Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, vị trí của thanh niên

03:04, 02/04/2014

Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng lớn của dân tộc và thời đại. Cả cuộc đời vinh quang của Bác là để hiến dâng cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam thân yêu. Xuyên suốt quá trình hoạt động cách mạng, người luôn đánh giá cao về vai trò, vị trí của thanh niên...

Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng lớn của dân tộc và thời đại. Cả cuộc đời vinh quang của Bác là để hiến dâng cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam thân yêu. Xuyên suốt quá trình hoạt động cách mạng, người luôn đánh giá cao về vai trò, vị trí của thanh niên. Và, sau khi tìm được con đường cứu nước đúng đắn, bức thư đầu tiên Người gửi về trong nước là bức thư gửi Thanh niên Việt Nam (năm 1925). Từ đó cho đến khi về cõi vĩnh hằng, Bác đã để lại một di sản tinh thần hết sức lớn lao với hàng trăm bài nói, viết về thanh niên và công tác thanh niên. 
 
Trong Di chúc trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò, vị trí to lớn của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, cũng như tiềm năng của thanh niên theo quan điểm phát triển. Khi đất nước còn trong đêm đen nô lệ, Người đã có tư tưởng phải thức tỉnh thanh niên để đi đến thức tỉnh dân tộc. Sau khi nước ta giành được độc lập, Người cho rằng: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”, “nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”. Người nhấn mạnh: Thanh niên “phải tham gia ý kiến vào công việc của Chính phủ, chiến đấu giữ lấy nền độc lập và tự rèn luyện từ bây giờ để sau này lên thay những thủ lĩnh mà gánh vác những việc trọng đại của nước nhà”. Người luôn đặt niềm tin và mong đợi ở thanh niên, đồng thời đưa ra dự báo hết sức đúng đắn mà nay đã trở thành hiện thực, đó là: “Với một thế hệ thanh niên hăng hái kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. 
 
Ðiểm nổi bật trong quan điểm giáo dục lý tưởng cho thanh niên của Bác là đưa thanh niên vào các tổ chức chính trị, xã hội do Ðảng lãnh đạo để vừa giác ngộ lý tưởng cách mạng cho họ, vừa đưa họ hoạt động thực tiễn đấu tranh cách mạng của dân tộc. Và, để chuẩn bị cho việc thành lập Ðảng, năm 1925, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tiền thân của Ðảng ta sau này. Người trực tiếp lựa chọn và bồi dưỡng, đào tạo những thanh niên yêu nước, có chí khí đấu tranh chống thực dân, phong kiến. Cuốn sách Ðường kách mệnh là tập hợp các bài giảng của Người từ năm 1925-1927 cho các lớp thanh niên ưu tú về lý tưởng, đạo đức cách mạng. Theo đó, rất nhiều thanh niên yêu nước qua huấn luyện, giáo dục, đào tạo được Người đưa về nước hoạt động cách mạng và thành những người cộng sản trẻ tuổi xuất sắc, luôn tiên phong trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc như: Trần Phú, Phạm Văn Ðồng, Lê Hồng Phong… Như vậy, nội dung bao quát về công tác thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình thành “lớp người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”. “Hồng” theo tư tưởng của Người là “quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất”; còn “chuyên” là trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và quân sự.
 
Sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Nhà nước đề ra các chính sách thanh niên phù hợp với từng thời kỳ cách mạng, đặc biệt là về mặt giáo dục, đào tạo. Nhìn thấy rõ vai trò rất to lớn của thanh niên Hồ Chí Minh cho rằng, muốn vận động nhân dân đứng lên làm cách mạng, trước hết phải làm cho tầng lớp thanh niên của dân tộc giác ngộ. Nếu họ không được giác ngộ, không đủ nghị lực, không còn sức sống, chỉ chạy theo “rượu cồn và thuốc phiện” thì dân tộc có nguy cơ diệt vong. Thanh niên phải khẳng định vai trò của mình trước vận mệnh của dân tộc. Và, Bác đã thức tỉnh được lực lượng quan trọng này. Khi thanh niên Việt Nam có lý tưởng cách mạng soi đường, họ đã hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh, sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ hy sinh, cùng với Đảng, với dân tộc làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945.
 
Thực tiễn cho thấy, những quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên đến nay vẫn còn mang tính thời sự và có giá trị to lớn, là kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân ta trong công tác vận động thanh niên. Bởi, nó là quá trình tổng kết lý luận và thực tiễn đã được nâng lên tầm cao qua các thời kỳ cách mạng, đang và sẽ tiếp tục dẫn dắt chúng ta trên con đường xây dựng, tổ chức thanh niên thành lực lượng cách mạng, phát huy mọi tiềm năng to lớn của thanh niên vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; vì hạnh phúc, tương lai tương sáng của tuổi trẻ.
 
Hồng Hải