Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ

03:04, 24/04/2014

Tập trung dân chủ đã được Đảng ta nhiều lần khẳng định là một nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng, là sự khác biệt giữa đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, đảng cách mạng chân chính với các đảng chính trị xã hội khác.

Tập trung dân chủ đã được Đảng ta nhiều lần khẳng định là một nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng, là sự khác biệt giữa đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, đảng cách mạng chân chính với các đảng chính trị xã hội khác.
 
V.I.Lê-nin thường nói tập trung dân chủ, còn Bác Hồ thường nói dân chủ tập trung. Tập trung dân chủ hay dân chủ tập trung đều bao hàm hai thành tố: tập trung và dân chủ. Hai thành tố này không hề đối lập nhau mà có mối quan hệ biện chứng với nhau. Tập trung càng cao thì dân chủ càng được mở rộng và ngược lại. Tập trung trên cơ sở dân chủ thì tập trung sẽ thúc đẩy dân chủ rộng rãi và có chất lượng cao hơn. Dân chủ mà không tập trung thì về thực chất là xóa bỏ dân chủ. Tập trung mà không dân chủ thì về thực chất cũng là xóa bỏ tập trung. Tóm lại, tập trung trở thành đòi hỏi của chính bản thân dân chủ. Và dân chủ cũng trở thành đòi hỏi của chính bản thân tập trung.
 
Dân chủ không đối lập với tập trung mà chỉ đối lập với quan liêu; tập trung không đối lập với dân chủ mà chỉ đối lập với tự do vô chính phủ, với phân tán cục bộ.
 
Tính thống nhất giữa tập trung và dân chủ hình thành nên nguyên tắc mà sự vi phạm một trong hai mặt đó làm cho các tổ chức đảng bị suy yếu.
 
V.I.Lê-nin và Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ tách rời tập trung với dân chủ, hoặc đối lập dân chủ với tập trung mà luôn luôn coi chúng là một chính thể thống nhất, yếu tố này hỗ trợ cho yếu tố kia, yếu tố này là tiền đề cho yếu tố kia.
 
Nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là sự phục tùng của thiểu số với đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, đảng viên phục tùng tổ chức và kỷ luật của Đảng; các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương. Những điều này đã được cụ thể hóa trong Điều lệ Đảng và các nghị quyết, chỉ thị… của Trung ương.
 
Trong những năm qua, nguyên tắc tập trung dân chủ đã được quán triệt trong lãnh đạo chính trị, quản lý đất nước và trong mọi hoạt động xã hội, cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, có lúc có nơi, nguyên tắc này không được tôn trọng đầy đủ hoặc bị vi phạm ở mức độ khác nhau.
 
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng Đảng đã thẳng thắn nhận định: “Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát”.
 
Tình trạng tập trung quan liêu, vi phạm dân chủ gây ra nhiều hậu quả, làm giảm lòng tin của quần chúng đối với Đảng. Có nơi mở rộng dân chủ, nhưng không đi liền với sự lãnh đạo tập trung, không đề cao kỷ cương, kỷ luật cũng đã xảy ra nhiều tác hại đáng tiếc.
 
Trước tình hình và nhiệm vụ cách mạng hiện nay, tăng cường tập trung dân chủ, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng phải được coi là vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách. 
 
Để nguyên tắc tập trung dân chủ được thực hiện đúng đắn và nghiêm túc, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực.
 
Trước hết, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo có hiệu quả của Đảng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc ở mọi cấp, mọi ngành và mọi địa phương. Khắc phục tệ chuyên quyền, độc đoán và lạm quyền bởi nó hoàn toàn trái với tập trung dân chủ. Mặt khác, đấu tranh phê phán mạnh mẽ những cá nhân núp dưới danh nghĩa tập thể, đùn đẩy trách nhiệm cho tập thể…
 
Thường xuyên chăm lo công tác giáo dục cán bộ, đảng viên nhận thức một cách đầy đủ từ vai trò hết sức quan trọng của nguyên tắc tập trung dân chủ, những nội dung chủ yếu và bản chất của nguyên tắc đến quy chế thực hiện nguyên tắc này.
 
Kiên quyết không để một cán bộ, đảng viên nào được phép đứng ngoài sự quản lý của tổ chức. Mọi cán bộ, đảng viên dù ở cấp nào, chức vụ gì cũng đều phải tự giác đặt mình trong sự quản lý của chi bộ.
 
Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ phải gắn liền với nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Theo Chủ tịch Hồ Chí minh, lãnh đạo không tập thể thì đi đến bao biện độc đoán, chủ quan, kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân thì sẽ đi đến lộn xộn, vô chính phủ, kết quả cũng hỏng việc. Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách phải luôn luôn đi đôi với nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung.
 
Công khai cũng là một yếu tố quan trọng để thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong Đảng, rất cần một thể chế công khai.
 
Cùng với nguyên tắc tập trung dân chủ, phải thực hiện nghiêm chế độ tự phê bình và phê bình. Không một cá nhân nào được đứng ngoài sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Người đứng đầu các cấp, các ngành càng phải gương mẫu tự phê bình và phê bình.
 
Xây dựng quy chế thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ ở mọi cấp, mọi ngành, mọi đơn vị, mọi địa phương. Trong sinh hoạt của Đảng, nhất thiết không thể thiếu nội dung kiểm điểm tình hình thực hiện quy chế này.
 
Cuối cùng là, làm tốt công tác kiểm tra việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ. Kiểm tra việc chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ cũng chính là một nội dung của nguyên tắc tập trung dân chủ. Buông lỏng công tác kiểm tra đồng nghĩa với vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Kết hợp kiểm tra từ trên xuống với giám sát từ dưới lên. Cấp dưới giám sát cấp trên, đảng viên giám sát lãnh đạo. Tăng cường hoạt động giám sát trong Đảng chính là biểu hiện quan trọng hàng đầu của dân chủ trong nội bộ Đảng, vì vậy, giám sát cũng là một hình thức kiểm tra. Đó là kiểm tra từ dưới lên.
 
Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa I): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Dân chủ phải được thực hiện từ cơ sở, tập trung cũng phải bắt đầu từ cơ sở. Mọi cán bộ, đảng viên phải quán triệt sâu sắc nguyên tắc tập trung dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên quyết chống các biểu hiện vi phạm dân chủ, tập trung quan liêu, chống các biểu hiện của dân chủ hình thức hoặc dân chủ “vô chính phủ”. Ở đâu và lúc nào, Đảng xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ thì Đảng thực sự không còn sức mạnh.
 
NGUYỄN XUYẾN