Chú trọng xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế

08:07, 24/07/2014

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được ban hành tháng 7 - 1998 là sự kế thừa và phát triển đường lối, quan điểm văn hóa của Đảng, được thể hiện trong Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo nêu bật 3 tính chất cơ bản của văn hóa Việt Nam là dân tộc, khoa học, đại chúng…

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được ban hành tháng 7 - 1998 là sự kế thừa và phát triển đường lối, quan điểm văn hóa của Đảng, được thể hiện trong Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo nêu bật 3 tính chất cơ bản của văn hóa Việt Nam là dân tộc, khoa học, đại chúng. Nghị quyết Trung ương 5 được bổ sung, phát triển trong Cương lĩnh và các nghị quyết của Đảng từ Đại hội III đến Đại hội VIII, nhất là các nghị quyết chuyên đề về văn hóa của Ban Chấp hành Trung ương trong mỗi nhiệm kỳ đại hội. Nghị quyết nêu bật tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, nhất là luận điểm nổi tiếng “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. 
 
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII ra đời trong bối cảnh Đảng ta chủ động đổi mới tư duy, thoát dần tư duy giáo điều, bao cấp, lãnh đạo toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có văn hóa; thể hiện bước chuyển quan trọng về tư duy lý luận, năng lực đúc kết thực tiễn những năm đầu đổi mới. Nghị quyết có tầm nhìn sâu rộng, chứa đựng nhiều giá trị tư tưởng, nhân văn và khoa học. Các quan điểm nêu trong nghị quyết thực sự đổi mới, có giá trị chỉ đạo cao trong thực tiễn, được nhân dân đón đợi và đồng tình thực hiện…
 
Trên cơ sở đánh giá sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam qua 15 năm đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng, đồng thời nhận định những mặt còn hạn chế và xuất phát từ tình hình đất nước ta cũng như thế giới có nhiều thay đổi, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI vừa qua đã nhất trí cao việc cần thiết ban hành nghị quyết mới là “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”... Nói về văn hóa cũng là nói về con người, vì văn hóa là của con người, do con người, vì con người. Chính vì vậy, Nghị quyết Trung ương 9 có thêm một quan điểm khẳng định vấn đề trọng tâm, cốt lõi của xây dựng văn hóa là xây dựng con người.  
 
Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI được xây dựng với mục tiêu chung: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh... Về mục tiêu cụ thể,  Nghị quyết hướng tới việc hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách. Hoàn thiện thể chế, chế định pháp lý và thiết chế văn hóa bảo đảm xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam. Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội. Ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội.
 
Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đề xuất 6 nhiệm vụ nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách, lối sống tốt đẹp của con người Việt Nam. Với cách tiếp cận đặt văn hóa trong mối quan hệ với kinh tế, chính trị và vấn đề mới xuất hiện trong xã hội, nghị quyết có hai nhiệm vụ mới là Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế và Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa, tạo điểm nhấn trong tổ chức thực hiện. Một trong 2 nhiệm vụ mới đáng lưu ý là nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Theo đó, cần chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên. Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế. Con người thực sự là trung tâm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển văn hóa. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên toàn dân, trước hết là các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.
 
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, một trong các giải pháp quan trọng đặt ra là phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa. Do vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng cần xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng trong suốt thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao vai trò gương mẫu, động viên, tổ chức nhân dân thực hiện thắng lợi nghị quyết.
 
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng vừa bảo đảm để văn hóa, văn học - nghệ thuật, báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn; khắc phục tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo hoặc mất dân chủ, hạn chế tự do sáng tạo.
 
Phải coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước, mà nội dung quan trọng là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Văn hóa, đạo đức và lối sống lành mạnh phải được thể hiện trước hết trong mọi tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể, trong cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, trong từng đảng viên, hội viên. Sự gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên là yêu cầu quan trọng trong công tác lãnh đạo của Đảng.
 
BBT