Sẽ kiến nghị các giải pháp triển khai bảo hiểm nông nghiệp

03:03, 12/03/2014

Vừa qua, cử tri tỉnh Lâm Đồng cùng cử tri một số tỉnh, thành trong nước có kiến nghị tới kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII với nội dung đề nghị Chính phủ chỉ đạo áp dụng chính sách bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân toàn quốc triển khai, vận động đưa bảo hiểm nông nghiệp đến với nông dân nhất là nông dân các vùng khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. 

Vừa qua, cử tri tỉnh Lâm Đồng cùng cử tri một số tỉnh, thành trong nước có kiến nghị tới kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII với nội dung đề nghị Chính phủ chỉ đạo áp dụng chính sách bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân toàn quốc triển khai, vận động đưa bảo hiểm nông nghiệp đến với nông dân nhất là nông dân các vùng khó khăn, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. 
 
Thực hiện Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013 - đây là chính sách mới, lần đầu thực hiện ở Việt Nam, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ NN - PTNT, UBND các tỉnh, thành phố được lựa chọn triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện về: cơ chế tài chính doanh nghiệp bảo hiểm, hồ sơ, thủ tục, quy trình hỗ trợ thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp; các loại thiên tai, dịch bệnh được bảo hiểm theo quy định; tiêu chí, tiêu chuẩn trồng lúa, chăn nuôi, nuôi thủy sản; quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm nông nghiệp. Theo báo cáo của các địa phương và các doanh nghiệp bảo hiểm, tính đến ngày 30/11/2013, việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố thuộc địa bàn triển khai thí điểm. Theo đó, tổng số 440.495 hộ dân tham gia bảo hiểm, tổng giá trị bảo hiểm 7.205 tỷ đồng, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc 372,2 tỷ đồng, tổng số tiền đã giải quyết bồi thường bảo hiểm 647,5 tỷ đồng… Qua đó cho thấy, có rất nhiều hộ dân tham gia bảo hiểm; có rất nhiều cây trồng, vật nuôi, thủy sản được bảo hiểm. Đồng thời khẳng định vai trò của bảo hiểm trong việc khắc phục thiệt hại, kịp thời ổn định đời sống người dân cũng như ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh thông qua bồi thường bảo hiểm. 
 
Xét tổng thể thực tiễn triển khai hoạt động thí điểm bảo hiểm nông nghiệp chứng minh chủ trương của Đảng, Nhà nước là hết sức đúng đắn. Đây là chính sách nhằm ổn định sản xuất và đời sống người dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Các địa phương được lựa chọn làm thí điểm, các địa bàn huyện, xã làm thí điểm với các sản phẩm cây lúa, chăn nuôi, thủy sản là những mặt hàng sản xuất nông nghiệp quan trọng của địa phương phù hợp với điều kiện, đặc thù sản xuất nông nghiệp, phân bố dân cư và yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương. Các cơ chế chính sách ban hành khá đầy đủ, đồng bộ, tạo điều kiện cho các địa phương, các doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức triển khai thực hiện. Mặc dù còn có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn ở một số địa phương, song các cơ chế chính sách đã thể hiện đúng định hướng chỉ đạo của Chính phủ và là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thí điểm. Về công tác chỉ đạo kiểm tra thực hiện đã thể hiện sự quyết liệt và có hiệu quả… Tuy nhiên, qua thực tế cũng bộc lộ những khó khăn, hạn chế. Trước hết là các cơ chế chính sách cần được tiếp tục theo dõi, đánh giá và hoàn chỉnh, nhất là xác định thiên tai, dịch bệnh thuộc phạm vi bảo hiểm để có quy tắc bảo hiểm phù hợp. Phạm vi đối tượng, địa bàn bảo hiểm nông nghiệp khá rộng, mặt khác do tính chất sản xuất nông nghiệp của nước ta là sản xuất nhỏ, manh mún, lại bị thiên tai dịch bệnh xảy ra nhiều, đa dạng, mỗi địa phương mỗi khác trong khi đó cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin của địa phương và của các doanh nghiệp bảo hiểm còn hạn chế; lực lượng cán bộ mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai nghiệp vụ bảo hiểm mới, vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ cũng như kiểm tra, giám sát rủi ro. Rủi ro thiên tai, dịch bệnh trong bảo hiểm nông nghiệp diễn ra bất thường, một số nơi xảy ra tổn thất lớn, trên diện rộng (bệnh dịch đối với thủy sản vào cuối năm 2012), do đó phạm vi, mức độ thiệt hại về mặt tài chính khá lớn, vượt quá năng lực tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã phối hợp với các nhà tái bảo hiểm để chia sẻ rủi ro nên trong năm 2012 các tổn thất lớn về cơ bản đã được các nhà tái bảo hiểm hỗ trợ. Với tình hình tổn thất, mức độ yêu cầu bồi thường lớn như hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong công tác tái tục các hợp đồng tái bảo hiểm trong năm 2013… Vấn đề nữa đặt ra là ở một số địa phương có kết quả triển khai nhưng số lượng hợp đồng chưa cao. Các hộ dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia mang tính chất thăm dò (tham gia ít hoặc không tham gia) hoặc lựa chọn các đối tượng được bảo hiểm có rủi ro cao để tham gia. Điều đó gây khó khăn cho công tác thí điểm với nguyên tắc lấy số đông bù số ít. Công tác chỉ đạo tuyên truyền có nơi, có lúc còn lúng túng và chưa thực sự quyết liệt. 
 
Để thực hiện chính sách mới trên cả nước, hiện Bộ Tài chính đang phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố thuộc địa bàn triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp và các Bộ, ngành liên quan, doanh nghiệp bảo hiểm tiến hành các công việc cần thiết để tổ chức tổng kết đánh giá chương trình trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị các giải pháp triển khai bảo hiểm nông nghiệp trong thời gian tới sau khi kết thúc thí điểm.
 
BÌNH NGUYÊN