Tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền

04:03, 19/03/2014

Ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội" và Quyết định số 218-QĐ/TW "Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền" (gọi tắt là Quy chế, Quy định).

Ngày 12/12/2013, Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Quyết định số 218-QĐ/TW “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” (gọi tắt là Quy chế, Quy định).
 
Trong Quy chế giám sát và phản biện xã hội (GS & PBXH): “giám sát” là việc theo dõi, phát hiện, xem xét; đánh giá, kiến nghị nhằm tác động đối với cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức Nhà nước về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. “PBXH” là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. GS & PBXH là GS và PB của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Cơ quan, tổ chức là cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp. Thực hiện Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Đồng thời tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
 
Để thực hiện Quy chế và Quy định trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Công văn số 3703-CV/TU yêu cầu: Các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc chỉ đạo, tổ chức phổ biến, quán triệt Quy chế, Quy định và các văn bản hướng dẫn đến tất cả các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên ở địa phương, đơn vị. Chỉ đạo chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp và cấp dưới tổ chức thực hiện nghiêm Quy chế, Quy định. Đảng đoàn HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Quy chế, Quy định theo chức năng, nhiệm vụ; phối hợp với Đảng đoàn MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn thống nhất thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Đối với Đảng đoàn MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sớm ban hành quy định cụ thể về trách nhiệm, nội dung, phương pháp, quy trình tham gia góp ý đối với Đảng, chính quyền theo Quy định. Hằng năm, căn cứ Quy chế xây dựng chương trình, kế hoạch GS & PBXH, báo cáo với cấp ủy thống nhất với cơ quan Nhà nước cùng cấp để triển khai thực hiện. Tăng cường xây dựng, củng cố tổ chức, hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, nâng cao trách nhiệm, năng lực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cho đội ngũ cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác GS, PBXH của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Đặc biệt là tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quy định cụ thể về trách nhiệm tiếp thu ý kiến góp ý của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp theo Quyết định số 218-QĐ/TW.
 
Các Quy chế và Quy định trên phải được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới đông đảo quần chúng nhân dân; đồng thời thường xuyên phản ánh công tác triển khai và kết quả thực hiện tại các địa phương, đơn vị, cơ sở; tích cực tuyên truyền về các điển hình thực hiện tốt!
 
BÌNH NGUYÊN