(LĐ online) - Nằm trong lịch trình làm việc tại Đà Lạt, chiều ngày 3- 4, Ủy ban Pháp luật (UBPL) Quốc hội đã tiến hành thẩm tra và lấy ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng (HKDD) Việt Nam.
(LĐ online) - Nằm trong lịch trình làm việc tại Đà Lạt, chiều ngày 3- 4, Ủy ban Pháp luật (UBPL) Quốc hội đã tiến hành thẩm tra và lấy ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng (HKDD) Việt Nam.
Theo ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật HKDD là cần thiết nhằm đạt được mục tiêu tăng cường hiệu lực của công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp hàng không, bảo đảm quyền lợi của khách hàng. UBPL cơ bản nhất trí về quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc sửa đổi và nhiều nội dung của dự án Luật. Bên cạnh đó, UBPL cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này cần có sự phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải với các bộ, ngành hữu quan trong quản lý nhà nước về hoạt động hàng không dân dụng.
Tại phiên họp, một số ý kiến đại biểu tán thành với việc dự thảo luật giao Bộ Giao thông vận tải đảm nhận việc này tại khoản 4 Điều 11. Còn một số ý kiến khác cho rằng Bộ Tài chính có vai trò quan trọng trong việc quyết định đối với giá các loại dịch vụ này, do đó cần quy định Bộ Giao thông vận tải quyết định giá dịch vụ hàng không sau khi thống nhất với Bộ Tài chính. Ngoài ra, vấn đề đảm bảo an ninh hàng không cũng thu hút được nhiều ý kiến tham gia của đại biểu. Tại khoản 33 Điều 193 dự thảo Luật quy định “Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định trường hợp miễn kiểm tra, soi chiếu an ninh hàng không”. Nhiều đại biểu đề nghị nên cân nhắc điều này bởi vì việc đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các tuyến bay cần được thực hiện theo những nguyên tắc an ninh rất nghiêm ngặt, thực hiện trên cơ sở mọi người đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Nếu từ quy định miễn trừ nêu trên xảy ra sai sót sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho tính mạng và tài sản của nhiều người.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội – Uông Chu Lưu, tán thành với việc sửa đổi luật HKDD hiện nay, tuy nhiên, cần tiếp tục tiếp thu và chỉnh sửa dự thảo Luật trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới những vấn đề dư luận rất quan tâm hiện nay như vấn đề an ninh hàng không và giá dịch vụ... Theo ông Lưu, đây là luật chuyên ngành nên cần phải tổ chức các hội nghị, hội thảo có các cơ quan chuyên môn và các bộ liên quan của chính phủ để có được những đánh giá chuyên môn sâu sát. Hàng không dân dụng là lĩnh vực có sự liên quan tới nhiều Bộ, Ngành khác nhau nên cần có sự phân định trách nhiệm, thẩm quyền rõ ràng, hợp lý tạo sự đồng thuận và nhất quán về nội dung trước khi trình lên Quốc hội.
* Trước đó, vào sáng 3/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã trình bày bày trước các vị đại biểu và Ủy ban Pháp luật Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật hải quan (sửa đổi) sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, các cơ quan tổ chức trong kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vừa qua.
Hầu hết các đại biểu tán thành nhất trí cao với báo cáo tuy nhiên còn nhiều ý kiến băn khoăn thắc mắc về thẩm quyền của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Khi xử lý các hành vi trên hải quan có thẩm quyền được tạm giữ người hay không, tạm giữ trong trường hợp nào, thủ tục ra sao là vấn đề thắc mắc của hầu hết các đại biểu.
Phó Chủ tịch Quốc hội - Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Đối với vấn đề này cần phải xử lý thận trọng để vừa không lọt những hành vi vi phạm pháp luật, nhất là buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vừa hợp lý trong vấn đề bảo vệ nhân quyền quy định trong hiến pháp. Đối với các hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy, vũ khí, chất nổ, văn hóa phẩm độc hại qua biên giới... những hành vi như vậy đã vi phạm luật hình sự nên Hải quan có quyền tạm giữ để khởi tố.
Cũng theo ông Lưu, vấn đề truy đuổi tội trong địa bàn của Hải quan là điều cần thiết đặc biệt phải đảm bảo tính liên tục. Vì vậy, khi ra ngoài địa bàn cần có sự phối hợp giữa Hải quan với công an, biên phòng, dân quân địa phương…
Kết luận phiên họp Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội đánh giá, cơ bản các đại biểu đã tán thành với báo cáo tuy nhiên cũng cần phải rà soát lại nhất là vấn đề tạm giữ hành chính và truy đuổi ra ngoài địa bàn. Trên cơ sở ý kiến các đại biểu Ủy ban thẩm tra tiếp tục rà soát, chỉnh sửa dự thảo để vừa không bó tay hải quan vừa phù hợp với quy định của Hiến pháp mới về quyền con người và quyền công dân trước khi trình lên Quốc hội vào phiên họp sắp tới.
Ngọc Ngà