Cứ mỗi dịp tháng 5, lòng chúng ta lại bâng khuâng nhớ về kỷ niệm những ngày 19/5 khi Bác Hồ kính yêu còn sống. Nhớ lại ngày 19/5/1946, lần đầu tiên cả nước kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Từ đó, cứ đến dịp 19/5, toàn dân ta cùng sống những giờ phút đặc biệt, với niềm kính yêu Bác vô hạn.
Cứ mỗi dịp tháng 5, lòng chúng ta lại bâng khuâng nhớ về kỷ niệm những ngày 19/5 khi Bác Hồ kính yêu còn sống. Nhớ lại ngày 19/5/1946, lần đầu tiên cả nước kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Từ đó, cứ đến dịp 19/5, toàn dân ta cùng sống những giờ phút đặc biệt, với niềm kính yêu Bác vô hạn.
Cách đây 124 năm, ngày 19/5/1890, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cất tiếng khóc chào đời tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - nơi có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất. Tuổi thơ của Người đã chứng kiến bao cảnh nước mất nhà tan, nhân dân đau khổ, lầm than dưới nhiều tầng áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến; nhiều phong trào yêu nước nổ ra đã bị thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, dìm trong biển máu. Chính điều đó đã hun đúc trong tâm hồn Bác một tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng thương dân sâu sắc và sự ý thức về món nợ nước thù nhà luôn khắc sâu trong tâm trí của Người.
Trước bối cảnh đó, ngày 5/6/1911, tại bến cảng Nhà Rồng, với hai bàn tay trắng, chàng thanh niên 21 tuổi - Nguyễn Tất Thành đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước.
Sau 30 năm bôn ba khắp các nước trên thế giới, năm 1941, Người trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, triệu tập Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, xác định đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc trong giai đoạn mới, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh Hội (gọi tắt là Việt minh), tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, thực hiện chính sách căn cứ địa; lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng Tự do, Độc lập và sự thật đã trở thành một nước Tự do, Độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền Tự do, Độc lập ấy”. Từ đây Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; năm 1946 tổ chức Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I (1946) đã bầu Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với cương vị là Chủ tịch nước, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bác Hồ đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo nhân dân ta tiến hành 30 năm kháng chiến trường kỳ đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và kiểu mới để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang giành được những thắng lợi to lớn, thì vào hồi 9 giờ 47 phút ngày 2 tháng 9 nǎm 1969, trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngừng đập, để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và bạn bè quốc tế. Trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn khẳng định: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch - Người anh hùng dân tộc vĩ đại. Và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta...". Với những cống hiến xuất sắc cho dân tộc và nhân loại tiến bộ, năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công nhận Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam”. Nghị quyết của UNESCO khẳng định: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội... Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau".
Có thể nói từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Người đã trải qua một cuộc đời đầy gian khổ hy sinh, “vô cùng cao thượng, vô cùng phong phú, trong sáng và đẹp đẽ ”. Trước lúc đi xa, Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta một tài sản tinh thần vô cùng to lớn. Đó là tư tưởng Hồ Chí Minh và tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng; đó là bản Di chúc thiêng liêng, kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp, những nội dung cơ bản, những quan điểm cốt yếu vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam cả hôm nay và mai sau. Bản Di chúc thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, nhãn quan chiến lược sâu sắc và có ý nghĩa to lớn; thể hiện ý chí, niềm tin, tinh thần lạc quan cách mạng, trách nhiệm với nhân dân; thể hiện sâu sắc ở dự báo về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ và ngày thống nhất đất nước, ở những chỉ dẫn về công việc của sự nghiệp cách mạng còn dang dở; là tâm sự của một người đã “Suốt đời tôi hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”; là tấm lòng thủy chung với “các nước anh em” và “bầu bạn khắp năm châu”. Di chúc còn là điểm kết tinh tư tưởng của Bác về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam; mối quan hệ về công bằng và tiến bộ xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa trong xây dựng xã hội mới; sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh thời đại; tư tưởng trọng dân, coi dân làm gốc, là chủ thể của sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước…
Cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mãi mãi sáng ngời về khí phách hiên ngang, ý chí cách mạng kiên trì, kiên cường, bất khuất, sáng tạo và quyết thắng; đạo đức cách mạng giản dị, trong sáng, chí công vô tư; là biểu tượng cho tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do ” của dân tộc Việt Nam được kết tinh suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đồng thời cũng là hình ảnh cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế; là trái tim trong sáng, thủy chung và khối óc sáng suốt không chỉ dành riêng cho dân tộc Việt Nam mà còn hướng về giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Cả cuộc đời của Bác luôn phấn đấu cho hoài bão là Tổ quốc được độc lập, nhân dân được hạnh phúc. Người nói “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Từ đó, Người liên tục đấu tranh không biết mệt mỏi, không lúc ngừng nghỉ, gặt hái được nhiều thành quả và còn gửi lại kỳ vọng cho mai sau. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lời nói và hành động trước sau như một, đó là cứu dân mình đang quằn quại, cứu nước mình bị mất tự do và cứu các dân tộc đồng cảnh ngộ với dân tộc mình. Tình cảm đó, hành động đó là biểu hiện của một chủ nghĩa nhân văn sống động nhằm xây dựng mối đồng tâm chiến đấu mà Hồ Chí Minh gọi là “tình nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa 45 năm, nhưng Người để lại cho Đảng và nhân dân ta một di sản vô cùng to lớn và quý báu. Đó là thời đại Hồ Chí Minh - thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử của dân tộc; là kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là một Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân; một Đảng Cộng sản kiên định, mang bản chất giai cấp công nhân, đại biểu lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động; một Nhà nước của dân, do dân, vì dân, với nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được phát huy trong đời sống xã hội… Người đã ra đi, nhưng tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người mãi mãi soi đường cho lớp lớp con cháu đất Việt tiến bước, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” theo ý nguyện của Người lúc sinh thời. Nhưng hơn hết “Việt Nam - Hồ Chí Minh” đã trở thành biểu tượng của niềm tin, ý chí, lương tâm và phẩm giá của loài người tiến bộ.
HỒNG VĨNH