"Tử huyệt" của bá quyền

11:06, 16/06/2014

(LĐ online) - Biện minh cho hành động ngang nhiên gây hấn biển Đông, thời gian qua, trên các phương diện ngoại giao và giới truyền thông của Trung Quốc rêu rao rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc. "Cơ sở" mà Trung Quốc dựa vào để huênh hoang tuyên bố chủ quyền là bức Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 14 tháng 9 năm 1958

(LĐ online) - Biện minh cho hành động ngang nhiên gây hấn biển Đông, thời gian qua, trên các phương diện ngoại giao và giới truyền thông của Trung Quốc rêu rao rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc. “Cơ sở” mà Trung Quốc dựa vào để huênh hoang tuyên bố chủ quyền là bức Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 14 tháng 9 năm 1958. Đây là một sự ngộ nhận có chủ đích, và điều đó đồng nghĩa với sự xúc phạm đến uy tín, thanh danh của một vị lãnh đạo tài đức mà toàn thể nhân dân Việt Nam yêu thương và kính trọng.
 
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu kiểm ngư của Việt Nam trên biển Hoàng Sa
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu kiểm ngư của Việt Nam trên biển Hoàng Sa. (Ảnh: internet)

Sự phi lý, lập lờ trong tuyên bố vùng lãnh hải của Trung Quốc tháng 4/1958
 
Ngày 4/9/1954, Tổng lý Quốc vụ viện Trung Quốc lúc bấy giờ là Chu Ân Lai tuyên bố về vùng lãnh hải của Trung Quốc. Nội dung bản tuyên bố này như sau:
 
* Một: Lãnh hải của Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa rộng 12 hải lý. Quy định này áp dụng cho toàn bộ lãnh thổ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm Trung Quốc đại lục cùng với duyên hải của các hải đảo, với Đài Loan cùng các hòn đảo xung quanh cách đại lục bằng hải phận quốc tế, những hòn đảo của khu vực Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và những gì thuộc về những hải đảo của Trung Quốc.
 
* Hai: Lãnh hải của Trung Quốc đại lục và duyên hải của các đảo được tính theo đường thẳng nối liền những điểm mốc ven bờ làm đường biên cơ sở, thuỷ vực từ đường biên cơ sở này hướng ra ngoài 12 hải lý là lãnh hải của Trung Quốc. Phần nước thuộc đường biên cơ sở này hướng vào bên trong, bao gồm vịnh Bột Hải, phần trong hải vực Quỳnh Châu, đều là phần nội hải của Trung Quốc. Các đảo thuộc đường biên cơ sở này hướng vào trong, bao gồm đảo Đông Dẫn, đảo Cao Đăng, đảo Mã Tổ, đảo Bạch Khuyển, đảo Điểu Khưu, đảo Kim Môn lớn nhỏ, đảo Nhị Đảm, đảo Đông Định đều thuộc về các đảo thuộc nội hải của Trung Quốc. 
 
* Ba: Tất cả phi cơ và thuyền bè quân dụng của ngoại quốc, chưa được chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cho phép, không được tiến nhập vào lãnh hải vào không gian trên lãnh hải. Bất cứ tàu bè ngoại quốc nào vận hành tại lãnh hải của Trung Quốc, phải tôn trọng pháp lệnh hữu quan của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. 
 
* Bốn: Dựa trên nguyên tắc quy định 2, 3 áp dụng cho cả Đài Loan cùng các hòn đảo xung quanh, những hòn đảo của khu vực Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và những gì thuộc về những hải đảo của Trung Quốc. Đài Loan và Bành Hồ địa khu hiện nay đang bị Mỹ dùng vũ lực xâm chiếm. Đây là hành vi phi pháp xâm phạm chủ quyền và sự toàn vẹn của lãnh thổ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đài Loan và Bành Hồ đang chờ đợi để thu hồi, Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sử dụng tất cả những phương pháp thích đáng tại một thời điểm thích đáng để thu phục những khu vực này, đây là chuyện nội bộ của Trung Quốc, không cho phép ngoại quốc can thiệp.
 
