Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại bản Di chúc bất hủ "cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng". Bác căn dặn: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại bản Di chúc bất hủ “cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Bác căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Vậy thế nào là tình đồng chí? Tình đồng chí được bắt đầu từ lý tưởng. Người ta có thể chưa quen biết nhau, không cùng hoàn cảnh sống và môi trường giáo dục, thậm chí khác cả tiếng nói, màu da và sắc tộc nhưng người ta có thể gặp nhau trước hết ở quan điểm, tư tưởng, quan niệm, chí hướng và mục đích sống; cùng tham gia một tổ chức để chiến đấu cho mục tiêu lý tưởng chung. Khi ấy họ trở thành những người đồng chí.
Từ lý trí, lý tưởng mà sinh tình - tình đồng chí; mà đã là đồng chí thì ắt phải đồng tâm, đồng tình. Tình đồng chí là mối tình sâu sắc và bền vững, rộng lớn, sắt son trong một tổ chức cách mạng chân chính. Đã là đồng chí thì phải có tình yêu thương, sống với nhau sao cho có tình, có nghĩa. Khi ấy tình đồng chí hòa đồng với tình bạn, một tình bạn cao cả chân thành, trong sáng cùng hướng tới một chân trời rộng mở, một tương lai tốt đẹp không chỉ riêng cho hai người bạn mà cho cả tổ chức, cả cộng đồng, cả đồng bào, quốc gia, dân tộc...
Suốt cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và cái đích cuối cùng là giải phóng con người. Chính vì vậy, vấn đề con người luôn thường trực trong tâm trí của Bác. Trong muôn vàn mối quan hệ phong phú, phức tạp mà mỗi người đều phải xử lý hằng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh quy vào ba mối quan hệ chủ yếu nhất: đối với người, đối với việc và đối với bản thân mình. Trong "đối với người", tức là mối quan hệ giữa người với người, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn chú trọng nhân lên cái thiện trong các mối quan hệ ấy. Do đó, ở Bác, chúng ta thấy thấm đượm chủ nghĩa nhân văn cả trong lời nói và hành động.
Học Bác về vấn đề này là học cách đối nhân xử thế có tình, có nghĩa. Chính Bác nêu lên một nhận xét rất độc đáo: nếu thuộc bao nhiêu sách về chủ nghĩa Mác - Lênin mà sống với nhau không có tình có nghĩa thì không thể hiểu được chủ nghĩa Mác - Lênin. Sống tình nghĩa ở trong Đảng bao giờ cũng đi liền với đấu tranh tự phê bình và phê bình, điều mà Bác coi là "thang thuốc hay nhất" để cho mỗi đảng viên tiến bộ. Học Bác về tự phê bình và phê bình ở hai điều chính cốt nhất: mục đích và phương pháp. Bác quan niệm mục đích của tự phê bình và phê bình là làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, cốt để giúp nhau sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, giúp nhau tiến bộ; cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn; cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Phương pháp tự phê bình và phê bình theo Bác là phải được tiến hành thường xuyên như rửa mặt hằng ngày với cái tâm trong sáng; phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt; phải vạch rõ cả ưu điểm và những khuyết điểm; chớ dùng lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc.
Sức mạnh đoàn kết trong Đảng được tạo ra bởi tổ chức mà tổ chức đó là sự kết nối chặt chẽ giữa các đảng viên của Đảng ta, trong tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Tình đồng chí ở đây, ngoài những nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, còn xuất phát từ tấm lòng độ lượng, khoan dung và nhân ái. Nhiều khi mất đoàn kết trong tổ chức đảng lại là từ những việc tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng rất quan trọng trong đời thường. Một số người suy nghĩ và hành động không vì đại sự mà ở sự cố chấp, ở vài ba tiểu tiết của cá tính.
Vẫn còn một số đảng viên chưa có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Có thể thấy một số biểu hiện là: tình trạng mất đoàn kết, bè cánh, kèn cựa, "hạ bệ" nhau bằng nhiều cách để tranh giành địa vị, quyền lợi với nhiều kiểu "chạy" và mắc tội tham nhũng; về hùa và bao che cho những cái xấu của đồng chí mình. Những biểu hiện đó, Bác Hồ đã không ít lần chỉ ra để cán bộ, đảng viên khắc phục.
Học Bác trong việc xây dựng tình đồng chí thương yêu lẫn nhau còn là ở việc phải tạo ra một cơ sở, hay môi trường vững chắc để bảo đảm cho điều đó, nhất là mỗi đảng viên có trách nhiệm, nghĩa vụ chung tay xây dựng tổ chức chi bộ, đảng bộ cơ sở của mình thật sự trong sạch, vững mạnh. Không có một tổ chức đảng như thế thì không thể nói tới tình đồng chí thương yêu lẫn nhau trong Đảng được. Do đó, đây là điều kiện tiên quyết để mỗi đảng viên thể hiện tình đồng chí một cách chân thành, bền chặt nhất. Sự yếu kém của chi bộ, đảng bộ cơ sở dễ dẫn tới tha hóa đội ngũ đảng viên, mà mỗi khi đảng viên đã bị tha hóa, biến chất thì tình đồng chí cũng không còn. Tổ chức chi bộ, đảng bộ cơ sở chính là môi trường để đảng viên phấn đấu thực hiện thành công nghị quyết của Đảng, nơi đảng viên rèn luyện đạo đức của người cộng sản, là nơi thử thách rõ rệt nhất tình đồng chí.
Trên thực tế, hằng năm các đảng viên đều tiến hành tự phê bình và phê bình ở chi bộ, nhưng không ít trường hợp không xuất phát từ “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” nên việc bé xé ra to, bới lông, tìm vết nhằm hạ thấp uy tín của đồng chí, đồng nghiệp, nhất là đối với những đối thủ có khả năng cạnh tranh trên con đường danh lợi, kéo bè kéo cánh, gây mất đoàn kết trong chi bộ. Cũng có trường hợp thấy đồng chí, đồng nghiệp có khuyết điểm, nhưng không có tình thương yêu nên không góp ý, phê bình mặc cho đồng chí, đồng nghiệp dấn sâu vào sai lầm, khuyết điểm, thậm chí vi phạm pháp luật.“Tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” là điều quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, trong vấn đề bảo đảm đoàn kết và bao trùm lên tất cả là trong các mối quan hệ giữa người với người. Nếu không xuất phát từ “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” sẽ chẳng còn điều gì có ý nghĩa cả.
HỮU TÚC (Tổng hợp)