(LĐ online) - Đó là một trong những nhấn mạnh tại hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên do Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức...
(LĐ online) - Đó là một trong những nhấn mạnh tại hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên do Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức. Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chủ trì, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 19 tỉnh, thành phố trong cả 3 khu vực.
|
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh phát biểu tại hội nghị |
Theo báo cáo của hội nghị, sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, 19 tỉnh, thành phố, 1896 xã trong khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Bộ máy chỉ đạo, điều hành của các cấp đã được thành lập đầy đủ, nhiều cơ chế, chính sách mới của Trung ương và các địa phương đã được ban hành và triển khai tích cực, các hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa lớn và sự hưởng ứng tích cực trong các tầng lớp nhân dân.
Từ đó đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình sản xuất có hiệu quả phù hợp với từng vùng miền, diện mạo của khu vực nông thôn đã có khởi sắc, số tiêu chí nông thôn mới tăng lên hàng năm, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Đến cuối năm 2013, bình quân các xã ở khu vực Đông Nam Bộ đạt 9,72 tiêu chí, khu vực Nam Trung Bộ đạt 7,75 tiêu chí, khu vực Tây Nguyên đạt 7,3 tiêu chí nông thôn mới; Cả 3 khu vực đã xóa được xã trắng về tiêu chí nông thôn mới. Đời sống nông thôn được cải thiện, thu nhập bình quân tăng 10%, hộ nghèo giảm 3%.
Riêng đối với tỉnh Lâm Đồng, chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân và thật sự trở thành phong trào sâu rộng, được quần chúng nhân dân và cả hệ thống chính trị hưởng ứng. Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm S- Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã nêu lên những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế cũng như đưa ra nhiều kiến nghị phù hợp với cơ chế đặc thù của địa phương. Cụ thể đến nay có 4 xã trong tỉnh cơ bản đạt 19 tiêu chí, tổng nguồn vốn huy động cho giai đoạn 2010-2013 là 13.013 tỷ đồng, các cơ chế, chính sách từng bước phát huy hiệu quả, đời sống nhân dân nâng cao, y tế, giáo dục được quan tâm phát triển nhanh.
Về đề xuất, kiến nghị ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị Chính phủ tăng cường các nguồn đầu tư từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ vốn cho huyện Đơn Dương xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Đề nghị có cơ chế tín dụng đầu tư phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Cho phép thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay, kéo dài chu kỳ cho vay, hỗ trợ 2-2,5% lãi suất cho vay trung hạn đối với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…
Sau khi phân tích những tồn tại, thách thức trong quá trình xây dựng nông thôn mới, hội nghị cũng đưa ra một số định hướng, nhiệm vụ cần tập trung giải quyết trong xây dựng nông thôn mới khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong thời gian tới. Với phương châm tập trung hỗ trợ các xã đầu tư đạt chuẩn nông thôn mới 2014-2015 và có khả năng về đích, tăng cường huy động nguồn lực xã hội, huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp chung sức xây dựng nông thôn mới. Tập trung phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, coi trọng giải quyết một số vấn đề về xã hội của khu vực.
|
Toàn cảnh hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Vũ Văn Ninh nhấn mạnh “Đầu tiên cấp ủy, chính quyền, bộ máy chính quyền phải có quyết tâm chính trị cao, vận động nhân dân vào cuộc, phát huy nội lực nông thôn. Vận dụng sáng tạo chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn từng địa phương, tổ chức sản xuất, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả. Quan tâm thực sự lợi ích của người dân, nâng cao đời sống cho nhân dân, quan tâm dành nguồn lực xây dựng nông thôn mới”.
D.Thương