Đọc kỹ bản tuyên bố này, không khó lắm để chúng ta nhận diện sự lập lờ và phi lý của nó:
 
Phát hiện thứ nhất:
 
Ở điểm một của bản tuyên bố, Trung Quốc khẳng định rằng lãnh hải của Trung Quốc rộng 12 hải lý, bao gồm Trung Quốc đại lục cùng với duyên hải của các hải đảo, với Đài Loan cùng các hòn đảo xung quanh cách đại lục bằng hải phận quốc tế. Cần lưu ý rằng chiều rộng lãnh hải theo công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 chỉ rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở (1 hải lý = 1.832m = 1,832km). Ở  đây Trung Quốc xác định lãnh hải của mình gồm “các hòn đảo xung quanh cách đại lục bằng hải phận quốc tế. Về ý nghĩa của câu thì rõ ràng Trung Quốc đã xác định lãnh hải của mình là 12 hải lý và việc xác định này chỉ nằm trong phạm vi vùng nước bên trong tại điểm tiếp giáp với hải phận quốc tế mà thôi. Cụ thể gồm: “Trung Quốc đại lục cùng với duyên hải của các hải đảo, với Đài Loan cùng các hòn đảo xung quanh cách đại lục bằng hải phận quốc tế”. Đến đây là phần xác định được cho là hợp lý và đồng thời cũng kết thúc một câu. 
 
Vế thứ hai của câu này, Trung Quốc thêm vào nội dung: “những hòn đảo của khu vực Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và những gì thuộc về những hải đảo của Trung Quốc”, nếu đọc kỹ thì chúng ta sẽ thấy nó hoàn toàn không liên hệ gì với vế trước đó. Nếu muốn vế sau có liên hệ với vế trước và đảm bảo ý nghĩa của câu thì bắt buộc phải bỏ cụm từ: “cách đại lục bằng hải phận quốc tế” nghĩa là nội dung phải được thể hiện như thế này: “Lãnh hải của Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa rộng 12 hải lý. Quy định này áp dụng cho toàn bộ lãnh thổ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm Trung Quốc đại lục cùng với duyên hải của các hải đảo, với Đài Loan cùng các hòn đảo xung quanh, những hòn đảo của khu vực Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và những gì thuộc về những hải đảo của Trung Quốc. Đây là một câu khá hoàn chỉnh nhưng rất tiếc lại là điều không thể, vì nếu tuyên bố như vậy thì tất cả các điểm đảo, hải đảo trên toàn bộ biển Đông đều là của Trung Quốc. Chắc chắn rằng nó đã vi phạm công ước quốc tế và dĩ nhiên thế giới sẽ không ai chấp nhận.
 
Cũng cần phải nói thêm rằng: Việc Trung Quốc đưa thêm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào tuyên bố vùng lãnh hải vừa mâu thuẫn vừa bất hợp lý. 
 
Mâu thuẫn thứ nhất: Nếu Trung Quốc xác định rằng vùng lãnh hải của mình gồm Trung Hoa đại lục cùng duyên hải của các hải đảo, với Đài Loan cùng các hòn đảo xung quanh cách đại lục bằng hải phận quốc tế, thì không thể có Hoàng Sa và Trường Sa, vì hai quần đảo này nằm gần Việt Nam hơn Trung Quốc. (Khoảng cách từ Hoàng Sa đến đất liền của Việt Nam là 210,5 hải lý còn cách đất liền của Trung Quốc là 235 hải lý. Khoảng cách từ quần đảo Hoàng Sa đến đảo Hải Nam Trung Quốc 230 hải lý, còn cách đảo Lý Sơn Việt Nam chỉ 200 hải lý). Hoàng Sa mà như vậy thì chắc chắn rằng Trường Sa còn cách Trung Quốc xa hơn rất nhiều so với Việt Nam. 
 
Mâu thuẫn thứ hai: Còn nếu Trung Quốc đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào tuyên bố lãnh hải của mình thì tuyên bố trên không thể bị giới hạn bởi ranh giới hải phận quốc tế và như vậy khu vực biển Đông chỉ thuộc về Trung Quốc dù rằng vùng biển này còn có sự hiện diện của nhiều quốc gia khác. Từ phân tích trên cho thấy nội dung thể hiện tại điểm một Bản Tuyên bố chủ quyền lãnh hải mà Trung Quốc đã xác định chỉ dừng lại ở câu cuối “cách đại lục bằng hải phận quốc tế” là hợp lý chứ không thể có “quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. 
 
