Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công vào Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và từ đây thực dân Pháp đã từng bước thiết lập bộ máy thống trị ở nước ta, biến nước ta thành một nước thuộc địa nửa phong kiến.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công vào Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và từ đây thực dân Pháp đã từng bước thiết lập bộ máy thống trị ở nước ta, biến nước ta thành một nước thuộc địa nửa phong kiến.
Trước tình hình đó, các phong trào yêu nước của nhân dân ta chống thực dân Pháp diễn ra liên tục và sôi nổi nhưng cuối cùng đều không mang lại kết quả. Các phong trào yêu nước trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là sự tiếp nối truyền thống yêu nước, bất khuất của dân tộc ta được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Nhưng do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết nên các phong trào đó đã lần lượt thất bại. Cách mạng Việt Nam chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.
Giữa lúc dân tộc ta đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, thì ngày 5/6/1911 người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) ra đi tìm đường cứu nước theo phương hướng mới. Người đã đi qua nhiều nước của châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và đã phát hiện ra chân lý: chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thực dân là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các thuộc địa.
Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc khi đọc Đề cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, từ đó Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam, Người nói “muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài Cách mạng vô sản”.
Cuối năm 1929, những người cách mạng Việt Nam trong các tổ chức cộng sản đã nhận thức được sự cần thiết và cấp bách phải thành lập một Đảng Cộng sản thống nhất, chấm dứt tình trạng chia rẽ phong trào Cộng sản ở Việt Nam. Được sự phân công của Quốc tế Cộng sản Nguyễn Ái Quốc đã chủ động tổ chức và chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng tại Hương Cảng, Trung Quốc từ ngày 6/1 đến 7/2/1930. Hội nghị đã quyết định hợp nhất 3 tổ chức Đảng (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước chuyển biến quyết định của cách mạng Việt Nam. Đó là kết quả của sự chuẩn bị đầy đủ về tư tưởng, chính trị và tổ chức; là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam; là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể nước ta. Sự kiện đó được ghi nhận như một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta.
Với đường lối cách mạng cứu nước đúng đắn, Đảng ta đã quy tụ, đoàn kết xung quanh mình tất cả các giai tầng yêu nước trong xã hội, xây dựng nên lực lượng cách mạng to lớn và rộng khắp, với một nghệ thuật lãnh đạo và tổ chức khởi nghĩa tài tình, Đảng đã lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Từ đây, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập tự do, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ngay khi vừa mới ra đời, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã phải đối mặt với ba thứ giặc: Giặc đói; giặc dốt và giặc ngoại xâm. Trong khi đó, lực lượng mọi mặt của Nhà nước ta còn rất non yếu. Vận mệnh của đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”. Song, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời đề ra những chủ trương và quyết sách đúng đắn, toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng để ổn định đời sống của nhân dân, giữ vững chính quyền cách mạng. Với đường lối chính trị sáng suốt, vừa cứng rắn về nguyên tắc, vừa mềm dẻo về sách lược, Đảng ta đã động viên được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, vượt qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm để củng cố, giữ vững chính quyền, đưa cách mạng vượt qua tình thế hiểm nghèo. Trải qua hơn 9 năm kháng chiến chống Pháp đầy hy sinh gian khổ, chúng ta đã giành thắng lợi với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Thắng lợi đó, báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược kiểu cũ của thực dân Pháp tại Việt Nam cũng như ở Đông Dương, “chín năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân cả nước ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với tinh thần“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Trải qua 21 năm chiến đấu kiên cường, Đảng đã cùng với nhân dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, với chiến dịch mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh giải phóng trường kỳ, đầy gian khổ, hy sinh và vô cùng oanh liệt của dân tộc ta, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, cách mạng Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, thu được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, nền kinh tế có mặt mất cân đối nghiêm trọng, khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày càng gay gắt. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986) đã nghiêm khắc kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng, khẳng định những mặt làm được, phân tích rõ những sai lầm, khuyết điểm, đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của đất nước đã tăng lên rất nhiều, tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Với quan điểm “nhìn thẳng vào sự thật”, nêu cao ý thức tự phê bình và phê bình trong Đảng, cũng như mở rộng dân chủ trong toàn xã hội, bên cạnh những mặt mạnh về đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 - khóa XI chỉ rõ sự suy thoái về đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên đang là vấn đề bức xúc nhất đối với xã hội ta. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng ta hiện nay” nhằm tạo ra một bước chuyển biến mới trên tất cả các mặt, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống; củng cố sự kiên định về mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động; củng cố tổ chức chặt chẽ, tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, coi đây là vấn đề sống còn của Đảng, của chế độ ta.
Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam trong 84 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, không phải lúc nào cũng thuận lợi mà có lúc cũng đã trải qua những năm tháng khó khăn, thách thức. Chính trong những năm tháng có tính chất bước ngoặt đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện rất rõ bản lĩnh chính trị của một Đảng cách mạng, luôn kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng, với tinh thần độc lập tự chủ, sáng tạo, đã vượt qua được những thời kỳ cực kỳ khó khăn, gian khổ, giành những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Với những gì đã làm được, chúng ta mãi mãi tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối đổi mới của Đảng với mục tiêu xây dựng thành công một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
PHAN VĂN PHẤN - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Ðồng