Lấy ý kiến góp ý vào 3 dự án luật

04:04, 08/04/2014

° Ngày 7/4/2014, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo góp ý Luật Bảo vệ môi trường để chuẩn bị phục vụ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Đồng chí Vũ Công Tiến - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIII đơn vị tỉnh Lâm Đồng chủ trì hội thảo. Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường lần này có nhiều đổi mới, gồm 20 chương và 186 điều.

° Ngày 7/4/2014, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo góp ý Luật Bảo vệ môi trường để chuẩn bị phục vụ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Đồng chí Vũ Công Tiến - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIII đơn vị tỉnh Lâm Đồng chủ trì hội thảo. Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường lần này có nhiều đổi mới, gồm 20 chương và 186 điều. Qua đó, đại diện các sở, ngành liên quan đã góp ý về các nội dung như: Luật đã bao quát được nhiều vấn đề, nhất là vấn đề biển và hải đảo đã được đưa vào luật. Tuy nhiên, luật tuy dài hơn, nhưng lại vẫn thiếu nhiều điều, nhiều vấn đề nên đưa vào nghị định, thì lại đưa vào luật là chưa phù hợp. Nhiều nội dung nếu đưa vào luật sẽ khó thực thi trong cuộc sống như vấn đề thẩm quyền đánh giá tác động môi trường được quy định không rõ; vấn đề nhập liệu phế thải nguyên liệu phải được quy định rõ về trách nhiệm của từng đơn vị; nhiều từ ngữ trong luật chưa nêu rõ được ý nghĩa, hoặc không có định lượng như “việc đảm bảo không có tác động lớn về môi trường”; nhiều nội dung mâu thuẫn như Luật cấm nhập liệu phế thải, nhưng ở điều khác lại quy định cho phép nhập liệu phế thải nếu đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật quy định. Việc xử phạt hành chính vi phạm về bảo vệ môi trường cần gắn với quy hoạch phát triển của xã hội; nên phân cấp cụ thể, rõ ràng giữa cấp bộ, tỉnh, huyện từ khâu quản lý đến cấp phép kinh doanh.
 
Cũng trong thời gian qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) và Luật Đầu tư công. Đa số các ý kiến thống nhất với giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các nội dung được thể hiện trong dự thảo luật. Tuy nhiên, nhiều đại biểu tham dự hội thảo đã có ý kiến góp ý Luật Phá sản (sửa đổi) lần này chưa khắc phục được những nguyên nhân chính dẫn đến Luật Phá sản năm 2004 không có tính khả thi. Chưa phân định các quy định cụ thể như quy định về nguyên tắc cơ bản, thẩm quyền của Tòa án, cơ quan thi hành án và những người tiến hành thủ tục phá sản và người tham gia thủ tục quy trình phá sản, chưa rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân. Đề nghị nên bổ sung thêm một số quy định về cơ quan tiến hành thủ tục phá sản, nên đưa vào luật  nguyên tắc đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa trong quá trình phá sản, đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo…
 
Về Luật Đầu tư công, các ý kiến đóng góp nên có sự thống nhất trong việc căn cứ và sử dụng đúng tên trong bản Hiến pháp hiện nay (Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), nên dùng “chính quyền địa phương” thay vì HĐND, UBND. Cần làm rõ và định lượng cụ thể hơn khoản 4, điều 12 quy định phù hợp với khả năng vay, trả nợ vay của khoản nợ Chính phủ và nợ của chính quyền địa phương. Đề nghị cần giữ nguyên tắc: “Không để nợ mới trong đầu tư công vượt quá trần nợ công đã được Quốc hội thông qua. Đề nghị bổ sung từ “chạy dự án” thay cho cụm từ “đưa, nhận, môi giới hối lộ” tại khoản 5, điều 16…
 
Các ý kiến đóng góp sẽ được Tổ Tư vấn pháp luật - Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm nhất, để phục vụ kỳ họp thứ 7 sắp đến. 
 
Nguyệt Thu