Hiện nay, Trung Quốc đã công khai đưa ra bản tuyên bố, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng tôi cho rằng có thể đã có hai tình huống xảy ra: Một, Trung Quốc đã bổ sung thêm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sau khi đã tuyên bố; và hai, đây là phần mà Trung Quốc lập lờ, lấp liếm trong mưu đồ lâu dài độc chiếm biển Đông.
 
Phát hiện thứ hai:
 
Một bằng chứng nữa cho thấy sự lập lờ, bất nhất của Trung Quốc đó là Trung Quốc có ít nhất 2 văn bản tuyên bố chủ quyền, bản mà chúng tôi vừa phản ánh là bản dịch từ tiếng Trung Quốc, còn một bản nữa bằng tiếng Anh. Theo tài liệu được tìm thấy tại Trung tâm nghiên cứu của Văn phòng Địa lý, Vụ nghiên cứu tình báo trực thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì bản “Tuyên bố” bằng tiếng Anh, ở Điều 1 không hề có liệt kê quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và quần đảo Nam Sa (Trường Sa) như bản tuyên bố bằng tiếng Trung. Nguyên văn của bản tuyên bố này được dịch như sau: “Chiều rộng lãnh hải của Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ và các đảo khác thuộc Trung Quốc (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả)”. Nếu xét về ngữ nghĩa, về tính hợp lý thì rõ ràng bản tuyên bố bằng tiếng Anh xem ra còn hợp lý hơn, dù vẫn còn có những mơ hồ, không xác định. 
 
Vậy, không hiểu giữa 2 bản tuyên bố này, bản tuyên bố nào là văn bản mà Trung Quốc chính thức tuyên bố về vùng lãnh hải ngày 4/9/1958? 
 
Phát hiện thứ ba: 
 
Điểm 2 của Tuyên bố chủ quyền lãnh hải, trong phần liệt kê các đảo để tính lãnh hải, Trung Quốc không hề đề cập đến các đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đã vậy cách xác định đường cơ sở và cách tính vùng nội hải trong Tuyên bố này đã vi phạm công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Cách mà nhà cầm quyền Trung Quốc xác định là cách chỉ được áp dụng (theo Công ước LHQ) cho các quốc gia quần đảo. Trung Quốc không phải là quốc gia quần đảo nên việc xác định lãnh hải như vậy là trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Mà đã trái với Công ước Luật Biển thì nó không có giá trị pháp lý. 
 
Phát hiện thứ tư:
 
Trong điểm 4 của Tuyên bố, Trung Quốc nêu: Đài Loan và Bành Hồ địa khu hiện nay đang bị Mỹ dùng vũ lực xâm chiếm. Đây là hành vi phi pháp xâm phạm chủ quyền và sự toàn vẹn của lãnh thổ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đài Loan và Bành Hồ đang chờ đợi để thu hồi, Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sử dụng tất cả những phương pháp thích đáng tại một thời điểm thích đáng để thu phục những khu vực này. Trong khi tại thời điểm đó, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Chính phủ VNCH quản lý thì không được Trung Quốc đề cập đến như là một sự chiếm đóng với tư cách của một quốc gia có chủ quyền mà Trung Quốc tuyên bố. Nếu đọc kỹ và ngẫm kỹ thì chúng ta thấy rằng phần liệt kê các đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở điểm bốn và điểm một là phần điền thêm chứ không phải nó đã được xác định ngay từ đầu lúc tuyên bố và nếu đặt câu hỏi vì sao Trung Quốc chỉ nói đến đảo Đài Loan và đảo Bành Hồ đang bị Mỹ chiếm đóng mà không hề nói gì đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lúc bấy giờ đang nằm dưới sự kiểm soát và quản lý của Chính phủ VNCH, thì lập luận đã phân tích ở phần trên của chúng tôi không phải là không có cơ sở chứng minh. 
 
