Dù chỉ là một đảo nhỏ trong hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ của Việt Nam; Song, Côn Đảo được nhân dân cả thế giới biết tên và ngưỡng vọng; bởi đây là dấu tích đầy đau thương và bi hùng của dân tộc Việt Nam qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ. Côn Đảo - vùng đất thiêng liêng, hòn đảo huyền thoại và tâm linh…
Dù chỉ là một đảo nhỏ trong hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ của Việt Nam; Song, Côn Đảo được nhân dân cả thế giới biết tên và ngưỡng vọng; bởi đây là dấu tích đầy đau thương và bi hùng của dân tộc Việt Nam qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ. Côn Đảo - vùng đất thiêng liêng, hòn đảo huyền thoại và tâm linh…
|
Thắp hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sỹ tại Nghĩa trang Hàng Dương |
Từ “Địa Ngục Trần Gian”
Côn Đảo là một quần đảo tiền tiêu nằm về phía Đông Nam nước ta, gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ, cách Vũng Tàu 97 hải lý (tương đương 179.644m) có diện tích 76km
2. Trong đó, Côn Lôn (Côn Đảo), hay Phú Hải và cũng là tên gọi chung của cả quần đảo là hòn đảo trung tâm có diện tích lớn nhất 51,52km
2 (chiếm gần 2/3 diện tích toàn quần đảo này).
Do có vị trí thuận lợi trên đường hàng hải nối liền Âu - Á, Côn Đảo được người phương Tây biết đến và “dòm ngó” từ rất sớm từ thế kỷ XII, XIII… Ngày 1/9/1858, sau khi tấn công và chiếm đóng Đà Nẵng, thực dân Pháp lần lượt đánh chiếm các tỉnh, thành phía Nam nước ta: Vũng Tàu, Cần Giờ, Gia Định (2/1859), Định Tường (4/1861) và chiếm đóng Côn Đảo (ngày 28/11/1861). Nhận thấy Côn Đảo có vị trí chiến lược, núi non hùng vĩ, hiểm trở, tương đối xa đất liền… nên thực dân Pháp quyết định thiết lập nhà tù Côn Đảo vào năm 1862, biến một hòn đảo bình yên, trong lành thành “Địa Ngục Trần Gian” với chế độ lao tù khắc nghiệt nhất trên thế giới.
Trong 92 năm (1862 - 1954) Pháp trực tiếp thiết lập và duy trì chế độ lao tù đã biến Côn Đảo thực sự trở thành một “Đảo tù” với một hệ thống các trại giam kiểu Pháp còn được gọi là “BAGNE” (banh) và được đánh số thứ tự như: banh I, banh II, banh III…, các xà lim, chuồng cọp Pháp, biệt lập chuồng bò… rất chặt chẽ. Đến tháng 9/1954, ngụy quyền Ngô Đình Diệm tiếp quản nhà tù Côn Đảo đã đổi các “banh” thành “trại”, và đến thời kỳ ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu đã cho “gắn” vào trước tên các trại giam ở Côn Đảo, cũng như 16 hòn đảo trên quần đảo này từ “Phú”, ví như: Trại 5 còn gọi là Trại Phú Phong, Trại 6 (Phú An), Trại 7 (Phú Bình); hay Côn Đảo còn gọi là Phú Hải, hòn Côn Lôn Nhỏ (Hòn Bà) còn được gọi là Phú Sơn, hòn Bảy Cạnh (Phú Cường)…
Cùng với việc thay đổi tên gọi nhằm đánh lừa dư luận quốc tế, Mỹ, Diệm đã cho xây dựng lại hệ thống các trại giam, xà lim, “chuồng cọp kiểu Mỹ”… và áp dụng chế độ giam cầm, tra tấn, đày đọa, đánh đập, hành hạ tinh thần và thân xác người tù vô cùng nham hiểm, tàn khốc và man rợ hơn nhiều so với thời Pháp. Qua hai thời kỳ Pháp - Mỹ đã cho xây dựng ở Côn Đảo tất cả 127 phòng giam, 44 xà lim, 504 phòng “biệt lập chuồng cọp”, chuồng bò, các hầm xay lúa, khu đập đá, phòng phơi nắng, phòng tra tấn tù nhân… Với các thiết chế man rợ, khổng lồ và những dụng cụ giết người lạnh lùng này, trong 113 năm tồn tại (1/2/1862 - 1/5/1975), Côn Đảo đã giam cầm, lưu đày trên 200.000 lượt tù nhân là những sĩ phu yêu nước, các nhà cách mạng thời kháng chiến chống Pháp đến các lãnh tụ của Đảng, Nhà nước ta, cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, học sinh, sinh viên… trên cả nước. Nhiều lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam, các nhà yêu nước lỗi lạc nước ta đều có tên trong danh sách tù nhân như: Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyên, Trương Bá Huy, Ngô Đức Kế, Phạm Cao Chẩm, Trần Trọng Cung, Trần Cao Vân, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tạ Uyên, Tống Văn Trân, Tôn Đức Thắng, Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng, Hà Huy Giáp, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Linh...
