Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Hộ tịch tại kỳ họp thứ 7

03:04, 02/04/2014

Thông tin trên vừa được công bố tại phiên họp toàn thể về nội dung Thẩm tra dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 và 2015, của Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa XIII, vào sáng 1/4, tại TP Đà Lạt. Tham dự có đồng chí Nguyễn Bá Thuyền - Phó trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIII đơn vị tỉnh Lâm Đồng.

* Đề nghị Chính phủ hoàn thiện các dự án luật đúng tiến độ
 
Thông tin trên vừa được công bố tại phiên họp toàn thể về nội dung Thẩm tra dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 và 2015, của Ủy ban Pháp luật Quốc hội khóa XIII, vào sáng 1/4, tại TP Đà Lạt. Tham dự có đồng chí Nguyễn Bá Thuyền - Phó trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIII đơn vị tỉnh Lâm Đồng.
 
Theo báo cáo tại phiên họp, cùng với nhiều dự án luật và pháp lệnh được Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét thông qua trong năm 2014 và 2015, trong đó có bổ sung Dự án Luật Hộ tịch vào chương trình nghị sự năm 2014, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (dự kiến trong 5/2014), thông qua tại kỳ họp thứ 8 (cuối năm 2014), Quốc hội khóa XIII. Dự án này đã được Ủy ban Pháp luật tán thành cần sớm xem xét, thông qua. 
 
Đây là một trong những dự án luật được người dân đặc biệt quan tâm. Bởi theo các chuyên gia về luật, dự án có nhiều ý tưởng mới, như việc loại bỏ một số giấy tờ gắn liền với nhân thân như giấy khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, giám hộ, nhân thân cha mẹ nuôi, xác định lại dân tộc, giới tính… Thay vào đó, nhà nước chỉ thiết lập một loại sổ gọi là Sổ Hộ tịch tại cơ quan nơi công dân đăng ký khai sinh (do UBND cấp xã, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trực tiếp quản lý). Mỗi công dân khi đăng ký khai sinh sẽ được cấp một Sổ Hộ tịch để khi cần chứng minh tình trạng hộ tịch, người dân chỉ cần xuất trình sổ này. 
 
Dự án Luật Hộ tịch được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, 2013, tuy nhiên tại phiên họp thứ 20 (8/2013), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến nhưng nhận thấy còn một số vấn đề chưa đủ cơ sở quy định, ý kiến chưa thống nhất, nên đã quyết định rút khỏi chương trình. Hiện dự án này đang được Chính phủ trình cơ quan của Quốc hội để thẩm tra, cho ý kiến. 
 
Cũng tại phiên họp, sau khi nghe đại diện của Chính phủ đọc tờ trình đề nghị xem xét thông qua các dự án luật và pháp lệnh trong năm 2014 và 2015, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, cho rằng:“Nhiều dự án theo kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp ở giai đoạn cần phải sớm ban hành, nhưng không được đưa vào chương trình năm 2015, như Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật về hội, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Biểu tình… không thấy Chính phủ đề cập mà không rõ lý do”. 
 
Không chỉ vậy, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8. Tuy nhiên, Chính phủ lại đề nghị lùi thời hạn trình Quốc hội về dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương, để có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa một số qui định mới của Hiến pháp, bảo đảm tính khả thi và chất lượng của 2 dự thảo. 
 
Theo Ủy ban Pháp luật Quốc hội, hai dự án luật này có nội dung liên quan đến một số luật khác như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi)… nếu lùi thời gian trình 2 dự án một kỳ họp như Chính phủ đề nghị sẽ ảnh hưởng đến việc xem xét, thông qua nhiều dự án luật khác. Riêng Luật Tổ chức chính quyền địa phương có liên quan với việc bố trí nhân sự chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp ở địa phương sắp tới. Trong khi nhiều dự án luật không có trong kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp như Luật Phí, lệ phí; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam…, nhưng vẫn đưa vào chương trình năm 2015. Hoặc Luật Dân số, Luật Du lịch (sửa đổi), Luật Đấu giá tài sản…, kế hoạch đưa vào chương trình giai đoạn (2015-2020), nhưng lại đưa vào chương trình năm 2015.
 
Nhiều ý kiến tại phiên họp cũng cho rằng, việc đưa các dự án vào chương trình năm 2015 cần phải tính đến quỹ thời gian, khả năng thực tế của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và thời gian Quốc hội xem xét, thông qua; tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan nhằm đảm bảo chất lượng và tiến độ chuẩn bị, thẩm tra dự án.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, đề nghị Chính phủ tập trung nguồn lực tiếp tục khẩn trương chuẩn bị 2 dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương để trình Quốc hội theo đúng tiến độ đặt ra. Đối với các dự án chưa có trong chương trình nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, chỉ bổ sung khi thực sự cần thiết và đã được chuẩn bị tốt, đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
 
Thụy Trang