Tàu Trung Quốc tấn công tàu cá của Việt Nam khi đang đánh bắt tại lãnh hải của mình
Tàu Trung Quốc tấn công tàu cá của Việt Nam khi đang đánh bắt tại lãnh hải của mình.
(Ảnh: internet)

Sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế:
 
Xin nhắc lại rằng: tại Hội nghị San Francisco 1951 (trước khi Trung Quốc Tuyên bố vùng lãnh hải 7 năm) bàn về Công ước Luật Biển, lúc bấy giờ Trung Quốc cũng đã có yêu sách về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng yêu sách này đã bị các quốc gia tham dự hội nghị bác bỏ. Và cũng tại hội nghị này, Việt Nam đã long trọng tuyên bố chủ quyền lâu đời và liên tục của mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong phiên họp toàn thể. Sự tuyên bố này của Việt Nam không hề có bất kỳ sự phản đối hay ý kiến gì khác của tất cả các quốc gia tham dự. Điều đó khẳng định rằng: kể từ năm 1951, cộng đồng quốc tế đã thừa nhận chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, những tuyên bố đơn phương về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này là xâm phạm chủ quyền của quốc gia khác và đương nhiên chiếu theo luật pháp quốc tế thì tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là vô hiệu. Phải chăng vì biết rõ điều này nên Trung Quốc đã sử dụng hai bản tuyên bố bằng hai thứ tiếng và không loại trừ khả năng bản tuyên bố bằng tiếng Trung Quốc đã điền thêm các đảo Hoàng Sa và Trường Sa sau khi tuyên bố.
 
Ba năm sau, tại Hiệp định Genève 1954 (trước khi Trung Quốc tuyên bố vùng lãnh hải 4 năm) mà Trung Quốc là một nước tham dự chính thức cũng đã thừa nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các điều khoản ghi trong hiệp định đã yêu cầu các quốc gia tham dự hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền độc lập, nền thống nhất quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Vì thế, phần tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc ngày 4/9/1958 (sau đó 4 năm) liên quan tới hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là sự thể hiện thái độ không nghiêm túc trong việc chấp hành các quy định của luật pháp quốc tế; thiếu tôn trọng, cố tình xâm phạm toàn vẹn chủ quyền của Việt Nam và tất yếu về cơ sở pháp lý quốc tế, tuyên bố trên của Trung Quốc không được quốc tế thừa nhận. Phải chăng, vì nhận thức rõ điều này nên Trung Quốc đã lập lờ sử dụng hai bản tuyên bố bằng hai thứ tiếng, trong đó bản tuyên bố bằng ngôn ngữ thông dụng quốc tế tiếng Anh không đưa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào để đánh lừa dư luận quốc tế.
 
 Tóm lại, nếu xét về tính logic và sự minh bạch thì bản Tuyên bố vùng lãnh hải của Trung Quốc ngày 4/9/1958 chứa đựng những nội dung mập mờ, khó hiểu và thiếu sự minh bạch, rõ ràng.
 
Cần cái nhìn đúng về Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
 
Trước hết chúng tôi xin phân tích về:
 
1- Hình thức và thẩm quyền
 
- Công thư hay Công hàm?
 
Sau khi Trung Quốc tuyên bố vùng lãnh hải của mình (không xác định là tuyên bố bản bằng tiếng Anh hay bằng tiếng Trung Quốc), ngày 14/9/1958 cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có thư gởi Tổng lý Chu Ân Lai, nguyên văn như sau: 
 
"Thưa Đồng chí Tổng lý,
 
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
 
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trên mặt biển. 
 
Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng".
 
Cần phải xác định rằng về hình thức thì đây là Công thư chứ không phải Công hàm. Trong hệ thống văn bản hành chính Nhà nước, Công thư chỉ dùng để trao đổi công việc. Về thể thức, công thư không có tiêu đề, không có hình thức như công văn, không phải văn bản hành chính mang tính pháp lý và do vậy Công thư không có giá trị pháp lý bắt buộc thực hiện. Công thư không thừa lệnh, không truyền đạt ý kiến của lãnh đạo. Công thư không được phổ biến, chỉ trao đổi nội bộ và không bắt buộc lưu trữ. Còn Công hàm là văn bản chính thức thông qua ngoại giao và dĩ nhiên về thể thức, nó phải thể hiện Quốc Hiệu; Tiêu ngữ. Ở đây, văn bản của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có Quốc hiệu, Tiêu ngữ và mục nơi nhận không hề có ghi Bộ Ngoại giao lưu; ngay ở phần mở đầu văn bản, đã xác định rất rõ tính chất của loại văn bản: “Chúng tôi xin trân trọng báo tin”chứ không phải Chính phủ nước VNDCCH công nhận...”.
 