Thực dân Pháp và chế độ Mỹ - Ngụy đã dùng đủ mọi cực hình tra tấn, cộng với chế độ lao dịch khổ sai… đã giết dần giết mòn sinh mạng người tù. Đã có trên 20.000 tù nhân Côn Đảo hy sinh trong các nhà lao, trại giam, xà lim, chuồng cọp hay các đợt tổ chức vượt ngục không thành…
Thấm thía giá trị ngàn lần cuộc sống hôm nay
Về Côn Đảo trong những ngày giữa tháng Tư rực nắng, đặt chân trên từng bậc đá trong Nghĩa trang Hàng Dương tôi chợt thấy lòng mình bâng khuâng một niềm cảm xúc rất thiêng liêng khó tả. Trong khuôn viên rộng gần 20ha, Nghĩa trang Hàng Dương được chia thành 5 khu mộ liệt sĩ với 1.921 ngôi mộ; trong đó, chỉ có 713 mộ có tên (1.208 mộ chưa tìm được danh tánh). Khu A gồm 690 mộ (7 mộ tập thể), 91 mộ cá nhân có tên và 599 mộ khuyết danh. Nơi đây có mộ của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và nhà yêu nước Nguyễn An Ninh; Khu B1 gồm 210 ngôi mộ, trong đó 14 mộ tập thể, 62 mộ có tên và 148 mộ khuyết danh; Khu B2 gồm 485 ngôi mộ, trong đó có 3 mộ tập thể, 218 mộ có tên và 267 mộ khuyết danh, nơi có mộ của nữ Anh hùng Võ Thị Sáu, Anh hùng Cao Văn Ngọc và Anh hùng Lưu Chí Hiếu; Khu C gồm 374 mộ, trong đó có 1 mộ tập thể, 327 mộ có tên và 47 mộ khuyết danh còn có mộ của Anh hùng Lê Văn Việt và nữ Anh hùng Nguyễn Thị Hoa; và Khu D có 162 ngôi mộ, trong đó 15 mộ có tên và 147 mộ khuyết danh. Khu D được quy tập những mộ liệt sĩ từ các địa danh khác trên quần đảo Côn Đảo về…
Điều đặc biệt và cũng là điểm khác biệt của Nghĩa trang Hàng Dương so với tất cả các nghĩa trang khác trên cả nước ta, đó là gần 2.000 mộ liệt sĩ không quy tập lại mà nằm rải rác trên các khu đất đồi, dưới những tán cây xanh, bên cạnh các lối đi ngoằn ngoèo cao thấp trong nghĩa trang… Ban Quản lý nghĩa trang cho biết, khi tìm kiếm phát hiện được hài cốt liệt sĩ nằm ở vị trí nào thì ốp đá xung quanh thành mộ chí chứ không quy tập. Bởi vậy, trong Nghĩa trang Hàng Dương nơi nào cũng có mộ liệt sĩ nằm ngổn ngang không theo hàng lối và mộ rất nhiều. Cô hướng dẫn viên dẫn đoàn chúng tôi chợt hạ giọng nhẹ nhàng: “Dưới chân chúng ta đang đứng, trong từng nắm đất, gốc cây của Côn Đảo còn lẩn khuất xương cốt của nhiều liệt sĩ, xin hãy nhẹ bước chân”! Bất chợt, những câu thơ như thể thoát ra từ lòng đất ngân nga trong chiều nghĩa trang trong tiếng gió rì rào: “Núi Côn Lôn được pha bằng máu/Đất Côn Lôn năm, sáu lớp xương người…/Nghĩa trang Hàng Dương vùi chôn bao số phận/Hết lớp này, lớp khác dập lên trên…”.
Những ngày lưu lại Côn Đảo, chúng tôi còn đi thăm một số di tích lịch sử, nghe kể về chính sách cai trị hà khắc đối với người tù cộng sản và tinh thần đấu tranh bất khuất của các thế hệ tù nhân chính trị trong các buồng giam, khám tử hình; tay run run đặt lên mộ chị Võ Thị Sáu và các mộ chí nén tâm hương mà nghe hồn rơm rớm lệ.
Nghĩa trang Hàng Dương và nhà tù Côn Đảo là chứng tích lịch sử tố cáo tội ác của thực dân đế quốc xâm lược, là biểu tượng cao nhất của lòng yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của nhân dân Việt Nam. Về Côn Đảo để hiểu giá trị cuộc sống hôm nay và để yêu hơn Tổ quốc mình…
THANH DƯƠNG HỒNG