vận mệnh của bản thân cũng như vận mệnh của dân tộc.
4- Trong kho tàng tri thức của nhân loại, ngoài chủ nghĩa Mác - Lê-nin là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng, Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ đảng viên phải biết kế thừa những tinh hoa truyền thống văn hiến mấy nghìn năm của dân tộc và tiếp thu có chọn lọc những nhân tố hợp lý của các học thuyết và lý luận trong suốt chiều dài lịch sử tư tưởng nhân loại. Người nhấn mạnh đây cũng là nguồn lực để nâng cao trình độ trí tuệ của Đảng. Chẳng hạn, khi đánh giá học thuyết của Khổng Tử, Người đã nhận xét: “Tuy trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không đúng, song những điều hay trong đó thì chúng ta nên học”(12). Bản thân Người đã nêu một tấm gương mẫu mực là “học trò nhỏ” của tất cả những nhà tư tưởng lớn của nhân loại cũng như của dân tộc.
Cách đây 45 năm, trong Di chúc của Người, Hồ Chí Minh đã viết rằng điều mong muốn cuối cùng, tột bậc của Người là “toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Mong muốn của Người cũng là nguyện vọng, là mục tiêu của toàn Đảng, toàn dân ta. Nâng cao trình độ trí tuệ của Đảng là một nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt trong thực hiện mục tiêu này.
1, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 2, tr. 268
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 247
4. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 66
5, 6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 50, 49
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 499
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 46
10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 276
11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 152
12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 204
TS (Theo Nguyễn Tiến Nghĩa/ Tạp chí Cộng sản)