Từ phân tích trên, có thể thấy rằng về mặt hình thức và lời lẽ văn bản, thì nội dung mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gởi cho Tổng lý Quốc vụ viện Chu Ân Lai chỉ là bức Công thư mang tính chất ngoại giao, thông tin cá nhân chứ không phải Công hàm ngoại giao của Chính phủ như Trung Quốc và một số người đã nhầm lẫn. Mặt khác, đối với tuyên bố vùng lãnh hải của Trung Quốc như đã nói ở trên thì thẩm quyền công nhận nó không phải là Thủ tướng mà phải là Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lúc bấy giờ theo quy định tại Điều 61 Hiến pháp Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946: “Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là người thay mặt cho Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về mặt đối nội và đối ngoại”, với sự phê chuẩn của Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước. 
 
2- Nội dung. 
 
Nội dung Công thư 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng được thể hiện rất thận trọng và rõ ràng với hai nội dung: Một, Chính phủ VNDCCH ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý; Hai, Chính phủ VNDCCH chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước tôn trọng giới hạn lãnh hải 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố chứ không hề đề cập đến lãnh thổ, chủ quyền, càng không nêu tên bất kỳ quần đảo nào như Trung Quốc đã nêu. Do vậy, về mặt pháp lý, không thể áp dụng phương pháp “từ đó suy ra” để áp đặt ý chí chủ quan rằng Chính phủ VNDCCH đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 
 
Nhấn mạnh lại rằng, tại Hội nghị San Francisco 1951 và theo Hiệp định Genève 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã thuộc chủ quyền của Việt Nam do Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đang thực thi quyền quản lý, bảo vệ. Dưới góc độ tài phán quốc tế tại thời điểm đó, thì Chính phủ VNDCCH không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế. Vì vậy, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã hết sức thận trọng nói rõ rằng: “ghi nhận và tán thành... hải phận,… sẽ tôn trọng hải phận 12 hải lý”, dĩ nhiên đó là phần hải phận đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận, còn những gì không thuộc chủ quyền của Trung Quốc mà trước đó cộng đồng quốc tế đã xác định thì mặc nhiên cố Thủ  tướng Phạm Văn Đồng không đề cập.
 
Có thể nói trong hoạt động đối ngoại, với tầm nhìn của một vị lãnh đạo, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhìn thấy rất rõ dã tâm, mưu đồ cũng như dự đoán sự lật lọng của Trung Quốc trong “lộ trình nuốt trọn biển Đông”, vậy nên cách ứng xử của Thủ tướng là hết sức khôn khéo, vừa giữ được “tình thân hữu” giữa hai Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chu Ân Lai, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung Quốc trong sự nghiệp giải phóng thống nhất đất nước, vừa bảo vệ chủ quyền vùng biển quốc gia. Hơn ai hết, với cương vị của mình, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thừa hiểu như thế nào là văn bản đối ngoại có đầy đủ tính pháp lý; văn bản nào không bị sự ràng buộc bởi luật pháp quốc tế và Công thư 1958 là một giải pháp tối ưu ở một thời điểm mang tính lịch sử. Hay nói cách khác đó là một việc làm đạt được ba đích: Ổn hòa đối ngoại; giữ vẹn chủ quyền; phòng ngừa hậu họa.
 
Sự kiện hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là việc làm nhằm hiện thực hóa những lập lờ, lấp liếm của Trung Quốc được chuẩn bị từ bản Tuyên bố vùng lãnh hải tháng 9 năm 1958 cách đây 58 năm. Cơ sở “độc nhất” mà Trung Quốc minh chứng cho hành vi tước đoạt của mình là bản “Tuyên bố chủ quyền lãnh hải” và “Công thư” của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958. Hiện nay trong các tuyên bố ngoại giao của mình, nhà cầm quyền Trung Quốc nói rằng “Thật nực cười, Việt Nam nói ngược...” song qua những gì đã phân tích thì kẻ nói ngược không phải là Việt Nam mà chính là Trung Quốc. Chúng tôi cho rằng những lập lờ, phi lý trong văn bản chủ quyền lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố năm 1958 chính là “tử huyệt” của tham vọng bá quyền độc chiếm biển Đông; và sự tỉnh táo, khôn ngoan tài tình của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con của dân tộc Việt Nam chính là sự ứng xử cao sâu dành cho tham vọng bá quyền ấy. 
 
Văn Tòa