Trong di sản tư tưởng quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng và nhân dân ta có vấn đề quan trọng xây dựng Đảng...
Trong di sản tư tưởng quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng và nhân dân ta có vấn đề quan trọng xây dựng Đảng. Hiện nay, khi “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”(1) thì việc rèn luyện tư cách đảng viên, phẩm chất người cán bộ cách mạng theo tư tưởng của Bác là vấn đề rất cần thiết.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (22/12/1962) |
1. Rèn luyện về tư tưởng, lý luận làm cho Đảng ngày càng vững mạnh
Tại lớp chỉnh huấn đầu tiên của Trung ương (ngày 11-5-1952), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Vì điều kiện khó khăn, mà số đông cán bộ và đảng viên chưa được huấn luyện hẳn hoi cho nên tư tưởng và trình độ chính trị còn thấp kém và lệch lạc. Điều đó tỏ rõ ra ở mỗi khuyết điểm như: không phân biệt rõ ràng bạn và địch, bệnh quan liêu, công thần và nạn tham ô hủ hóa khá nặng”(2). Để khắc phục tình trạng này, Người cho rằng: “Muốn hoàn thành tốt mọi việc, thì toàn thể đảng viên và cán bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và chính sách của Đảng. Và muốn như vậy, thì các cấp uỷ đảng phải tăng cường công tác kiểm tra. Vì kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên và cán bộ làm trọn nhiệm vụ đối với Đảng, đối với Nhà nước, làm gương mẫu tốt cho nhân dân. Do đó mà góp phần vào việc củng cố Đảng về tư tưởng, về tổ chức”(3).
2. Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa Đảng với nhân dân
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gần gũi nhân dân, Người coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Dựa vào dân, gắn bó mật thiết với nhân dân là điều kiện tồn tại và phát triển của Đảng. Mục tiêu lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng chính là đem lại những lợi ích thiết thực cho nhân dân. Muốn vậy, Đảng phải là “người đầy tớ” thật trung thành của nhân dân. Để tăng cường sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên đi sâu vào đời sống quần chúng nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân nhưng không theo đuôi quần chúng. Người cho rằng, mọi công việc của Đảng phải dựa vào nhân dân, qua tai mắt của nhân dân, sự giám sát, kiểm tra của nhân dân mà đánh giá sàng lọc, rèn luyện đảng viên. Đảng là một bộ phận tiên phong trong quần chúng, nên trong quan hệ giữa Đảng với nhân dân, Đảng có nhiệm vụ truyền bá lý luận cách mạng, định ra phương hướng hành động, phát hiện những nhân tố mới, tập hợp và tổ chức quần chúng, giáo dục và nâng cao giác ngộ của quần chúng, tạo nên sức mạnh vĩ đại làm cho quần chúng có khả năng đấu tranh để tự giải phóng và xây dựng đời sống mới.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Người yêu cầu cán bộ càng phải: “giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi..., cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”(4). Vì vậy, việc quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc đổi mới hiện nay.
3. Thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng
Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII của Đảng đã thông qua Nghị quyết quan trọng đối với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó nhấn mạnh: “Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng… Nâng cao nhận thức thống nhất trong Đảng về nguyên tắc tập trung dân chủ. Xây dựng và bổ sung các quy định, quy chế thực hiện nguyên tắc này. Cụ thể hoá nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; chế độ trách nhiệm của người đứng đầu; quy định cụ thể về bảo lưu ý kiến, bảo đảm cho người có ý kiến bảo lưu được phát biểu đầy đủ trong tổ chức đảng và một số cơ quan lý luận thích hợp”(5). Đại hội IX, X và XI của Đảng tiếp tục khẳng định phải phát huy dân chủ trong sinh hoạt, coi trọng và thực hiện đúng quy chế làm việc, thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng còn mở rộng nội hàm của nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng, “phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương xã hội; phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân”(6). Theo Hồ Chí Minh, nguyên tắc phê bình và tự phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là vũ khí để rèn luyện đảng viên nhằm làm cho mỗi người tốt hơn, tiến bộ hơn, và tăng cường đoàn kết trong nội bộ. Mục đích của tự phê bình và phê bình là để làm cho phần tốt trong mỗi người nảy nở, mỗi tổ chức tốt lên, phần xấu bị loại bỏ. Người cho rằng: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(7). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình phải tiến hành thường xuyên như người ta rửa mặt hằng ngày; phải thẳng thắn, trung thực, không đặt điều, không thêm bớt, không che giấu. Tự phê bình và phê bình phải kiên quyết, ráo riết. Người yêu cầu: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(8).
4. Rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài
Đạo đức của người cán bộ cách mạng được thể hiện trước hết ở chỗ luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết, biết giải quyết đúng đắn giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của giai cấp, của dân tộc. Đạo đức cách mạng là sống lành mạnh, trong sạch, không xa hoa, lãng phí, không hủ hoá, tham ô, không đặc quyền đặc lợi. “Đạo đức cách mạng là bất kì ở cương vị nào, bất kì làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội”(9). Và, “cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(10). Cán bộ không chỉ cần đức mà rất cần tài. Tài của người cán bộ thể hiện ở năng lực trí tuệ và năng lực tổ chức thực tiễn, trong đó đặc biệt là năng lực nắm bắt, tổ chức triển khai thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ. Cùng với đức và tài, người cán bộ còn phải có phong cách công tác quần chúng, thường xuyên liên hệ mật thiết với nhân dân, biết lắng nghe ý kiến, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, khéo tổ chức và lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Người nhắc nhở lãnh đạo cán bộ các cấp, nhất là những người làm công tác cán bộ phải cương quyết chống đầu óc bè phái.
Tài liệu tham khảo:
(1). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 21.
(2). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, t. 6, tr. 479.
(3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 300.
(4). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 286.
(5). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 1996, tr. 31.
(6). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr. 48.
(7). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 261.
(8),(9). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 497, 498. (10). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 252, 253.
Ths. Nguyễn Văn Giang