Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 28/11/2013 là bản Hiến pháp kết tinh trí tuệ của toàn dân tộc, thể hiện ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân ta. Hiến pháp năm 2013 gồm 11 chương, 120 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014...
Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 28/11/2013 là bản Hiến pháp kết tinh trí tuệ của toàn dân tộc, thể hiện ý chí, nguyện vọng của đại đa số nhân dân ta. Hiến pháp năm 2013 gồm 11 chương, 120 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014. Trong Chương II “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” đã thể hiện bước tiến đáng kể về tư duy quyền con người ở Việt Nam, phù hợp chuẩn mực quốc tế và các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Trong bản Hiến pháp năm 2013 có thể thấy những điểm mới về quyền con người so với các bản Hiến pháp trước, đó là:
Thứ nhất là, "Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công dân" từ Chương V trong Hiến pháp năm 1992 chuyển lên thành Chương II trong Hiến pháp năm 2013. Việc thay đổi vị trí nói trên không đơn thuần là một sự dịch chuyển cơ học, một sự hoán vị về bố cục mà là một sự thay đổi về nhận thức. Với quan niệm đề cao chủ quyền nhân dân trong Hiến pháp, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lập hiến và thông qua quyền lập hiến của mình, nhân dân giao quyền cho lập pháp, hành pháp, tư pháp và các thiết chế độc lập khác, thì quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân phải được xác định ở vị trí trang trọng hàng đầu trong một bản Hiến pháp. Việc thay đổi này là sự kế thừa Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp của nhiều nước trên thế giới, thể hiện nhất quán quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Hai là, Hiến pháp năm 2013 đã có sự phân biệt giữa “quyền con người” và “quyền công dân”. Theo đó, quyền con người được quan niệm là quyền tự nhiên vốn có của con người từ lúc sinh ra; còn quyền công dân, trước hết cũng là quyền con người, nhưng việc thực hiện nó gắn với quốc tịch, tức là gắn với vị trí pháp lý của công dân trong quan hệ với nhà nước, được nhà nước đảm bảo đối với công dân của nước mình. Chỉ có những người có quốc tịch mới được hưởng quyền công dân của quốc gia đó, ví dụ như quyền bầu cử, ứng cử, quyền tham gia quản lý nhà nước. Đồng thời bổ sung nguyên tắc hạn chế quyền, theo đó quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (khoản 2, điều 14). Việc hạn chế quyền con người, quyền công dân không thể tùy tiện mà phải “theo quy định của Luật”. Điều này cũng phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 mà Việt Nam là thành viên.
Ba là, Hiến pháp năm 2013 khẳng định và quy định rõ hơn các nguyên tắc về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo hướng “quyền công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân”; điều này thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa quyền con người với quyền công dân. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác (Điều 15).
Bốn là, Hiến pháp năm 2013 bổ sung một số quyền mới, thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân. Đó là các quyền: “Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của Luật” (Điều 20); “Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư” (Điều 21); “Quyền được bảo đảm an sinh xã hội” (Điều 34); “Quyền kết hôn, ly hôn” (Điều 36); “Quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa” (Điều 41); “Quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp” (Điều 42);“Quyền được sống trong môi trường trong lành” (Điều 43)…
Năm là, Hiến pháp năm 2013 mở rộng chủ thể có quyền bình đẳng, không bị đối xử về mọi mặt thành quyền của mọi người. Khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trước công dân của mình; công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác. Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ (Điều 17). Khẳng định mọi người đều được hưởng quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Bên cạnh đó Hiến pháp năm 2013 cũng khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật (Điều 24)…
Từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013 là cả chặng đường dài, đánh dấu sự phát triển về mặt tư duy của Đảng, Nhà nước ta về quyền con người và cũng khẳng định rõ hơn bản chất chế độ chính trị nước ta là dân chủ, Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Phát huy giá trị quyền con người chính là động lực quan trọng của sự phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhằm hướng đến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trần Trung Hiếu